Tăng tàu bay liên quan đến giấy phép, thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và của Chính phủ. Không biết ông Quyết dựa vào đâu mà đã sớm tuyên bố mạnh mẽ như vậy?
Mục tiêu giành 30 thị phần còn khó hơn khi Vietnam Airlines và Vietjet đang lừng lững nắm giữ thị phần nội địa lớn nhất. Không lâu sau khi ông Quyết tuyên bố sẽ chiếm 30% thị phần, Cục hàng không phát đi văn bản yêu cầu Bamboo báo cáo tình trạng nợ và tài chính có bảo đảm hoạt động kinh doanh của hãng. Báo cáo được phát hành sau khi Cục hàng không nhận được công văn của 5 chủ nợ (đều là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không) tố Bamboo trây ỳ, nợ quá hạn nhiều trăm tỷ đồng.
Nợ là ‘đặc sản’ của ông Quyết. Tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung vào ‘nghề đặc sản’ đầy tai tiếng khác của ông Quyết là cổ phiếu.
Tăng vốn gấp thếp, đặc sản của các doanh nghiệp “họ” FLC?
Kế hoạch tăng quy mô đội bay của Bamboo gắn liền với quá trình tăng vốn rất nhanh của hãng hàng không này. Thực tế không chỉ trường hợp của Bamboo, tăng vốn gấp thếp luôn là đặc sản của các doanh nghiệp thuộc ‘họ FLC’ trước khi lên sàn chứng khoán ‘nhảy múa’.
Nhóm các công ty như FLC, ROS, GAB hay mới đây là FHH đều có các bước tăng vốn thần tốc. Trừ trường hợp FLC đã niêm yết khá lâu trên sàn chứng khoán, những công ty còn lại có sự thay đổi đáng chú ý là đều tăng vốn trước khi niêm yết, thậm chí khi còn chưa là các công ty đại chúng. Tăng vốn trước niêm yết có lợi điểm là có thể thực hiện với một hay một nhóm cổ đông và thông qua quy trình đăng ký, xác nhận vốn góp của Sở Kế hoạch đầu tư, thậm chí có thể nhờ phát hành thêm cổ phiếu để mua bán, sáp nhập với các công ty nào đó mà không có sự giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành như Ủy ban chứng khoán nhà nước.
ROS là trường hợp rõ nhất của hoạt động tăng vốn gấp thếp nhưng rất mù mờ trước khi lên sàn. Doanh nghiệp này tiền thân là một công ty nhỏ xíu thành lập năm 2011 vốn chỉ có 1,5 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 5 năm ROS đạt mức vốn 4.300 tỷ. ROS đã từng được kiểm toán nêu rõ hành động góp vốn bất thường khi đợt tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016. Việc doanh nghiệp tăng vốn thường là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng ROS lại tăng vốn rồi chuyển tiền đó đi ngay để ủy thác đầu tư cho người ngoài.
Hay như trường hợp ROS tăng vốn từ mức 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng đầu năm 2016 bằng cách phát hành thêm 800 tỷ đồng để hoán đổi sáp nhập với một công ty “không tên tuổi” là CtyCP Quản lý Tài chính và Đầu tư tài sản RTS. Công ty này chỉ có 3 cổ đông và cũng không có báo cáo tài chính để biết được liệu có xứng đáng trị giá 800 tỷ đồng hay không. Điều duy nhất biết được là khi RTS sáp nhập vào ROS thì vốn của ROS tăng thêm từng đó tiền.
Kịch bản tăng vốn kiểu này được lặp lại với FHH thông qua thương vụ phát hành cổ phiếu để sáp nhập Cty CP Hóa chất và Vật tư Khoa học Kỹ thuật (Cemacao), nâng vốn từ 2.600 tỷ đồng lên 4.160 tỷ đồng ngày 20/11/2017. Tuy nhiên theo Ủy ban chứng khoán nhà nước, ngay trước khi có vụ sáp nhập này thì Cemacao đã tăng vốn đột ngột từ 18,11 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng trong tháng 9 và tháng 10/2017. Có thể thấy ngay sự lạ lùng là một công ty vừa tăng vốn khổng lồ lên 1.200 tỷ đồng thì ngay tháng sau đã “bán mình” cho FHH (khi đó còn tên cũ là Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Giải trí Biscom).
Đó là chưa kể Biscom (tiền thân của FHH) thành lập từ tháng 2/2016 vốn chỉ 20 tỷ đồng thì đến tháng 3/2017 đã tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, đến tháng 9/2017 tăng vốn lên 1.800 tỷ đồng, đến tháng 10/2017 tăng lên 2.600 tỷ đồng để rồi tháng 11/2017 làm cú chót sáp nhập Cemacao để có vốn 4.160 tỷ đồng.
Kết quả của những màn diễn ấy là tiền chảy vào túi người làm chủ cuộc chơi, sau đó cổ phiếu rơi tự do về giá trị bằng mớ rau hoặc cốc trà đá.
Với Bamboo, chưa có thương vụ sáp nhập nào giống như ROS hay FHH nhưng mức tăng vốn cũng thần tốc không kém. Thành lập ngày 31/5/2017 với vốn ban đầu 700 tỷ do FLC góp 100%, đến tháng 9/2019 Bamboo được FLC tăng vốn lên 1.300 tỷ đồng. Đến tháng 10/2019 Bamboo lại tăng vốn tiếp lên 2.200 tỷ đồng và chỉ một tháng sau lại nâng vốn lên 4.050 tỷ đồng.
Bước đầu, Bamboo đã gợi lên được một hình ảnh đẹp đẽ. Nhưng những diễn biến của Bamboo cho thấy hãng này đang lao nhanh vào con đường cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết.
