Tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở

TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục rà soát những bất cập của các quy định pháp luật, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở nhằm tăng nguồn thu ngân sách từ các hoạt động đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục rà soát những bất cập của các quy định pháp luật, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở nhằm tăng nguồn thu ngân sách từ các hoạt động đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở - Ảnh 1.

Một dự án chậm triển khai nhiều năm tại quận 1, TP Hồ Chí Minh do vướng quy định pháp luật. Ảnh: Minh Tú

Ách tắc 63 dự án

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, tính từ tháng 12-2015 (thời điểm Nghị định 99/2015/NÐ-CP ngày 20-10-2015 có hiệu lực) đến nay, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng nhưng vẫn không thể triển khai được do sự bất nhất trong các quy định pháp luật, trong đó, ba dự án đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; hai dự án đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở. Về tiến độ, 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực thi hành (chiếm 71,4%), 11 dự án đã được chấp thuận đầu tư, chiếm tỷ lệ 17,5% (trong đó một dự án đã được cấp giấy chứng nhận, một dự án đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, ba dự án đã ban hành quyết định thu hồi, giao đất chuyển mục đích sử dụng đất…). Tuy nhiên, từ tháng 9-2018, các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (kể cả các dự án đã hết thời hiệu), đều phải thực hiện thủ tục thông qua Sở Kế hoạch và Ðầu tư để trình UBND thành phố ban hành quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Ðầu tư. Có nghĩa là các dự án đi một vòng không được chấp thuận đã trở về vị trí cũ, để tiếp tục xin thành phố phê duyệt lại chủ trương đầu tư. Ðược biết, các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư và có quỹ đất hỗn hợp đều bị ách tắc về thủ tục công nhận chủ đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp đã có nhiều báo cáo lên Chính phủ, kiến nghị giải quyết vướng mắc do quy định "Dự án nhà ở thương mại phải có 100% đất ở mới được công nhận chủ đầu tư", đây là điều quá khó với chủ đầu tư, Nhà nước và gần như không khả thi trên thực tế. Dù mới đây, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết vướng mắc này, theo hướng giao cho các bộ liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc giao đất theo hình thức chỉ định, hoặc chỉ định nhà đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở có tính chất đặc thù, riêng biệt, bảo đảm cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện. Thế nhưng, xem ra mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ do quy định của pháp luật chồng chéo, rối rắm.

Ðề xuất giải pháp tháo gỡ

Ðể tháo gỡ kịp thời các vướng mắc nhằm giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ sở hoàn tất các thủ tục đầu tư và triển khai dự án nêu trên, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã có văn bản tham mưu UBND thành phố, để thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án "có quyền sử dụng đất ở hợp pháp". Theo đó, diện tích đất có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt, hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở, hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, diện tích đất đó được coi là đất ở. Theo UBND thành phố, nếu được Chính phủ chấp thuận, thành phố sẽ thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư đối với 45 dự án đã hết hiệu lực công nhận chủ đầu tư; 18 dự án còn lại, thành phố sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư dự án. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận, thành phố sẽ yêu cầu 58 dự án thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Ðầu tư. Năm dự án còn lại, thành phố sẽ phải hủy bỏ các quyết định thu hồi, giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, dẫn đến thành phố phải hoàn trả lại nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư đã thực hiện.

Về xử lý các vướng mắc đối với phần đất do Nhà nước quản lý trong các dự án (đất xen kẹt trong các thửa đất, đất mương rạch, đất giao thông…), thành phố kiến nghị Chính phủ tháo gỡ theo hướng: đối với quỹ đất có diện tích dưới 1.000 m2, thành phố được giao cho chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch; đối với quỹ đất có diện tích từ 1.000 m2 trở lên thành phố được thực hiện hoán đổi với chủ đầu tư để Nhà nước có quỹ đất tương đương ngay tại dự án. Ngoài ra, để xác định các dự án có sử dụng nguồn gốc đất do Nhà nước cho thuê đất ngắn hạn, có trả tiền hằng năm cho đến khi thực hiện quy hoạch có thuộc trường hợp thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư hay phải thu hồi đất để thực hiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, thành phố kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến hướng dẫn thành phố thực hiện.

 

 

Theo NLĐ

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/thao-go-kho-khan-cho-cac-du-an-nha-o-a37712.html