Bộ TN&MT thông tin về việc người nước ngoài sử dụng đất tại các vị trí trọng yếu

Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), người nước ngoài mượn pháp nhân hoặc thể nhân để đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm pháp luật và không được pháp luật bảo hộ.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), người nước ngoài mượn pháp nhân hoặc thể nhân để đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm pháp luật và không được pháp luật bảo hộ.

Thời gian qua, để góp phần tích cực vào tạo việc làm, đóng góp cho nguồn thu ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, bất động sản, kinh doanh dịch vụ… Điển hình như các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc (Samsung, Lotte, LG), Nhật Bản (Toyota, Yamaha, Honda, Aeon Mall), Trung Quốc (Taxhong), Singapore (VSIP)…

Với phương châm phát triển kinh tế - xã hội, gắn với việc củng cố quốc phòng, an ninh, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, rà soát các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang thuê đất trước năm 2013, nhất là tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án có vi phạm, đảm bảo quốc phòng, an ninh; kiên quyết thu hồi các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ.

Tuy nhiên mới đây, trước thông tin báo chí phản ánh về việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng đất tại một số vị trí trọng yếu, cụ thể là địa bàn TP. Đà Nẵng, làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết đã làm việc với cơ quan có liên quan của Bộ Quốc phòng để làm rõ nội dung thông tin.

Người nước ngoài "núp bóng" đứng tên sổ đỏ là vi phạm pháp luật

Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đều không quy định đối tượng cá nhân nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam và không được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, người nước ngoài mượn pháp nhân hoặc thể nhân để đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm pháp luật và không được pháp luật bảo hộ.

Cụ thể, tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2003 quy định các đối tượng được sử dụng đất, trong đó liên quan đến nước ngoài gồm 02 đối tượng: tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải thành lập pháp nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp.

Tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 quy định các đối tượng được sử dụng đất, trong đó liên quan đến đối tượng nước ngoài được sử dụng đất tại Việt Nam có 3 đối tượng, gồm: (i) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; (ii) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; (iii) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài ra, để bảo đảm quốc phòng, an ninh, pháp luật đất đai năm 2013 (Điều 58 Luật Đất đai, Điều 13 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đã quy định điều kiện đối với các dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của các Bộ: Quốc phòng, Công an và Ngoại giao.

Theo đó, từ năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn công tác để kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê đất và tình hình sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Kết quả kiểm tra cho thấy về thủ tục giao đất cho Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch V.N. Holiday còn thiếu dự án đầu tư; quá trình sử dụng Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch V.N. Holiday đã thực hiện việc chuyển nhượng cho doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài là không đúng quy định; mặc dù quy hoạch khu vực các lô đất dọc sân bay Nước Mặn là đất ở nhưng doanh nghiệp nhận chuyển nhượng không có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật Nhà ở.

Ngoài ra, một số khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong quá trình giao đất, cho thuê đất, UBND TP. Đà Nẵng chưa tranh thủ ý kiến các cơ quan về quốc phòng, an ninh và ngoại giao (các trường hợp này được giao đất, cho thuê đất trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành). 

Trong quá trình sử dụng đất, các đối tượng đã thực hiện việc chuyển nhượng vốn đầu tư (trong đó có giá trị quyền sử dụng đất) để thay đổi tỷ lệ góp vốn của các cổ đông trong nước và nước ngoài.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc trực tiếp với UBND TP. Đà Nẵng và đại diện các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị UBND TP. Đà Nẵng xử lý các trường hợp sử dụng đất ở không đúng đối tượng.

Đến nay, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo, xử lý giải quyết đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở không đúng đối tượng dọc theo sân bay Nước Mặn. Đối với các trường hợp liên doanh, liên kết các đối tượng nước ngoài góp vốn đã chuyển nhượng phần vốn góp cho đối tượng là người Việt Nam.

Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, pháp luật chỉ công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các trường hợp sử dụng đất hợp pháp. Do đó, việc cá nhân nước ngoài mượn pháp nhân hoặc thể nhân để đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải được làm rõ về động cơ, về dòng tiền đầu tư và UBND cấp có thẩm quyền tại địa phương phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn.

Giải pháp ngăn chặn người nước ngoài "thâu tóm" đất khu vực trọng yếu

Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 7 giải pháp để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng. 

Thứ nhất, quy hoạch các khu vực trọng yếu, nhạy cảm có liên quan đến quốc phòng, an ninh cần được tính toán trước một bước nhằm xác định khu vực, phạm vi, giới hạn để thực hiện các dự án đầu tư cũng như những khu vực hạn chế quyền tiếp cận và giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài;

Thứ hai, nghiên cứu xem xét, bổ sung sửa đổi vào Luật Đầu tư, Luật Hôn nhân và Gia đình các quy định để khi đầu tư vào khu vực này phải được kiểm soát chặt chẽ về đối tượng và dòng tiền đầu tư để ngăn chặn các hình thức mượn pháp nhân hoặc thể nhân thay thế yếu tố nước ngoài;

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật đất đai trong việc giao đất, cho thuê đất tại các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh;

Thứ tư, xác định cụ thể các tiêu chí về quốc phòng, an ninh xuyên suốt và thống nhất giữa các pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư…, nhưng đồng thời không cản trở việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội;

Thứ năm, cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối liên thông giữa cơ quan quản lý đầu tư và cơ quan quản lý đất đai để kịp thời theo dõi việc thay đổi vốn chủ sở hữu nhằm quản lý chặt chẽ quyền của người sử dụng đất gắn với nguồn vốn đầu tư;

Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hoạt động ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng để nâng cao cảnh giác, không để bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia;

Cuối cùng, tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân trong việc thực thi các quy định của pháp luật đất đai nói chung và các quy định của pháp luật liên quan đến yếu tố nước ngoài nói riêng.

 

 

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bo-tnmt-thong-tin-ve-viec-nguoi-nuoc-ngoai-su-dung-dat-tai-cac-vi-tri-trong-yeu-a37858.html