Khát vốn, Bamboo có lách qua khe cửa hẹp niêm yết?
Tỷ lệ sở hữu ở Bamboo hiện vẫn là một ẩn số vì chỉ có thể dò ra trong báo cáo tài chính 2019 của FLC rằng FLC đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Bamboo xuống còn 51,11%, trong khi cuối quý 3/2019 vẫn còn là 100%. Như vậy trong đợt tăng vốn gấp thếp quý 4/2019, Bamboo đã phát hành hoặc như báo chí đưa tin là đã chuyển nhượng cổ phần, nhưng chưa biết chuyển nhượng cho ai.
Quá trình tăng vốn không thông qua thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp “họ FLC” tạo ra khoảng mờ về thông tin. Nếu như việc tăng vốn rất lớn nhưng phần lớn mức vốn này lại được chuyển ra bên ngoài qua các hình thức ủy thác đầu tư hay góp vốn vào các công ty khác dễ tạo nghi ngờ liệu mức vốn góp có thực hay không?
Thủ thuật kế toán không khó để làm cân bằng các số liệu tài chính thông qua các nghiệp vụ khác nhau. Mặc dù bản chất việc góp vốn luôn phải có xác nhận tiền thật chuyển vào tài khoản, nhưng những đồng tiền đó đi đâu sau đó mới là quan trọng.Ví dụ ROS vừa góp vốn xong vài phút đã chuyển hết ra bên ngoài là điều rất khó hiểu.Thậm chí các cổ đông có thể vay nóng tiền ở đâu đó để chuyển vào tài khoản góp vốn nhằm có xác nhận ngân hàng, sau đó lại có thể rút ra trả về nguồn vay.Hay như vài cá nhân chủ công ty có thể định giá một công ty sân sau với giá trên trời rồi phát hành cổ phiếu để sáp nhập như một cách thức ‘in giấy’ tăng vốn rất dễ dàng.
Với Bamboo, vì không công bố công khai bất cứ báo cáo tài chính nào nên không ai biết liệu vốn góp được dùng vào những việc gì. Một chút dấu vết chỉ có thể dò ra trên văn bản của Bộ Tài chính trả lời tỉnh Bình Định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của Bamboo tại Cảng hàng không Phù Cát hồi tháng 8/2019.
Dẫn ra số liệu tại Bảng cân đối kế toán ngày 30/4/2019 của Bamboo, Bộ Tài chính cho biết vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 981,47 tỷ đồng,trong đó vốn góp là 1.300 tỷ; lợi nhuận chưa phân phối là -318,5 tỷ đồng; tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn tại thời điểm này là 1.062,4 tỷ đồng (chiếm 48,27% tổng tài sản). Bộ Tài chính nhận xét rằng ‘số vốn góp chủ sở hữu của Công ty Tre Việt chủ yếu đang được Công ty sử dụng một phần để cho vay ngắn hạn. Song chưa có thuyết minh cụ thể về đối tượng vay, tài sản đảm bảo, phương án thu hồi các khoản vay, vì vậy có thể có những khó khăn trong việc thu hồi để đáp ứng tiến độ triển khai dự án’.
Hiện tượng tăng vốn gấp thếp nhưng lại đem tiền đi cho người khác vay là một đặc điểm của các công ty ‘họ FLC’. Ngay sau khi có văn bản nói trên của Bộ Tài chính, Bamboo phản hồi và tiết lộ thêm khoản cho vay ngắn hạn của hãng tại thời điểm 30/6/2019 là 986,49 tỉ đồng.Các khoản cho vay này đều dành cho các đối tác thường xuyên của Tập đoàn FLC với mục đích tối ưu dòng tiền của Bamboo và Tập đoàn FLC. Như vậy chính Bamboo cũng đã cho thấy tiền mặt của các đơn vị trong Tập đoàn FLC có thể điều chuyển lòng vòng cho nhau hoặc được cho vay ra bên ngoài mà không ai biết cụ thể là tổ chức, cá nhân nào. Một hãng hàng không đang thua lỗ, gặp khó khăn với tỷ lệ nợ phải trả cao nhưng vẫn dư giả tiền cho vay là điều không bình thường.Những thủ thuật tăng vốn ảo nếu xảy ra, về cơ bản chỉ giúp nâng được con số vốn điều lệ trên giấy tờ đăng ký kinh doanh mà thôi.
Ông Quyết từng tuyên bố quý II năm nay, và gần đây điều chỉnh lại là năm nay sẽ chào bán cổ phần Bamboo ra công chúng (IPO) trong năm 2020.Tuy nhiên, khả năng niêm yết cổ phiếu của Bamboo trên sàn chứng khoán cũng rất hẹp vì một số điều kiện cơ bản vẫn chưa đạt được như có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm niêm yết và hai năm có lãi được xác nhận bằng cáo cáo kiểm toán năm. Ai có thể cho phép Bamboo bỏ qua quy định này?
Cơ hội hẹp hơn nữa là Bamboo sẽ sáp nhập với một công ty đang niêm yết nào đó.Tuy nhiên về khía cạnh lĩnh vực kinh doanh, việc sáp nhập này e rằng quá lộ liễu và nhiều điều tiếng khi cố lách qua khe cửa hẹp để lên sàn chứng khoán.
Cả Bamboo và tập đoàn FLC đang khát tiền để trả nợ và duy trì hoạt động. Dư luận đang băn khoăn liệu Bamboo có ‘qua khỏi’ ảnh hưởng của dịch covid này không? Còn những người hiểu chuyện thì đang chờ xem những gì sẽ diễn ra tiếp theo ở Bamboo vàvà phản ứng của cơ quan quản lý sẽ như thế nào?
Đăng Khôi - Theo nghenghiepcuocsong.vn