Vì sao phải chuyển đổi 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước?

Theo Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, việc chuyển đổi 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước là cấp thiết và phù hợp với thực tiễn khi sẽ đẩy nhanh tiến độ, giảm tổng mức đầu tư và giải quyết được bài toán khó huy động vốn vay của các nhà đầu tư từ các ngân hàng khi đầu tư theo hình thức PPP.

Theo Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, việc chuyển đổi 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước là cấp thiết và phù hợp với thực tiễn khi sẽ đẩy nhanh tiến độ, giảm tổng mức đầu tư và giải quyết được bài toán khó huy động vốn vay của các nhà đầu tư từ các ngân hàng khi đầu tư theo hình thức PPP.

Trong tờ trình gửi Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã giải trình về nội dung chuyển đổi 8 dự án đầu tư PPP cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Thể, việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế.

Đến nay, công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đạt trên 70%.  Nếu các dự án được chuyển đổi sang đầu tư công, đây là những điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện ngay trong năm 2020. Trong khi nếu tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, với những khó khăn về khả năng huy động vốn tín dụng, cũng như việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ không bảo đảm được tiến độ theo yêu cầu.

Trường hợp thuận lợi thì đến giữa năm 2021 mới có thể huy động được tín dụng và bắt đầu triển khai thi công. Bộ GTVT đưa ra kịch bản sẽ không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.

Nếu nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, các dự án cao tốc Bắc-Nam này sẽ phải chấm dứt hợp đồng và thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công.

Vì sao phải chuyển đổi 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước? - Ảnh 1.

Các nhà thầu thi công nền đường tại Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, một trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc sớm triển khai thực hiện, hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án cao tốc sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về KT-XH, tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực, các địa phương liên quan và vùng kinh tế.

Việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công còn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động. Bên cạnh đó, còn giúp giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Theo tính toán của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông sau khi được điều chỉnh là khoảng 99.493 tỷ (trong đó bao gồm 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được xác định tại Nghị quyết số 52).

Như vậy tổng mức đầu tư dự án sẽ giảm được khoảng 19.223 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Số vốn còn lại 44.493 tỷ đồng, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT.

Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ nghiên cứu phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước. Mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Được biết, đối với quá trình triển khai dự án một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT vẫn đang triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị Quyết số 52/2017/QH14. Đồng thời, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP, Bộ GTVT đã chủ động chuẩn bị đầy đủ phương án, các thủ tục liên quan, sẵn sàng khởi công ngay 8 dự án thành phần sau khi được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư.

Chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay

Vì sao phải chuyển đổi 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước? - Ảnh 2.
 Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ông Hùng phân tích, dư nợ tín dụng của các dự án Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) giao thông hiện nay khoảng 102 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 59/116 dự án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng. Nghiêm trọng hơn, 43/116 dự án BOT giao thông hiện nay đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỷ đồng, gồm: 10 dự án khả năng chuyển ngay sang nợ xấu với số tiền 14.618 tỷ đồng và 33 dự án có nguy cơ chuyển sang nợ xấu với số tiền trên 51.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng hiện phải tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn, các giới hạn cấp tín dụng theo quy định tại Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn phải được điều chỉnh giảm dần, từ 1/1 - 30/9/2020 là 40%; từ 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; từ 1/10/2021- tháng 9/2022 là 34% và từ ngày 1/10/2022 còn 30%.

Đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, ông Hùng cho biết, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, họ có năng lực về thi công nhưng năng lực về tài chính còn nhiều hạn chế.

Chủ đầu tư chủ yếu là những nhà thầu thì rất khó thuyết phục ngân hàng cho vay số tiền lên đến 5.000 - 10.000 tỷ đồng đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, không một cơ quan nào có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phải cho vay khi dự án không có hiệu quả tài chính hoặc là nhà đầu tư không đủ năng lực.

Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư lớn, nên nguồn vốn vay ngân hàng có thể vượt giới hạn cấp tín dụng trong khi hiện nay hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng”, ông Hùng nói.

 

 

Theo Anh Vũ - Pháp luật Việt Nam

Link gốc

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vi-sao-phai-chuyen-doi-8-du-an-duong-cao-toc-bac-nam-sang-dau-tu-cong-su-dung-toan-bo-ngan-sach-nha-nuoc-a35576.html