Cầu thang vừa là công năng được sử dụng nhiều, vừa là điểm nhấn cho ngôi nhà
Có nên giật cấp nền nhà
Sở dĩ nhiều người băn khoăn về nền tầng 1 hoặc tầng trệt có nên làm bậc chênh cốt nền, bởi hiện còn có nhiều lý giải khác nhau, trong đó có quan điểm cho rằng làm như vậy sẽ khiến ngôi nhà bị xấu về mặt phong thủy, cũng có quan điểm khác cho rằng việc giật cấp không làm ảnh hưởng đến phong thủy của ngôi nhà. Những lý giải không có sự thống nhất, khiến mọi người không biết nên ứng dụng ra sao cho đúng.
Kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó Viện trưởng Viện Lý học phương Đông nhận xét, nếu nói rằng vì giật cấp mà nền tầng 1 của nhà chênh một hay 2 cấp mà xấu theo phong thủy là không đúng.
Hiện nay, nhiều người cho rằng giật cấp là xấu là bởi quan điểm: với những ngôi nhà tính từ tầng 1 lên tầng 2 thường người ta làm 21 hoặc 22 bậc hoặc đối với biệt thự có chiều cao nhà lớn thì làm đến 25 hoặc 26 bậc. Nếu cộng thêm 2 bậc nữa do chênh cốt thì tổng số bậc cầu thang tầng 1 ứng vào số xấu. Ví dụ như nhà tầng 1 có 21 bậc, cộng thêm 2 bậc chênh thành 23 thì vào chữ bệnh. Nếu tầng 1 có 22 bậc, cộng thêm 2 bậc thành 24 bậc thành chữ tử.
Cách tính này dựa theo quan niệm lấy số bậc chia cho 4, hoặc trừ cho 4, dư 1 là sinh, dư 2 là lão, dư 3 là bệnh, dư 4 là tử.
Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, nhiều nhà dành không gian ở tầng 1 để ô tô và xe máy, thường làm chênh cốt để phân chia không gian, vừa đẹp và sang trọng hơn, lại có hữu dụng về thực tế: Khi làm chênh cốt, nền thấp sẽ là nơi để giày dép và xe ra vào nhà không dây bẩn sang khu khác. Ngoài ra còn có tác dụng khác là khi có gió mạnh thì bụi bẩn không bị thổi sâu vào trong nhà. Tức về mặt kiến trúc và công năng là hữu ích.
Để tốt cả về công năng sử dụng và phong thủy, với nhà làm chênh cốt chỉ nên chênh 1 bậc, sẽ tiện dụng cho đi lại trong nhà. Khi tính số bậc cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2 thì người ta chia số bậc 21 hoặc 25, nếu có tính tổng số bậc từ tầng trệt đến tầng 2 sẽ là 22 hoặc 26, như vậy sẽ không rơi vào số xấu khi tính bậc theo quy tắc “sinh lão bệnh tử”
Hiện nay, có nhiều người còn băn khoăn, số bậc từng tầng nhà tốt xấu theo phong thủy, vậy tổng số bậc cầu thang cả nhà có tính hay không. Về nguyên lý tính bậc cầu thang là tính từ nền của tầng này lên tầng kia phải nằm vào chữ sinh hoặc chữ lão, bỏ chữ bệnh và chữ tử. Do đó, khi thiết kế kiến trúc phong thủy, phải tính số bậc tốt cho từng tầng và tổng số bậc cả nhà cũng phải tốt. Khi tính tổng cũng phải tính cả bậc chênh cốt ở tầng trệt, sao cho không bị xấu và đó là lý do nói bậc chênh cốt ở tầng 1 tốt hay xấu. Khi tính toán thiết kế phong thủy bậc chuẩn, thì không ai có thể nói gì được. Như vậy, việc làm nền chênh cốt ở tầng 1 không ảnh hưởng đến sự tốt xấu của phong thủy.
Nguyên lý tính số bậc tốt xuất phát từ đâu thì không có sách phong thủy nào đề cập. Chẳng qua đó là ứng dụng theo thuyết vô thường của nhà Phật gồm “sinh trụ, hoại, diệt”, nhưng cũng không mấy người có thể giải thích được tại sao các cụ ngày xưa làm nhà thường xây bậc tam cấp (3 bậc, ứng với chữ bệnh).
Khi đối chiếu với khoa thuật phương Đông thì nói đến quy luật của số học, thì có ứng khớp nhất là bộ môn Kinh dịch. Và khi lập quẻ ứng với tổng con số là 3 hoặc bằng 5 thì lập ra quẻ rất tốt. Có thể, đây cũng là 1 trong nhiều lý do để ngày xưa các cụ dùng tam cấp hoặc 5 cấp.
Nhưng khi số bậc từng tầng hay tổng số bậc của cả ngôi nhà không được số đẹp, thì người ta vẫn có hình thức hóa giải là làm bậc giả (có thể cao từ 0,5 cm cũng được tính là 1 bậc).
Cầu thang và nhà vệ sinh
Cũng liên quan đến cầu thang, hiện có nhiều người băn khoăn rằng cầu thang đặt ở giữa nhà có bị xấu không? và vệ sinh dưới gầm cầu thang là không tốt, liệu có phạm vào trung cung của ngôi nhà hay không?
Theo ông Hoàng Trà, với những ngôi nhà mà tầng 1 có diện tích phù hợp, đặt được phòng vệ sinh ở cuối nhà thì đương nhiên tốt hơn về mặt phong thủy. Nhưng cũng phải tính phong thủy theo 24 sơn và 72 long để biết đặt ở cuối, nhưng là bên trái hay bên phải.
Trong thực tế, ở đô thị lớn, diện tích đất không đủ lớn nên tầng 1 chỉ có thể đặt cầu thang ở giữa nhà và vệ sinh ở gầm cầu thang thì mới đảm bảo sự hợp lý cho không gian sử dụng thì cũng không phải băn khoăn về phong thủy. Những yếu tố ảnh hưởng lớn đến phong thủy của một ngôi nhà gồm: cửa chính, ban thờ, bếp, giường ngủ. Khi sắp đặt những yếu tố chính theo phong thủy thì thiết kế cầu thang phải tuân theo, cho nên cầu thang ở giữa nhà là không tránh khỏi với nhà ở mặt phố có diện tích nhỏ và cầu thang cũng không phải là yếu tố quyết định lớn trong phong thủy. Cho nên cầu thang đặt ở giữa nhà không có gì phải băn khoăn.
Tiếp đến, phòng vệ sinh đặt ở gầm cầu thang tầng 1 cũng không bị phạm vào trung cung, bởi tính theo bề ngang của ngôi nhà, thì nhà vệ sinh cũng chỉ rộng bằng khoảng 1/4 chiều rộng ngôi nhà mà thôi, nên không thể nói vệ sinh nằm ở trung cung được.
Tuy nhiên, phòng vệ sinh khi nằm ở gầm cầu thang được coi là tốt hay xấu cũng nằm trong phép tính phong thủy tổng thể toàn nhà và kèm theo phong thủy của cầu thang. Do khu vệ sinh là nơi hàng ngày dùng đến nước, cho nên khi tính toán cầu thang có vệ sinh ở dưới, phải tính đặt bên phải hay bên trái ngôi nhà là phải căn theo 24 sơn của ngôi nhà và 72 long của hướng nhà. Đó cũng là một trong những tiêu chí khi tính toán cầu thang ở bên Thanh Long hay bên Bạch Hổ.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nhung-thac-mac-ve-phong-thuy-nha-o-2-a34339.html