Thời gian qua tại TP. HCM cũng như nhiều tỉnh thành cả nước, tình trạng cơ sở làm đẹp, chăm sóc da, phòng khám nhập nhằng không có phép nhưng vẫn đại phẫu chui diễn ra phổ biến. Để cung cấp thông tin và kiến thức cho độc giả về hoạt động của những cơ sở này, Sức khỏe Cộng đồng đã vào cuộc tìm hiểu để có những góc nhìn cụ thể. Qua đó, chúng tôi tiếp cận rất nhiều cơ sở làm đẹp cố tình lập lờ phạm vi hoạt động đánh lừa khách hàng.
Ngày 16/5, Sức khoẻ Cộng đồng có bài “Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ Saigon’sun có được phép nâng ngực như quảng cáo?”. Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh không cho phép các Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ quảng cáo đại phẫu. Nhưng xuất hiện trên mạng xã hội đầy rẫy các quảng cáo đại phẫu gắn tên Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ Saigon'sun.
Trong vai khách hàng, chúng tôi đã đặt lịch hẹn nâng ngực qua Fanpage https://www.facebook.com/TMVSaigonSun/ và được mời đến địa chỉ 388-390 Cao Thắng nối dài, phường 12, quận 10. Tại đây, thăm khám và tư vấn nâng ngực cho chúng tôi là 2 người đàn ông giới thiệu là bác sĩ Bằng và bác sĩ Bình. Theo hai người này, ca phẫu thuật nâng ngực sẽ được chính họ thực hiện tại Bệnh viện thẩm mỹ Korea Star Sao Hàn (Quận 10). Ngoài hai bác sĩ đã thăm khám cho chúng tôi, ekip còn có bác sĩ Khánh Vân, bác sĩ Gòn.
Phóng viên Sức khoẻ Cộng đồng vừa đặt giấy giới thiệu tại Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ Saigon'sun thì ngay sau đó đã bị tung lên mạng bôi nhọ
PV Sức khoẻ Cộng đồng đã đến Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ Saigon’sun để liên hệ làm việc và được các nhân viên ở đây tiếp nhận giấy tờ. Tuy nhiên nhiều ngày trôi qua, đơn vị này vẫn chưa có câu trả lời. Những dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo dịch vụ quá phạm vi chuyên môn, không có trong giấy phép hoạt động của Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ Saigon’sun cũng đã được PV cung cấp cho Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra, xử lý. Ngày 19/5, phòng y tế Quận 10 đã kiểm tra cơ sở thẩm mỹ Saigon’sun (388-390 Cao Thắng nối dài, phường 12, quận 10) và mời cơ sở làm việc sau kiểm tra.
Tuy nhiên ở một diễn biến khác, ngày 14/5, một tài khoản trên mạng xã hội zalo có tên TMV Wanghoo. BS. PM. Cường đã đăng tải bài viết với nội dung vu khống, xúc phạm phóng viên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng. Người viết zalo này nói rằng PV tạp chí Sức khoẻ Cộng đồng thực hiện tác nghiệp phi pháp, giả danh phóng viên. Trong khi đó, PV đã đến liên hệ đặt lịch làm việc theo đúng quy định và xuất trình giấy giới thiệu của tòa soạn đầy đủ.
Không những vậy, tờ giấy giới thiệu của tòa soạn để lại tại thẩm mỹ viện Saigon’sun lọt vào tay đối tượng nói trên rồi tung lên mạng xã hội không hiểu lý do gì và với mục đích gì? Ảnh chụp màn hình zalo có hình ảnh cá nhân của PV Sức khoẻ Cộng đồng.
Một điều trùng hợp là tài khoản zalo nói trên lấy tên trùng với của bác sỹ Phùng Mạnh Cường (của TMV Wanghoo), người từng được Sức khỏe Cộng đồng phản ánh liên quan đến nhiều hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ bị khách hàng gửi đơn tố cáo sai phạm.
Mặc dù tài khoản nặc danh này viết như vậy nhưng không hề đưa ra được bằng chứng, lý lẽ nào thể hiện PV Sức khỏe Cộng đồng tác nghiệp phi pháp như lời vu khống.
Trao đổi với Sức khoẻ Cộng đồng, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư chính pháp) cho biết: “Mọi hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân hoặc hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của Pháp luật…. đều là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Điều 8, Luật An ninh mạng.
Do đó, nếu có căn xác định người nào đó có hành vi đăng tải các nội dung xuyên tạc, vu khống, nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật và tùy từng tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với việc phát hiện các hành vi vi phạm nêu trên thì mọi công dân có quyền trình báo, tố giác tội phạm đến cơ quan công an có thẩm quyền gần nhất hoặc cơ quan công an có thẩm quyền nơi người vi phạm thực hiện hành vi.
Cụ thể, về thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì theo quy định tại khoản 4 Điều 116 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu trên thì trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao… có quyền xử phạt hành chính.
Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin; phạt tiền đến 16.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử;
Còn đối với trường hợp liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo quy định tại khoản 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.”
Sức khoẻ Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin…
Phi Yến - Theo Sức Khỏe Cộng Đồng