Quỹ đất tính bằng đơn vị nghìn hecta là minh chứng rõ nhất cho thấy thực lực cũng như tiềm năng của Hoàng Thịnh Đạt.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án khu đô thị công nghiệp Dung Quất (giai đoạn 1) do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện dự án này hiện đã bị chậm so với cam kết tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp.
Được biết, dự án khu đô thị công nghiệp Dung Quất (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.025 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất của dự án giai đoạn 1 khoảng 319ha, trong đó giai đoạn 1A khoảng 166ha, giai đoạn 1B khoảng 153ha.
Sau khởi công vào tháng 6/2016, nhà đầu tư dự án này đã có nhiều văn bản đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án, mời gọi nhà đầu tư thứ cấp.
Trước tình hình đó, để hỗ trợ nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ứng ngân sách hơn 100 tỷ đồng cho Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất để giải phóng mặt bằng, nhằm tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh còn thường xuyên tổ chức kiểm tra thực địa, giải quyết các vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện, chủ dự án này là CTCP Hoàng Thịnh Đạt vẫn chưa triển khai dự án đúng tiến độ.
“Khủng” như Hoàng Thịnh Đạt
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Hoàng Thịnh Đạt (Hoàng Thịnh Đạt) được thành lập vào ngày 5/3/2004, vốn điều lệ 638 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại tầng 9, tòa nhà VEAM Tây Hồ, lô D, khu D1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Hoàng Văn Dương, sinh năm 1971.
Trước khi đầu tư vào dự án khu đô thị công nghiệp Dung Quất, tháng 10/2008, Hoàng Thịnh Đạt đã tiến hành góp vốn thành lập CTCP Đầu tư Phát triển Yên Bình – Chủ dự án tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (Tổ hợp Yên Bình), với tổng quy mô hơn 8.000 ha tại Thái Nguyên.
Được biết, cho đến nay Tập đoàn Samsung đã thuê 200 ha đất trong tổng số 693ha tại khu công nghiệp Yên Bình thuộc dự án này để phát triển tổ hợp công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào thành tích phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài khu công nghiệp, dự án Tổ hợp Yên Bình còn có nhiều hạng mục và tổ hợp công trình khác với nguồn vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là dự án nhà máy nước Yên Bình với quy mô công suất 150.000 m3/ ngày-đêm với tổng vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng hiện đang được xây dựng tại khu vực hồ Núi Cốc.
Trên trang chủ, Hoàng Thịnh Đạt giới thiệu đây là dự án “được quy hoạch thông minh bởi các nhà tư vấn quy hoạch hàng đầu thế giới”.
Dữ liệu Nhadautu.vn cho biết, chủ đầu tư dự án này- CTCP Đầu tư Phát triển Yên Bình (Yên Bình Corp) có địa chỉ tại Khu đô thị dịch vụ công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc là ông Hoàng Văn Long, sinh năm 1974.
Thời điểm ban đầu công ty này có nguồn vốn điều lệ đạt mức 997,5 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là Hoàng Thịnh Đạt (38%), CTCP An Phú Long (51,75%) và bà Vũ Thị Thảo 10%. Đến tháng 7/2018, An Phú Long cùng bà Vũ Thị Thảo thoái vốn khỏi Yên Bình Corp, đồng thời, tỷ lệ sở hữu của Hoàng Thịnh Đạt cũng tăng lên thành 38,25%. Sau đấy 1 năm, số vốn điều lệ của Yên Bình Corp giảm xuống còn 650 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay, chi tiết các bên góp vốn không được đề cập.
Pháp nhân đồng hành cùng Hoàng Thịnh Đạt trong giai đoạn đầu của dự án này – Công ty An Phú Long được biết đến là một trong những chủ đầu tư Dự án thành phố Aqua (Aqua City), thông qua phần vốn góp vào CTCP Thành phố Aqua. Trong khi đó, cổ đông cá nhân còn lại là bà Vũ Thị Thảo sinh năm 1975, hiện là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Thương mại Dịch vụ Phúc Hoàng An.
Trở lại với Hoàng Thịnh Đạt, bên cạnh dự án khu đô thị công nghiệp Dung Quất và Tổ hợp Yên Bình, doanh nghiệp này còn đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc được quy hoạch và phát triển trên diện tích 2.566 ha (gồm cả mặt nước) thuộc huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên, với tổng vốn đầu tư lên tới 2.500 tỷ đồng.
Không dừng lại tại đó, Hoàng Thịnh Đạt còn là chủ đầu tư Dự án nhà máy nước Hoàng Mai với quy mô công suất 80.000 m3/ngày-đêm và tổng vốn đầu tư là 950 tỷ đồng. Hiện tại Hoàng Thịnh Phát sở hữu 50% vốn tại Công ty TNHH cấp nước Hoàng Mai – Chủ đầu tự dự án NMN Hoàng Mai.
Bên cạnh đó, Hoàng Thịnh Phát còn nắm giữ 72,5% cổ phần CTCP Cấp thoát nước và xây dựng Quảng Ngãi – Chủ dự án Nhà máy nước Quảng Ngãi với công suất 50.000m3/ngày-đêm với tổng chi phí phát triển dự án là 540 tỷ đồng và dự án Nhà máy nước Phúc Bình với công suất 500.000m3/ngày-đêm tại tỉnh Vĩnh Phúc.