Nhiều hộ dân ở tại chung cư Kim Tâm Hải kêu cứu vì 7 năm qua chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải không bàn giao sổ hồng và phí bảo trì cho cư dân.
7 năm không có sổ hồng
Dự án chung cư Kim Tâm Hải nằm tại quận 12, Tp.HCM gồm 16 tầng với 168 căn hộ (diện tích từ 65 đến 116 m2, 2 hoặc 3 phòng ngủ) thiết kế theo phong cách hiện đại và sang trọng, trang trí nội thất cao cấp. Từ năm 2009, nhiều cư dân tin tưởng chủ đầu tư Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải (287 Phạm Văn Hai, phường 5, quận Tân Bình, Tp.HCM) nên xuống tiền đầu tư.
Đến năm 2013, chủ đầu tư bắt đầu bàn giao căn hộ cho cư dân. Như chỗ khác, khi cư dân ở đầy thì phải lập ban quản trị, tuy nhiên ở chung cư Kim Tâm Hải thì không. Nhiều cư dân ở đây phản đối, đấu tranh thì đến ngày 25/7/2017, ban quản trị chung cư Kim Tâm Hải mới được hình thành.
Từ ngày có ban quản trị chung cư, những cư dân ở đây liên tục đòi các quyền lợi của mình, trong đó yêu cầu chủ đầu tư sớm ra sổ hồng. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn ngó lơ, sổ hồng chung cư Kim Tâm Hải không có, cư dân nơi đây khó khăn trăm bề.
“Tôi mua căn hộ đây từ lâu. Tuy nhiên chủ đầu tư “chây ỳ” không làm sổ cho cư dân. Con tôi muốn đi học gần ở khu vực này cũng không được vì sổ hồng chưa có, chưa được nhập khẩu. Mọi thứ đảo lộn, gia đình tôi quá bức xúc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải mà đứng đầu là ông Nguyễn Mạnh Hải, đại diện pháp luật cho doanh nghiệp này”, một cư dân ở đây nói.
Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp, nhiều năm qua, Ban quản trị chung cư Kim Tâm Hải đã gửi đơn, thư khiếu nại lên Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải để yêu cầu chủ đầu tư giải quyết. Tuy nhiên, đến nay Công ty Kim Tâm Hải vẫn “lỳ” không đếm xỉa đến các ý kiến cư dân.
Ngoài ra, có trường hợp cư dân bị người của chủ đầu tư hăm doạ, đòi xử lý khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Không tin tưởng chủ đầu tư, cư dân tiếp tục cầu cứu UBND quận 12, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, UBND Tp.HCM. Tuy nhiên, vụ việc, những sai phạm tại chung cư Kim Tâm Hải đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Chiếm dụng” phí bảo trì 2% chung cư
Cư dân Kim Tâm Hải cho biết, từ năm 2017, Ban quản trị chung cư liên tục đòi chủ đầu tư phí bảo trì 2%, tuy nhiên chủ đầu tư không trả. Theo các cư dân ở đây thì Công ty Kim Tâm Hải đang ôm phí bảo trì chung cư của cư dân hơn 3,5 tỷ đồng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 109 Luật nhà ở 2014, có quy định: Điều 109. Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết.
Trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, theo quy định trên thì khoản quỹ bảo trì chung cư (2% giá trị căn hộ) do Ban quản trị nhà chung cư quản lý và sử dụng những mục đích theo quy định của pháp luật. Những quyết định liên quan đến việc bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà đều phải được các thành viên BQT thống nhất trên nguyên tắc đặt lợi ích chung lên hàng đầu.
Và tại Điều 34 Thông tư 02/2016/TT-BXD Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư có quy định về các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để bảo trì: Bảo trì các hạng mục và phần diện tích thuộc sở hữu chung, nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư;
Bảo trì khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hoả… Xử lý nước thải ứ nghẹt, hút bể phốt định kỳ; cấy vi sinh cho hệ thống nước thải của nhà chung cư… Bảo trì các hạng mục khác của nhà chung cư thuộc quyền sở hữu chung theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Người dân ở đây cho biết, hiện nay, chung cư đang xuống cấp, cần tiền để tu bổ, tuy nhiên, do không có quỹ bảo trì nên không sữa chữa lại được. Ban quản trị chung cư Kim Tâm Hải nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhưng lãnh đạo Công ty Kim Tâm Hải luôn tìm cách né tránh.
