Tại hội nghị đó, Thủ tướng đã nhắc tới việc DNNN đang nắm giữ tài sản 3 triệu tỷ đồng; lượng vốn 1,5 triệu tỷ đồng. Tức là, DNNN đang nắm khối lượng tài sản gần bằng với GDP của nền kinh tế trị giá khoảng 5 triệu tỷ đồng.
"Sân trước, sân sau" vẫn phổ biến
Nói theo quy luật chung, Thủ tướng cho rằng, Nhà nước chỉ cần nắm giữ những gì cần thiết mà tư nhân và xã hội không muốn làm hoặc không làm được. Còn lại, DNNN sẽ thoái vốn, cổ phần hóa để toàn xã hội chung tay vào nhiệm vụ xây dựng sự thịnh vượng cho quốc gia. Và cũng chưa khi nào, Thủ tướng nói thẳng thắn về những tồn tại của DNNN như hiệu quả thấp, đầu tư kém, áp dụng khoa học công nghệ chưa cao, nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn.
Quan trọng hơn cả, vấn đề công khai minh bạch, quản trị yếu kém, không chịu học hỏi, “sân sau, sân trước” vẫn phổ biến. Thủ tướng nói thẳng: “Tôi muốn nói là có ông không chỉ 1 sân sau mà còn 2-3 sân sau, thậm chí là 12-13, 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Tôi khẳng định không phải là Thủ tướng không biết đâu”.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, vấn đề về “cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN” đã được Hội nghị Trung ương 5 hồi tháng 5/2017 nhấn mạnh và ban hành nghị quyết. Không phải không có cơ sở mà Hội nghị Trung ương 5 nhấn mạnh rằng: “Đến nay DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế Nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế”.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã băn khoăn: “Có một câu hỏi lớn đặt ra cần được giải đáp thấu đáo là, vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?”.
Phải chăng nguyên nhân chủ yếu là do: "Chưa xác định rõ ràng, đúng đắn chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chức năng, nhiệm vụ chính trị-xã hội của DNNN; chưa có chuẩn mực trong hạch toán kinh doanh đúng đắn và phù hợp với DNNN trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hoá thông thường với sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích?”.
"Lấy danh nghĩa Nhà nước làm bình phong"
Những băn khoăn và Nghị quyết của Trung ương 5 chắc chắn không phải là không có cơ sở. Chắc chắn đó cũng là động lực để những Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng về DNNN được ban hành và triển khai. Nhưng rõ ràng cho đến nay, việc đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN vẫn đang được đặt ra hơn bao giờ hết.
Thậm chí, nếu soi kỹ quyết định mới nhất của Thủ tướng về cổ phần hóa DNNN, một trong những biện pháp để cơ cấu lại DNNN, thì thấy một thực tế rằng: có những DNNN lẽ ra phải cổ phần hóa xong từ lâu rồi theo Quyết định 991/2017 thì nay lại tiếp tục có tên trong danh mục phải cổ phần hóa năm 2019. Điều ấy phải chăng là biểu hiện của “trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh” mà Thủ tướng nhiều lần nhắc đến.
Tất nhiên, chưa khi nào DNNN hay khu vực kinh tế nhà nước không được coi trọng. Nhưng nguyên lý nhà nước chỉ làm những gì mà xã hội và tư nhân không làm được hoặc không muốn làm vì lợi ích chung cần phải tuân thủ. Những hành động như thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để xóa bỏ chức năng chủ quản của các bộ đối với DNNN là rất cần thiết, nhưng có lẽ nó chỉ là những hành động tạm thời.
Về lâu dài, nếu DNNN vẫn lấy danh nghĩa Nhà nước ra để đòi hỏi những ưu đãi về chính sách, đất đai, tài nguyên và kể cả việc xử lý những sai phạm thì chắc chắn DNNN rất khó có thể nâng cao được hiệu quả. Nếu danh nghĩa nhà nước vẫn được sử dụng để biện minh cho những thua lỗ, kém cỏi, thất thoát của DNNN thông qua cụm từ mỹ miều là “nhiệm vụ chính trị” thì hẳn nhiên DNNN còn lâu mới được cơ cấu lại. Và tất nhiên, nếu danh nghĩa Nhà nước vẫn được dùng để làm bình phong cho những “sân trước, sân sau” của những cá nhân trong hệ thống công quyền, thì DNNN đương nhiên còn lâu mới được đổi mới.
Bởi chỉ có hoạt động trong và tuân theo cơ chế thị trường thì DNNN, với những lợi thế về tài sản, quy mô, vốn và danh tiếng mới có thể bứt phá và vươn lên, thu hút được nguồn vốn của xã hội. Đổi mới hay cơ cấu lại DNNN thực chất chỉ là việc tháo cởi những cơ chế đang ràng buộc DNNN bằng những thứ nhiệm vụ và định hướng vô hình, phi thị trường. Nếu tháo cởi được những ràng buộc ấy, thì DNNN sẽ “hội nhập” và tuân theo những gì thị trường đòi hỏi chứ không phải tuân theo ý chí của một nhóm người có quyền lực chi phối.
Chỉ có như vậy thì mới gọi là đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN cách thực chất. Nếu không, DNNN vẫn mãi là cái “gân gà” khó nuốt trôi, bỏ thì thương vương thì tội.