Khu ‘đất vàng’ tại TP. HCM khiến BIDV có nguy cơ “mất trắng” 700 tỷ?

Số tiền 717 tỷ đồng đang có nguy cơ biến thành nợ xấu, nợ quá hạn do khu đất số 7 – 9 Tôn Đức Thắng, Q1, TP. HCM được thế chấp tại ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô (Hà Nội) bị thu hồi vào cuối 2019.

Số tiền 717 tỷ đồng đang có nguy cơ biến thành nợ xấu, nợ quá hạn do khu đất số 7 – 9 Tôn Đức Thắng, Q1, TP. HCM được thế chấp tại ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô (Hà Nội) bị thu hồi vào cuối 2019.

Doanh nghiệp đem thế chấp quyền sử dụng đất quốc phòng

Sáng nay, ngày 18/5/2020, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân xét xử ông Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng); Cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân Bùi Như Thiềm; Đoàn Mạnh Thảo, cựu Trưởng phòng Tài chính Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga, cựu Giám đốc Công ty Hải Thành) và Trần Trọng Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công ty Hải Thành cùng hầu tòa về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”;

Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh), bị xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 22/10/2019, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Theo Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, việc khởi tố Đô đốc Nguyễn Văn Hiến là sau quá trình điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ, Bùi Văn Nga và đồng phạm, về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo khoản 3 Điều 229 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cáo buộc, ông Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký phê duyệt các văn bản để đưa ba khu đất Quốc phòng (số 2; số 7-9 và 9-11 tổng cộng hơn 7.300 m2 đường Tôn Đức Thắng) vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định.

Cụ thể tại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Q1, TP. HCM, rộng 3.531m2, Công ty Hải Thành đã liên danh với Công ty Yên Khánh để xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại.

Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, còn Công ty Yên Khánh góp 288 tỷ đồng để làm dự án. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án không được thực hiện, quyền sử dụng đất tại đây đã được đem đi thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV chi nhánh Thành Đô (Hà Nội) lấy về số tiền 717 tỷ đồng.

Tháng 8/2018, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng vào cuộc điều tra. Đến cuối năm 2019, khu đất vàng này bị UBND TP. HCM thu hồi.

Khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Q1, TP. HCM bị thu hồi vào cuối năm 2019 hiện mới đang quây tôn.

BIDV đứng trước nguy cơ phát sinh hơn 700 tỷ đồng nợ xấu?

Được biết, việc các cơ quan có thẩm quyền thông báo hủy/thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã cấp cho cá nhân, hộ gia đình, chủ đầu tư dự án… trong đó bao gồm GCNQSDĐ của tài sản bảo đảm đã được thế chấp cho khoản vay, do có vi phạm quy định của Luật đất đai năm 2013, do cơ quan có thẩm quyền cấp không đúng quy định và một số lí do khác thì việc hủy/thu hồi GCNQSDĐ đang được sử dụng trong quan hệ thế chấp tại tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.

Cảnh báo vấn đề trên, vào tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng cường biện pháp quản lý rủi ro khi nhận thế chấp tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất.

Mặc dù BIDV đứng trước nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn từ khoản tiền giải ngân cho Liên danh Hải Thành – Yên Khánh, tuy nhiên dư luận có nhiều hoài nghi về sự việc này.

Bởi lẽ, “nợ xấu” luôn là nỗi ám ảnh đối với các ngân hàng, do đó để có thể giải ngân, ngân hàng sẽ phải có quá trình kiểm tra tính pháp của tài sản thế chấp một cách kỹ lưỡng.

Với đội ngũ pháp chế hùng hậu và nhiều phương tiện hỗ trợ khác, nhất là với bề dày hoạt động trên 60 năm, là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam, liệu BIDV có dễ dàng để mình trở thành “thỏ non”, giải ngân mà không hề biết đến nguồn gốc khu đất? Không nhận định được quá trình cấp các thủ tục cho dự án là đúng hay vi phạm pháp luật hay không?

BIDV là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam.

Như đã biết, việc không thu hồi được nợ (gốc, lãi và các khoản phí) làm cho nguồn vốn của các ngân hành thương mại bị thất thoát, trong khi đó, các ngân hàng này vẫn phải chi trả tiền lãi cho nguồn vốn hoạt động, làm cho lợi nhuận bị giảm sút.

Nếu lợi nhuận không đủ thì ngân hàng còn phải dùng chính vốn tự có của mình để bù đắp thiệt hại. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quy mô hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Mặt khác, tỷ lệ nợ quá hạn cao làm cho uy tín, niềm tin vào tiềm lực tài chính của ngân hàng bị suy giảm, dẫn đến làm giảm khả năng huy động vốn của ngân hàng, nghiêm trọng hơn nó có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản, đẩy ngân hàng đến bờ vực phá sản và đe dọa sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Để làm rõ vấn đề này và đảm bảo tính khách quan, chúng tôi sẽ liên hệ với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV chi nhánh Thành Đô (Hà Nội) và tiếp tục thông tin ở bài viết tiếp theo.

Thế chấp quyền sử dụng đất phát sinh nhiều khoản nợ xấu cho BIDV

Không chỉ khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Q1, TP. HCM có nguy cơ khiến BIDV phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn. Trên thực tế, nợ xấu phát sinh từ việc thế chấp quyền sử dụng đất dường như là một “đặc sản” của BIDV.

Gần đây, BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 272 tỷ đồng của Công ty TNHH Phạm Tôn. Tài sản đảm bảo là 5 quyền sử dụng đất tại TP.HCM, Bình Dương, cùng 14 xe ôtô các loại.

Tháng trước, BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên, chủ đầu tư dự án khu căn hộ Kenton.

Phối cảnh dự án Kenton.

Cụ thể, tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tạm tính đến ngày 29/3/2020 là hơn 4.063 tỷ đồng. Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM.

Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Giá trị định giá tài sản là 7.837 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 2, BIDV cũng rao bán khoản nợ trị giá gần 1.300 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên (Vinaxuki Thái Nguyên).

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm: Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là 138.814,7m2, Máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh; Quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; Tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.

Theo Môi trường & Đô thị

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/khu-dat-vang-tai-tp-hcm-khien-bidv-co-nguy-co-mat-trang-700-ty-a35904.html