18 tuổi, Anh Tuấn vào đại học theo khát khao của bố mẹ trước khi rẽ sang hướng khác và thành công. Người đàn ông 27 tuổi gọi 4 năm đại học là khoảng thời gian đi đường vòng.
9 năm trước, tốt nghiệp THPT, Anh Tuấn (Nghệ An) hy vọng có thể theo học nghề đầu bếp. Suy nghĩ này vấp phải sự phản đối từ bố mẹ - những người chưa học hết cấp 3 vì gia đình nghèo khó nên luôn mong con đỗ đạt.
“Ông bà nài nỉ nhiều, cứ bảo chỉ những người học không nổi hoặc không có tiền mới đi học nghề. ‘Nhà mình có điều kiện, tội gì không học’, ông bà bảo thế thì học thôi”, người đàn ông 27 tuổi nói về quyết định mà anh gọi là “đi đường vòng”.
Bỏ bằng đại học làm trái ngành
Sau khi nhận bằng Kế toán từ một trường ở Huế, thay vì xin vào các doanh nghiệp, Anh Tuấn quay lại quê, bắt đầu công việc phụ bếp. Sau đó, anh học thêm nấu nướng rồi trở thành đầu bếp chính của nhà hàng trước khi tự mở quán riêng.
|
Anh Tuấn từ bỏ ý định học nghề bếp để vào đại học rồi quay lại con đường này sau khi nhận bằng cử nhân. Ảnh minh họa: Hướng nghiệp Á Âu. |
Hiện tại, nhà hàng của anh làm ăn thuận lợi. Là chủ nhưng Anh Tuấn phụ trách việc nấu nướng là chính. Công việc quản lý, tuyển nhân viên, kế toán, anh thuê người phụ trách.
“Nấu nướng vừa là đam mê vừa là thế mạnh. Giờ bảo tính toán sổ sách, tôi không thể giỏi bằng nhân viên, dù cũng có bằng đại học”, ông chủ 27 tuổi nói.
Với anh, 4 năm học đại học trở thành thời gian "đi đường vòng", trải nghiệm cuộc sống khác trước khi trở về con đường mình chọn từ đầu.
Quỳnh Như (25 tuổi, Hà Nội) cũng "cất bằng đại học" sau khi tốt nghiệp. Học ngành Kế toán, cô lại chọn nghề lễ tân khách sạn sau khi ra trường. Trải qua nhiều nghề trái ngành, hơn một năm nay, Như làm dịch thuật cho công ty bất động sản.
Cô gái 25 tuổi chia sẻ bản thân yêu thích tiếng Anh nhưng từ năm lớp 10, cô được bố mẹ định hướng học khối A (Toán, Vật lý, Hóa học). Họ cho rằng khối này có nhiều lựa chọn khi thi đại học và người học khối A được xã hội “trọng dụng hơn”.
Như đăng ký thêm khối D1 nhưng không trúng tuyển. Trong thời gian học đại học và cả sau khi tốt nghiệp, cô vẫn miệt mài học tiếng Anh cho đến khi vốn ngoại ngữ đủ để theo đuổi sở thích, đồng thời có công việc ổn định, lương tốt.
|
Học đại học sẽ rất tốt khi đúng nguyện vọng và đam mê, năng lực của sinh viên. Những bạn trẻ "vào đại học bằng mọi giá" hoặc theo định hướng của người khác mà không chú ý đến năng lực của bản thân sẽ dễ "đứt gánh giữa đường". Ảnh: B.D. |
Trong khi đó, chưa hoàn thành chương trình đại học, V.H. (TP.HCM) đã xác định sẽ không theo công việc kỹ thuật, dù nam sinh 20 tuổi đang theo học trường khá có tiếng trong lĩnh vực này. Cậu ước mơ trở thành huấn luyện viên thể hình. Nam sinh cho biết chưa từng nói với bố mẹ về dự định của bản thân vì đây là nghề quá xa lạ với họ.
