Hết dịch Covid-19, người mua "đỏ mắt" tìm nhà dưới 2 tỷ đồng

Sau thời điểm dịch bệnh, mối quan tâm của người dân lại đang dồn vào những dự án căn hộ có giá bình dân dưới 2 tỷ. Mặc dù nhu cầu tại phân khúc này rất lớn nhưng nguồn cung vẫn khan hiếm.

Sau thời điểm dịch bệnh, mối quan tâm của người dân lại đang dồn vào những dự án căn hộ có giá bình dân dưới 2 tỷ. Mặc dù nhu cầu tại phân khúc này rất lớn nhưng nguồn cung vẫn khan hiếm.

Dự báo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy, năm 2020, nguồn cung các dự án nhà ở bình dân, nhà giá rẻ vẫn thiếu.

Cụ thể, theo JLL Việt Nam, giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn ở mức quá cao, đặc biệt đối với người thu nhập thấp.

Tính riêng ở Hà Nội, nguồn cung mới phân khúc nhà ở bình dân, giá rẻ tiếp tục giảm sút, chênh lệch nguồn cung giữa các dòng sản phẩm được nới rộng. Tỷ trọng nguồn cung sản phẩm được chào bán cao nhất là phân khúc nhà ở trung cấp chiếm 67%; phân khúc cao cấp đứng thứ hai, chiếm 25% tổng nguồn cung chào bán; tiếp đến là phân khúc hạng sang chiếm 6%; phân khúc bình dân chỉ chiếm 2% tổng nguồn cung.

Tương tự, theo Savills Việt Nam, nguồn cung mới ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua bởi các chủ đầu tư thay đổi kế hoạch nhanh chóng ứng phó với đại dịch. Cụ thể, trong quý I/2020, 5 dự án mới và giai đoạn tiếp của 6 dự án hiện tại đã cung cấp khoảng 4.800 căn, giảm 64% theo quý và giảm 50% theo năm. Trong đó, phân khúc hạng B (tầm trung) duy trì nguồn cung lớn nhất với 73% thị phần.

Tuy nhiên, phân khúc hạng B có tỷ lệ hấp thụ thấp nhất, giảm 16% theo quý và giảm 14% theo năm, xuống mức 17%; lượng giao dịch cũng giảm 57% theo quý và giảm 51% theo năm. Với nguồn cung dồi dào, các chủ đầu tư phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt để duy trì kết quả kinh doanh. Trong khi đó, phân khúc hạng C đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhất ở mức 20% được thúc đẩy bởi nguồn cầu đối với sản phẩm bình dân ngày càng tăng, nhưng nguồn cung lại khan hiếm.

Năm 2020, nguồn cung các dự án nhà ở bình dân, nhà giá rẻ vẫn thiếu (Ảnh minh hoạ)

Mặc dù trước đó, tháng 4 đang trong thời điểm tâm dịch, nhưng anh Nguyễn Văn Hải (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn phải “lùng sục” trên mạng, gọi điện thoại hỏi người quen, môi giới tìm cho anh một căn chung cư ở khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm tầm khoảng 1,5 tỷ đồng.

Anh cho biết, vợ sắp sinh con nhỏ nên anh cần có một chỗ ở ổn định, chứ không muốn thuê nhà nay chuyển, mai chuyển. Nhưng tìm cả 2 tháng nay không có căn nào có giá tiền như anh mong muốn. Vì hiện tại, để mua căn nhà giá 1,5 tỷ đồng anh cũng đã phải vay mượn khắp nơi, nếu cao hơn anh không đủ sức chi trả.

Nhiều người khác cho biết cũng có nhu cầu tìm căn hộ tầm khoảng dưới 1,5 tỷ đồng, 2 phòng ngủ nhưng không dễ kiếm. Chị Hoài Anh, nhân viên văn phòng một công ty nước ngoài tại Hà Nội, cho biết thu nhập của chị khoảng 20 triệu đồng và đang muốn mua nhà.

 

“Căn hộ nào ưng ý, không quá xa trung tâm thành phố thì giá phải từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Trong khi tôi muốn vay ngân hàng, khoản tích lũy ban đầu chỉ 200 - 300 triệu đồng nên chỉ muốn tìm chung cư nào giá dưới 1,2 tỷ đồng mà khó quá”, chị Hoài Anh chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Tất Thái, một môi giới chuyên nghiệp cho hay, trong thời điểm dịch, lượng giao dịch có giảm nhiều, nhưng khách hàng tìm hỏi mua các căn hộ chung cư bình dân giảm ít hơn. Thậm chí ở Hà Nội, ngay trong thời điểm tháng 3, mức độ quan tâm còn nhiều hơn. Ngay trong tháng 3, lượng giao dịch căn hộ chung cư bình dân của công ty anh tăng 200 căn so với tháng 2.

“Vẫn còn nhiều khách hàng quan tâm chung cư bình dân, nhưng hiện tại công ty không còn hàng”, anh Thái cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: “Phân khúc bình dân gần như “biến mất” trên thị trường bất động sản, vì không có nguồn cung mới nào ra hàng, chỉ còn một vài dự án đang mở bán sẵn từ các quý trước. Trong khi đó, phân khúc chung cư bình dân lúc nào cũng khan hàng, đắt khách, nhu cầu người dân lúc nào cũng cần. Do đó, đây là phân khúc khuyến khích các nhà phát triển bất động sản đầu tư xây dựng.

Ông Đính cho rằng, doanh nghiệp phát triển bất động sản nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam cũng cho rằng, hiện tượng căn hộ bình dân, giá rẻ đang trở nên khan hiếm là quy luật tất yếu khi chi phí đầu vào từ giá đất, xây dựng, kết nối hạ tầng… đều tăng nhanh. Trong khi đó, lợi nhuận chủ đầu tư thu về lại thấp hơn so với đầu tư các phân khúc căn hộ khác nên không hấp dẫn, điều này lý giải việc căn hộ bình dân là phân khúc có nguồn cầu lớn nhưng không nhiều dự án mới ra đời gần đây.

Bà Dung cũng cho biết thêm: “Căn hộ bình dân cũng chỉ là nhà ở thương mại, chủ đầu tư phải thực hiện các khâu như những phân khúc khác nên không có bất kỳ sự ưu đãi nào (không giống như nhà ở xã hội được hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi hơn từ Nhà nước). Do đó, sự mất cân đối lệch pha giữa nhu cầu thị trường và nguồn cung có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới”.

Link gốc

 

 

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/het-dich-covid-19-nguoi-mua-do-mat-tim-nha-duoi-2-ty-dong-a35603.html