Ngày 28/5, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 1985/KH-UBND sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Mục tiêu là trong năm 2020 hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do các tổng công ty, công ty 100% vốn nhà nước thuộc thành phố đang quản lý, sử dụng theo phương án đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt; kiểm tra, rà soát và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, đồng thời theo dõi thực hiện phương án phê duyệt của các đơn vị đã tiến hành hậu kiểm nhưng đang hoặc chưa thực hiện đúng phương án phê duyệt.
Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Thường trực Ban Chỉ đạo 167 phối hợp với Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn thành phố đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Thường trực Ban Chỉ đạo 167 tham mưu, trình Ủy ban Nhân dân Thành phố và Bộ Tài chính ban hành Quy định cơ chế phối hợp giữa thành phố và các bộ ngành; tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đề xuất cơ chế xử lý phù hợp; trong đó có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân thành phố được tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với các cơ sở nhà đất do cơ quan Trung ương quản lý, sử dụng trên địa bàn thành phố nhằm hỗ trợ thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các sở, ban ngành, Ủy ban Nhân dân các quận huyện, tổng công ty, công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trở lên thuộc thành phố khẩn trương hoàn tất báo cáo kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tập trung hoàn tất việc thu hồi, đề xuất phương án xử lý đối với các nhà, đất đã thu hồi nhưng chưa đề xuất phương án xử lý đối với 14 khu, đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá đối với nhà, đất đã được Ủy ban Nhân dân thành phố duyệt phương án bán đấu giá nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Theo kế hoạch, đến hết ngày 29/5/2020, thành phố sẽ kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt tại các Tổng Công ty Bến Thành, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn.
Từ ngày 4/6-29/6 sẽ kiểm tra tại Tổng Công ty Công nghiệp in-bao bì Liskin, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn và Công ty Dược Sài Gòn.
Từ ngày 1/7-30/7 sẽ kiểm tra tại Công ty Dịch vụ Cơ quan nước ngoài, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Phát triển Khu Công nghiệp Sài Gòn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị thành phố.
Trong khi đó, từ ngày 1/8-31/8 sẽ kiểm tra tra tại các Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thảo Cầm viên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên Cây xanh, 27/7 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý Dịch vụ khai thác Thuỷ lợi.
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, đặc biệt là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã phát sinh nhiều vướng mắc về cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn với các sở ban ngành thành phố, vướng mắc về quy định trong việc định giá tài sản đưa vào giá trị cổ phần hóa cũng như xuất hiện một số vụ việc gây thất thoát tài sản nhà nước đã và đang được xử lý nghiêm./.