“Ngay cả một số bạn bè cũng cảm thấy tôi nên từ bỏ ý định vì nghề này quá bấp bênh, khó có thể gắn bó lâu dài”, V.H. chia sẻ.
Hiện tại, dù chương trình năm thứ ba khá nặng, cậu vẫn miệt mài tập luyện, chịu khó tiết kiệm “trợ cấp” từ bố mẹ để theo học PT (huấn luyện viên cá nhân) nhằm có kiến thức tốt về tập thể hình.
Xã hội còn trọng bằng cấp nhưng quan trọng vẫn là năng lực
Khi được hỏi tại sao không từ bỏ việc học đại học để tập trung con đường đã chọn, V.H. khẳng định bỏ học là “suy nghĩ viển vông”. Thứ nhất, gia đình chắc chắn phản đối. Thứ hai, cậu cũng cho rằng đã gắng đến năm thứ ba, sao không gắng thêm một năm rưỡi nữa.
“Kể cả công việc không cần đến bằng cấp thì có tấm bằng đại học vẫn chắc tay hơn. Người ta coi trọng mình hơn và nếu không thể theo nghề huấn luyện viên thể hình, mình vẫn còn đường lui”, V.H. giải thích.
|
Chọn đại học hay học nghề nên căn cứ trên các tiêu chí đam mê và phù hợp với năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Kể cả người không quá chú trọng tấm bằng đại học để khởi nghiệp như Anh Tuấn cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong xã hội hiện nay. Anh cho rằng nó giúp bố mẹ anh cảm thấy “nở mặt nở mày” với hàng xóm, họ hàng.
Người đàn ông 27 tuổi cũng khá lưỡng lự khi được hỏi nếu cho chọn lại sẽ vào đại học hay học nghề bếp bài bản. Người đàn ông này lý giải xét theo nguyện vọng cá nhân, đương nhiên anh muốn học nghề. Nhưng nhìn nhận tổng thể, đặc biệt nguyện vọng của bố mẹ và cái nhìn của xã hội, có tấm bằng vẫn hơn.
Anh Tuấn cho rằng nếu xã hội bớt trọng bằng cấp, người trẻ mới được giải thoát khỏi lối mòn và tự do lựa chọn con đường họ thực sự mong muốn. Hiện tại, đường có nhiều nhưng không phải họ thích đi là được mà còn nhiều rào cản. Anh đánh giá cao những bạn trẻ tự tin chọn học nghề, trong đó có cả nhân viên của mình - các bạn trẻ học nghề bếp từ năm 16 tuổi (chọn nghề ngay sau THCS).
“Điều mình muốn nhưng không dám làm còn các bạn ấy dám. Họ rất đáng ngưỡng mộ. Những người đó mới đủ sức thay đổi định kiến bằng cấp”, Anh Tuấn nói.
Cùng quan điểm, Quỳnh Như cho rằng trong nhiều trường hợp, bằng cấp vẫn là tiêu chuẩn để xã hội, nhà tuyển dụng đánh giá một người. Nếu không có bằng đại học, cô tin mình không thể có công việc hiện tại dù nó không liên quan trực tiếp kiến thức thời đại học.
Theo nữ nhân viên văn phòng, dù xã hội có phần thoáng hơn với học nghề và nhiều công ty coi trọng năng lực hơn bằng cấp, tấm bằng vẫn là thước đo đầu tiên để không ít người đánh giá ứng viên. Đơn giản, khi chưa làm việc trực tiếp, nhà tuyển dụng không thể nắm năng lực của ứng viên, nên họ thông qua bằng cấp để xác định khả năng học tập của người đó.
“Nhiều người nghĩ thời đại ‘phổ cập đại học’ mà không kiếm nổi tấm bằng thì kém lắm. Thế nên, chưa cần biết công việc sau này có liên quan đến ngành học, cần bằng đại học hay không, cứ học trước rồi tính”, Quỳnh Như thừa nhận mình vẫn sống theo ý kiến số đông với những định kiến xung quanh bằng cấp.
Theo Zing.vn