Giải 'bài toán' nhà ở cho công nhân trước làn sóng FDI mới

Xây nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đang là một đòi hỏi bức thiết khi Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) mới.

Xây nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đang là một đòi hỏi bức thiết khi Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) mới.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ KH&ĐT, đến cuối tháng 9/2019, cả nước có 327 khu công nghiệp (KCN), 17 khu kinh tế (KKT) được thành lập, trong đó có 256 KCN đã đi vào hoạt động với gần 3,7 triệu lao động (lao động nữ chiếm khoảng 60%). Tỷ lệ lấp đầy các KCN đang hoạt động đạt gần 75%.

Thiếu số lượng, kém chất lượng

Mỗi phòng 4 - 6 công nhân, các tiện nghi như máy giặt, nhà vệ sinh được đặt khép kín ngay trong phòng, mỗi tầng có 1 phòng sinh hoạt chung được trang bị ti vi, sách, máy tính… Đây là nhà ở dành cho công nhân do Tổng công ty Viglacera xây dựng cho các doanh nghiệp như Samsung, Canon, Vinasoy... thuê cho công nhân của mình ở KCN Yên Phong, Tiên Sơn (Bắc Ninh).

Anh Nguyễn Văn Điềm, công nhân nhà máy Samsung, chia sẻ khi mới từ Nghệ An ra Bắc Ninh tuyển vào công ty, anh phải thuê nhà ở trong dân cách chỗ làm 4-5 km. Điều kiện nhà ở thuê chật chội, an ninh, vệ sinh không đảm bảo, mùa hè thì nóng bức, mùa đông thì lạnh. Từ khi công ty Samsung thuê nhà cho công nhân, gần như mọi người được ở trong các khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, cuộc sống được đảm bảo và hầu hết công nhân đều phấn khởi với quan niệm “an cư lạc nghiệp”....

Không may mắn được như nhiều công nhân ở các KCN của Viglacera, nhiều công nhân ở các KCN khác chưa có chỗ ở hoặc đang phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ này hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 - 4m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, nên nhếch nhác, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động, gây ra các tệ nạn xã hội, nguy cơ một bộ phận công nhân lao động bị tha hóa là khó tránh khỏi.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, các KCN đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 111 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ, tổng diện tích 2.350.000 m2. Đồng thời, đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 90.500 căn hộ, tổng diện tích 4.525.000 m2.

Thế nhưng, số lượng căn hộ trên chưa thể đáp ứng được cho 3,7 triệu công nhân đang làm việc tại các KCN trên cả nước. Bởi số lượng công nhân được ở trong các ký túc xá do các doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng không nhiều.

Chỉ có số ít KCN được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước có công trình hạ tầng xã hội, trong khi việc xây dựng các công trình này bằng các nguồn vốn đầu tư khác hầu như không được thực hiện.

26-5-Nha-o-cong-nhan-4996-1590483487.jpg

Nhà ở cho công nhân ở KCN Yên Phong, Bắc Ninh do Tổng công ty Viglacera xây dựng cho các doanh nghiệp trong KCN thuê

Chung sức cùng vào cuộc

Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ nhiều KCN không đáp ứng được nhà ở cho công nhân là do việc xây nhà ở cho người lao động tại các KCN, khu chế xuất thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ…). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng một số khu nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng người lao động không muốn vào ở.

Nguyên nhân là chưa có cơ chế chính sách cụ thể đầu tư từ ngân sách để cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, trong khi ngân sách địa phương hạn chế. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn.

Thực tế là ít doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực không sinh lợi nhuận này. Quá trình phát triển KCN, KKT, khâu quy hoạch sử dụng đất thường "bỏ quên" cơ sở phúc lợi xã hội, không đưa công trình văn hóa, phúc lợi xã hội thành những công trình bắt buộc phải có khi được giao đất đầu tư KCN.

Điều đáng lưu ý nữa là, đa số cơ sở văn hóa, trường học phục vụ con em người lao động tại các KCN đã được đầu tư đang hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất chất lượng thấp, môi trường học tập, giảng dạy đơn sơ, vị trí cơ sở không phù hợp quy hoạch, quy mô chưa thích hợp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo.

Bài toán đặt ra là tới đây, khi Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào sẽ dẫn đến nhu cầu nhân lực (công nhân) cho các KCN rất lớn, trong khi nhà ở cho công nhân thiếu. Bởi việc xây nhà ở cho công nhân cũng là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút vốn FDI.  

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết Đề án đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn theo Báo cáo số 111/BC-TLĐ ngày 12/12/2019 của cơ quan này hiện đang thực hiện thí điểm 2 thiết chế công đoàn tại Hà Nam và Tiền Giang. Hiện đã có 40 địa phương bố trí quỹ đất để đầu tư thiết chế công đoàn, mỗi khu đất có diện tích trung bình từ 3 - 5ha.

Đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ, để cùng cả nước chuẩn bị tốt nhất nhân lực, vật lực đón làn sóng FDI, ngành xây dựng trước hết là sửa đổi chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong Nghị định 100 của Chính phủ. Đồng thời, làm việc với các bộ, ngành có liên quan để thúc đẩy phân bổ nguồn vốn cho nhà ở xã hội năm 2020 mà Chính phủ giao.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ rất quan tâm tới đời sống của công nhân. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại các KCN-KKT, yêu cầu phát triển các khu nhà ở tập trung hoặc phân tán kết nối với hạ tầng đặc biệt là giao thông công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân ở những khu vực này.

Sắp tới, ngày 19/6/2020, vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN, KKT sẽ được các bộ, ngành và doanh nghiệp đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp lần thứ 2, hy vọng sẽ giải được bài toán này.

 

 

Phạm Minh - Theo Thời Báo KInh Doanh

Link gôc

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/giai-bai-toan-nha-o-cho-cong-nhan-truoc-lan-song-fdi-moi-a37811.html