Hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý nhà, đất công vẫn còn những thiếu sót, hạn chế khiến cho những nhóm lợi ích lợi dụng kẽ hở để trục lợi.
Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) chuyển mục đích sử dụng không qua đấu giá gây thất thoát cho ngân sách nhà nước ước tính tới 2.000 tỷ đồng.
Buông lỏng quản lý nhà, đất công không phải là câu chuyện chỉ mới xảy ra ngày một ngày hai, nguyên nhân chính của những tiêu cực này xuất phát từ sự câu kết của các doanh nghiệp sân sau, đơn vị đấu giá với những cán bộ có quyền quản lý, quyết định việc sử dụng đất.
Lỗ hổng “sân trước sân sau”
Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hai hình thức nhà, đất công là nhà đất thuộc sở hữu của đơn vị sự nghiệp nhà nước hoặc thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước. Khi muốn triển khai dự án bất động sản trên các khu đất này cần phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng, lập quy hoạch, sau đó phải qua đấu giá, đấu thầu, bất kể đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng hay chưa.
Luật đã quy định rõ, tuy nhiên thực tế từ các vụ nổi bật gần đây như vụ đất vàng 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) có tổng diện tích hơn 4.800 m2 là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, giao cho Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý và cho thuê. Trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài biết rõ khu đất trên là tài sản công nhưng đã ký nhiều văn bản chỉ đạo chuyển mục đích sử dụng cho người quen, không qua đấu giá đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước ước tính lên tới 2.000 tỷ đồng.
Thường doanh nghiệp là đơn vị đề xuất phân lô, tách thửa, thuê đất, sử dụng đất nhưng chính quyền địa phương là đơn vị ký chấp thuận các đề xuất của doanh nghiệp, định giá và cho thuê đất không nằm ngoài trách nhiệm dẫn đến sai phạm.
Việc giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án không qua đấu thầu, đấu giá không chỉ sai phạm trong quản lý sử dụng tài sản công, gây thất thoát ngân sách quốc gia mà còn có thể dẫn đến những hệ lụy về quy hoạch, mật độ xây dựng, gây áp lực lên hạ tầng xã hội.
Công khai, để người dân giám sát
Để xảy ra các tồn tại trên, có thể dễ nhận thấy trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý, sử dụng đất đai, cơ quản quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc đấu giá quyền sử dụng đất, những tổ chức, cá nhân có hành vi cấu kết với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để trục lợi.
Để minh bạch trong việc quản lý đất công, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng đất, các cơ chế liên quan đến đấu giá, giao và cho thuê đất, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến đất đai để mang tính chất phòng ngừa chung.
Về hoạt động đấu giá, mức giá đất khởi điểm đưa ra đấu giá còn thấp so với thực tế, cần xem xét đưa giá khởi điểm đấu giá áp sát giá thị trường dựa trên bảng giá đất, khung giá đất và hệ số K điều chỉnh là cần thiết để hạn chế cơ hội cho các “nhóm lợi ích” thao túng, thông đồng trong đấu giá đất để trục lợi.
Cần bổ sung quy định số người hoặc tổ chức tham gia đấu giá đất tối thiểu từ 3-5 người, tránh trường hợp như hiện nay là khi có hai người trở lên cũng có thể tổ chức đấu giá.
Ngoài ra, một phần quan trọng đó là tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân nhưng đến nay người dân đứng ngoài cuộc trong tất cả các khâu liên quan đến quy trình quản lý và sử dụng tài sản công trong phạm vi cả nước. Vì tính công khai còn kém nên có những số liệu công khai về tài sản công chưa được kiểm chứng.
Cho nên, các cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng, khai thác, kể cả các cơ quan cung cấp dịch vụ cho quản lý tài sản công phải công khai thông tin. Bất cứ một đối tượng nào cũng có thể tiếp cận được cơ sở dữ liệu này, do đó có thể quan sát, thậm chí có quyền tố cáo, khiếu nại các cá nhân, đơn vị được giao quyền quản lý, sử dụng tài sản công nhưng không minh bạch, không công khai theo quy định của pháp luật.
Luật sư Lê Văn Hồi – Giám đốc Công ty Luật My Way/Theo Diễn đàn BĐS
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/truc-loi-dat-cong-a34421.html