Đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch toàn cầu lao đao, trong đó có Việt Nam. Nhiều chủ khách sạn phải tính chuyện bán tài sản để cắt lỗ khi tình hình kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng trong thời gian sắp tới chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Covid đã tác động nặng nề đến ngành du lịch trong nước. Đã có rất nhiều chủ đầu tư khách sạn phải bán đi tài sản của mình vì gần như không có nguồn thu, dù đã cố gắng cắt giảm nhân lực, chi phí vận hành, giá cả để kích cầu.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 năm nay đạt gần 450 nghìn lượt, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 63,8% so với tháng trước.
Khách quốc tế trong quí 1 đạt gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt khách, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú. Tăng trưởng GDP trong quí chỉ đạt 3,82%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 6,52 – 6,77%.
Với bức tranh ảm đạm trong những tháng đầu năm, việc phải bán đi tài sản của mình là các khách sạn với nhiều chủ đầu tư cũng là bước cùng để tìm hướng đi mới. Những quảng cáo như: “Chúng tôi đang tìm kiếm người mua cho một khách sạn 3 sao, vị trí thuận lợi. Mất năm phút để đi bộ ra biển và hai phút đến chợ hải sản”, không khó để tìm thấy trên các trang mạng.
Một số nhà phân tích cho biết, nhiều chủ đầu tư không có lựa chọn khác ngoài việc bán tài sản vì lãi phải trả cao hơn doanh thu thực tế. Đặc biệt là chủ đầu tư của các khách sạn nhỏ khi Covid-19 đã khiến thị trường du lịch đóng băng gần như toàn bộ.
Thông thường, giá trị trao đổi của dạng tài sản là khách sạn bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố chính: vốn sẵn có và hiệu suất lưu trú của khách sạn. Khi ngành công nghiệp không khói đang hoạt động tốt, việc mua bán khách sạn sẽ thuận lợi, các nhà đầu tư bị thu hút vào thị trường, cả giá cả trao đổi và số lượng giao dịch tăng cùng nhau. Cả người mua và người bán đều có lợi.
Ngược lại, khi hiệu suất kinh doanh giảm đáng kể, thường là do nhu cầu giảm bởi suy thoái kinh tế hoặc trong trường hợp này, đại dịch Covid-19, giá trị tài sản giảm và số lượng giao dịch cũng giảm theo.
Đơn giản là vì khi các nhà đầu tư rút khỏi thị trường, quỹ tài chính sẵn có để đầu tư ít đi khiến lượng dư nợ và lãi suất cho vay tăng. Các quyết định đầu tư mới trở nên khó khăn hơn.
Những chủ đầu tư giữ tài sản trong thời gian dài tức là họ đang có được dòng tiền hoạt động hoặc lượng tiền mặt dự trữ khá tốt. Nếu họ quản lý được câu chuyện dòng tiền trong giai đoạn này thì các họ sẽ giữ tài sản, còn nếu yếu về tài chính có thể họ sẽ cân nhắc việc bán tài sản.
Để thúc đẩy giao dịch trao đổi tài sản, các chủ đầu tư sẽ chào bán mức giá tốt với các tài sản đang không tạo ra nhiều giá trị để thu tiền mặt về; và một mức định giá cao hơn đối với những tài sản có tiềm năng hoặc vẫn đang hoạt động hiệu quả để có một mức giá mong muốn tốt hơn.
Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tiềm năng mua lại tài sản với giá trị tốt với hy vọng đón đầu thị trường khi ngành du lịch bắt đầu khởi sắc. Du lịch nội địa được xem là “lối thoát” của ngành công nghiệp không khói này vì dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp trên thế giới. Ngày lễ 30-4, 1-5 vừa qua, lượng khách bắt đầu tăng mạnh trở lại. Đà Lạt chào đón khoảng 55.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng đạt khoảng 50%. Lượng khách chủ yếu tự đi, thay vì đặt qua công ty du lịch như trước đây.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị tinh thần vì chúng ta hoàn toàn không biết đại dịch này sẽ kéo dài bao lâu, hoặc điều này có thể tồi tệ đến mức nào đối với ngành du lịch khi vaccine vẫn chưa được tìm ra. Chính vì số tiền đầu tư bỏ ra không nhỏ cho những loại tài sản lớn như thế này, các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc thật kỹ càng khi sử dụng đòn bẩy tài chính: mua lại các sản phẩm nặng vốn như khách sạn, bởi vì thiết nghĩ doanh thu để bù lãi chắc chắn không nhỏ. Nếu tình hình ảm đạm kéo dài, đây chắc chắn là một gánh nặng không hề nhỏ cho các chủ đầu tư.
Nhà đầu tư vẫn sẽ phải đối mặt với chi phí vận hành và lãi vay cao cho dù doanh thu có hay không. Nhưng cho dù có hồi phục đi chăng nữa, sẽ khó để tin rằng chúng ta sẽ quay về với hành vi tiêu dùng, du lịch như hồi chưa có chuyện gì xảy ra.
Dù ở thời điểm hiện tại, phòng chống đại dịch Covid-19 đang là ưu tiên cao nhất của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ nên tung ra các gói kích cầu để làm ấm lại thị trường du lịch, để cùng phục hồi không chỉ riêng ngành du lịch và còn các ngành kinh tế khác trong những tháng tiếp theo.
Việt Phạm - Nguồn TBKTSG