Phân lô bán nền: “Không quản được thì cấm”?

Việc cấm phân lô bán nền chỉ nên áp dụng đối với một số quận, huyện, thị xã… Nếu không sẽ vô tình kìm hãm sự phát triển đô thị, nhu cầu ở thực của một số địa phương đang phát triển.

Việc cấm phân lô bán nền chỉ nên áp dụng đối với một số quận, huyện, thị xã… Nếu không sẽ vô tình kìm hãm sự phát triển đô thị, nhu cầu ở thực của một số địa phương đang phát triển.

Việc cấm phân lô bán nền không chỉ tước đi cơ hội cho địa phương trong việc thực hiện phát triển đô thị đồng bộ, mà còn hạn chế đối với cơ quan quản lý trong việc giãn dân, giảm áp lực về tình trạng kẹt xe trong nội thành trong hiện tại và tương lai.

Đó là chia sẻ của các khách hàng, doanh nghiệp kinh doanh BĐS và các chuyên gia kinh tế sau khi có thông tin về việc dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Trong đó, thông tin đáng chú ý và được nhiều người quan tâm nhất là “sẽ cấm một số tỉnh thành trên cả nước không được thực hiện dự án phân lô bán nền.

Tước đi cơ hội phát triển đô thị của địa phương

Ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Nhật Quang chia sẻ: Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố đông dân có nhu cầu rất lớn về nhà ở, đất ở. Và hiện đất ở tại các khu vực quận, huyện trung tâm gần như không còn quỹ đất cho nhu cầu phân lô bán nền, mà chỉ còn ở các quận huyện lân cận, ngoại thành. Tuy nhiên, nếu như các quận huyện này cũng bị hạn chế thì chắc chắn sẽ tạo áp lực lớn cho cơ quan lý lẫn người dân có nhu cầu về nhà ở, đất ở.

Việc cấm phân lô bán nền không chỉ tước đi cơ hội cho địa phương trong việc thực hiện phát triển đô thị đồng bộ, mà còn hạn chế đối với cơ quan quản lý trong việc giãn dân, giảm áp lực về tình trạng kẹt xe trong nội thành trong hiện tại và tương lai.

Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Cty TNHH Lê Thành: Vụ việc Alibaba là bài học đắt giá trong công tác quản lý. Vì vậy, việc hạn chế phân lô bán nền để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, lợi dụng vào Luật Đất đai có kẽ hở để lách và trục lợi là việc cần làm để đưa ra phương pháp quản lý tốt hơn. Song, cũng cần rà soát một cách cẩn trọng, tránh tình trạng hiểu nhầm, hiểu sai là “không quản được thì cấm”.

Việc xem xét cần chú ý tới điều kiện và nhu cầu thực tế, dựa trên cơ sở đánh giá điều kiện phát triển đô thị, phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương để được sự đồng thuận.

Xem xét cẩn trọng

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ: Các cơ quan chức năng nên xem xét lại việc "cấm" phân lô bán nền tại các địa phương. Bởi tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã giao cho UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện dự án phân lô bán nền phù hợp với quy hoạch và thực tiễn của địa phương, kể cả tại các khu vực ngoài địa bàn các quận nội thành của các đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM).

Tuy nhiên, tại "Dự thảo Nghị định" mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện các dự án phân lô bán nền đối với "các khu vực không nằm trong địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh". Điều này có nghĩa chẳng những toàn bộ địa bàn Hà Nội, TP.HCM, mà kể cả Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh… đều không được thực hiện dự án phân lô bán nền.

Như vậy, nếu “Dự thảo Nghị định” được thông qua sẽ khiến Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước không được thực hiện dự án phân lô tách thửa.

Cũng theo ông Châu, dự thảo Nghị định chỉ nên cấm phân lô bán nền tại các quận nội thành, các quận nội thành phát triển, thành phố thuộc tỉnh (thành phố thuộc thành phố), các thị trấn, các phường thuộc thị xã, khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; Mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị trên địa bàn thành phố.

 

 

Hương Giang – Duy Long/Theo Diễn Đàn BĐS

Link gốc

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/phan-lo-ban-nen-khong-quan-duoc-thi-cam-a34424.html