Chồng đi làm, vợ ở nhà chăm sóc gia đình là việc diễn ra khá phổ biến. Vậy, khi mua nhà đất mà không góp tiền, vợ có được đứng tên trong Sổ đỏ với chồng không là thắc mắc của không ít người.
Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Thực tiễn áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình cho thấy có hai trường hợp mang tính phổ biến mà vợ chồng “có thỏa thuận khác” liên quan đến tài sản chung:
Thứ nhất, tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân và về nguyên tắc đây là tài sản chung của vợ chồng nhưng vợ, chồng thỏa thuận đây là tài sản riêng của một bên. Trong trường hợp này, vợ hoặc chồng phải lập giấy cam kết là tài sản riêng của người kia. Giấy cam kết này cũng được công chứng viên chứng nhận.
Thứ hai, tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên cả hai vợ chồng.
Tuy nhiên do một lý do nào đó mà một bên không có điều kiện thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung thì vợ hoặc chồng lập Giấy ủy quyền có chứng nhận của công chứng viên cho người kia được thay mặt họ thực hiện một số công việc nhất định liên quan đến tài sản chung của vợ chồng (như cho thuê, thế chấp, chuyển nhượng...). Sau khi nhận ủy quyền, chỉ một mình người nhận ủy quyền cũng đủ tư cách tham gia giao dịch (trong phạm vi ủy quyền) mà pháp luật không đòi hỏi phải có sự tham gia của người kia.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 34 Luật này còn quy định: Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Như vậy, từ những quy định trên trường hợp người chồng không cho vợ đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Sổ đỏ) với lý do tiền do chồng tự làm ra là không đúng với quy định của pháp luật.
Người vợ dù chỉ ở nhà chăm sóc và đưa đón con đi học thì theo nguyên tắc tiền hoặc tài sản khác mà chồng có được trong thời kỳ hôn nhân vẫn là tài sản chung nên vợ vẫn được ghi tên trong Sổ đỏ.
Trường hợp 1, nếu người chồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua đất) mà chưa đăng ký thì vợ nên thỏa thuận với chồng về việc ghi tên cả hai vợ chồng vào Sổ đỏ, trừ khi thỏa thuận một người đứng tên.
Trường hợp 2, nếu người chồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà đã đăng ký và chỉ ghi tên một người thì vợ có quyền yêu cầu cấp đổi Sổ đỏ để ghi tên của cả vợ và chồng (theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP).
Hoàng Mai
Theo Người đưa tin
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/khong-gop-tien-mua-nha-vo-muon-dung-ten-trong-so-do-co-duoc-khong-a3761.html