“Tường, gạch nứt, rơi tùm lum, rất nguy hiểm đến tính mạng cư dân. Chúng tôi đã làm đơn gửi chủ đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước từ quận 12 lên đến Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường… nhưng tất cả đều bị lãng quên. Giờ đây cư dân không biết lấy tiền đâu mà sữa chữa những chỗ hư hại tại chung cư này”, ban quản trị chung cư Kim Tâm Hải nói.
Liên quan đến các vấn đề này, trao đổi qua điện thoại, chủ đầu tư Kim Tâm Hải xác nhận có các vụ việc đó. “Chủ đầu tư đã thông báo cho cư dân rồi. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, chờ ra sổ. Còn phí bảo trì chug cư thì chỉ hai tỷ mấy thôi”, lãnh đạo Kim Tâm Hải chia sẻ.
Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải rao bán hàng loạt dự án “ma”?
Năm 2019, báo chí phản ánh tình trạng phân lô bán nền trái phép tại huyện Củ Chi. Theo đó, trên địa bàn huyện Củ Chi, Tp.HCM nhiều khu đất khác được các doanh nghiệp gắn mác dự án thương mại khác như: Dự án The Residence 1, 2, 3 do Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải làm chủ đầu tư: Dự án Osaka Garden Công ty Cổ phần Nhà Nhất Nam chủ đầu tư: Dự án Sun City do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển BĐS Đông Nam làm chủ đầu tư: Dự án Era Park được giới thiệu Công ty cổ phần dịch vụ BĐS Nam Gia chủ đầu tư.
Công ty Cổ phần Kim Tâm Hải rao bán hàng loạt dự án “ma” tại huyện Củ Chi
Ông Nguyễn Công Duyên, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông khẳng định: Hiện nay trên địa bàn xã không có dự án nào mang tên Erapark và The Risidence 1, 2. Theo ông Duyên, các dự án trên là của một số cá nhân có đất, sau khi tiến hành xin chủ trương đầu tư đấu nối hạ tầng để tách thửa thì các chủ đất phối hợp với các Cty khác để cùng phát triển. Về tên những dự án trên đều là tự đặt mà không được bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào quyết định phê duyệt.
Trả lời về vấn đề này, Đại diện Phòng quản lý đô thị huyện Củ Chi cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện chỉ duy nhất dự án Lucky Garden Bình Mỹ được cấp phép, các dự án còn lại do doanh nghiệp tự gán tên thương mại để giao dịch với khách hàng đều là dự án “ma”. Phía chính quyền đã nhiều lần ra quân xử phạt về việc quảng cáo sai quy định về các trường hợp trên, việc này gây nhũng nhiễu, rối loạn thị trường BĐS và gây hiểu nhầm trong phần lớn bộ phận nhà đầu tư và khách hàng.
Mặt khác, việc UBND huyện Củ Chi (Tp.HCM) căn cứ vào Quyết định 60 của UNBD TP để cấp phép cho các cá nhân đấu nối hạ tầng kỹ thuật, tách thửa. Dựa vào đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã móc nối với nhau, để lập những dự án phân lô, bán nền “ma”. Trong khi, nhiều cá nhân, doanh nghiệp chuộc lợi bất chính từ việc lách luật lập dự án phân lô, bán nền “ma” này.
Thì những khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực tế, nhà đầu tư và khách hàng gặp phải muôn vàn khó khăn trong giao dịch. Và chẳng ai có thể đảm bảo, về những rui ro, trái đắng mà nhà đầu tư, khách hang găp phải khi tiếp cận những sản phẩm của những dự án phân lô, bán nền “ma” này.