Mối “lương duyên” tan vỡ giữa CII và Hongkong Land
Dự án The River Thủ Thiêm hiện nay được đầu tư xây dựng bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) và Công ty Cổ Phần Phát Triển và Tài Trợ Địa Ốc R.C (Refico).
Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) đã công bố thông tin về việc hợp tác với Công ty Cổ phần City Garden để phát triển dự án Thủ Thiêm Riverpark (giai đoạn 1).
Cụ thể, City Garden sẽ hỗ trợ toàn diện cho CII trong việc phát triển dự án. Toàn bộ sản phẩm của dự án sẽ được phân phối theo hình thức bán sỉ.
Được biết, dự án Thủ Thiêm Riverpark (nay là The River Thủ Thiêm) do Công ty CP Đầu tư bất động sản Thủ Thiêm River Park làm chủ đầu tư (tên gọi chính thức là The Riverin) nằm trong Khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2, Tp.HCM.
Dự án được phát triển bởi liên doanh giữa CII và Hongkong Land, có diện tích 3,5ha với quy mô 1.140 căn hộ. Dự án được khởi công xây dựng từ quý 3/2018 và dự kiến bàn giao vào năm 2021.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2019, tổng giám đốc CII khẳng định với nhà đầu tư rằng CII đang hợp tác với Hongkong Land để phát triển dự án Thủ Thiêm River Park, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 400 triệu USD. Dự án đã bắt đầu xây nhà mẫu, phần phụ trợ như tường rào, khoan cọc nhồi, dự kiến cuối tháng 5/2019 sẽ có giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, Hongkong Land đã rút khỏi dự án Thủ Thiêm River Park và nguyên nhân vì sao liên doanh này “tan vỡ” chưa được các bên công bố.
Đối tác mới hợp tác phát triển dự án Thủ Thiêm River Park là City Garden một đơn vị thành viên của CTCP Phát triển và tài trợ Địa ốc R.C (Refico).
Đổi “đất vàng” lấy hạ tầng trong tầm ngắm thanh tra
Công ty Bất động sản Thủ Thiêm River Park vốn là công ty liên kết CII đầu tư gián tiếp thông qua Công ty TNHH MTV Lữ Gia. Tại dự án này, CII đã được UBND TP HCM giao thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc thuộc khu chức năng số 3, số 4 và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đổi lại, theo Quyết định số 1984/QĐ-UBND của UBND TP HCM ngày 15/4/2016, CII được giao hơn 9 ha đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và hơn 0,6 ha đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng cho thuê) tại khu chức năng số 3 và số 4 thuộc KĐT mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, cuối năm 2019, Kiểm toán Nhà nước thông báo dự án BT này thuộc một trong ba dự án BT tại KĐT mới Thủ Thiêm được Chính phủ yêu cầu Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào cuộc kiểm toán.
Theo đó, KTNN sẽ kiểm toán nhằm xác định lại tổng mức đầu tư và giá trị tiền sử dụng đất theo giá thị trường và qui định của Pháp luật.
Về phía CII, một phần vì lí do thiếu vốn, công ty đã liên tục giảm sở hữu tại Thủ Thiêm River Park. Tại ngày 30/9/2019, tỉ lệ sở hữu tại BĐS Thủ Thiêm River Park của CII đã giảm xuống chỉ còn 20,01% với giá trị đầu tư sổ sách trên 194 tỉ đồng, trong khi tại ngày ngày 30/1/2019 là 43,75%.
Tại Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2019, CII cho biết mặc dù công ty đang sở hữu tổng cộng 63,98% tỉ lệ quyền biểu quyết trong BĐS Thủ Thiêm River Park nhưng theo thỏa thuận với các cổ đông khác, CII không nắm quyền kiểm soát đơn vị này.
Trở lại với City Garden, đây là thành viên của CTCP Phát triển và Tài trợ Địa ốc R.C (Refico) - một doanh nghiệp lớn khá kín tiếng trên thị trường, là chủ đầu tư các dự án như: Centre Point (30.000 m2, quận Phú Nhuận); City Garden - Phase 1 (17.000 m2, quận Bình Thạnh); President Place (10.770 m2, quận 1); Sanctuary Hồ Tràm (67 biệt thự và 1 boutique resort, Bà Rịa - Vũng Tàu); Watermark (Hà Nội).
Ngoài ra, Refico còn đang phát triển một số dự án như: City Garden - Phase 2 (quận Bình Thạnh); Kosmo Tây Hồ (Hà Nội); Nexus (8.635 m2, quận 1); River City (30 ha, quận Thủ Đức); Mayfair (34B Trấn Phú, Hà Nội),…
Dấu hiệu “ưu ái” cho CII số tiền 412 tỷ đồng
Tháng 6/2019, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận, TP Hồ Chí Minh thực hiện phê duyệt tổng mức đầu tư dự án BT hạ tầng khu dân cư phía Bắc, trong đó có một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị gần 412 tỷ đồng.
Đường trục Bắc - Nam đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ do CII thực hiện theo hợp đồng BT.
Nội dung được Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu trong Thông báo số 1041/TB-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.
Tại thời điểm thanh tra, UBND Thành phố (TP) đã chỉ định một số nhà đầu tư để xây dựng các dự án theo hình thức BT trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc - Nam đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ…
TTCP xác định, trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP và các sở, ngành liên quan đã có những khuyết điểm, vi phạm. Trong đó có việc chấp hành pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án BT hạ tầng, gồm dự án của CII.
Cụ thể, với Dự án BT Hạ tầng Khu dân cư phía Bắc, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng và được chấp thuận cho thực hiện theo hình thức BT nhưng không đăng tải nội dung của dự án lên Trang thông tin điện tử của Thành phố và Báo Đấu thầu.
TP HCM thực hiện phê duyệt tổng mức đầu tư dự án, trong đó có một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị gần 412 tỷ đồng; đề ra biện pháp thi công không phù hợp, phải thay đổi, dẫn đến chi phí thực tế phải giảm so với tổng mức đầu tư là hơn 118 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu, TP HCM đã chấp thuận sử dụng quỹ đất sạch trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối, thanh toán cho các dự án BT, trong đó có Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực chất là chỉ định nhà đầu tư) là không đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Trong đó, tính tiền sử dụng đất đối ứng để thanh toán cho các dự án BT bằng chi phí đầu tư bình quân 26 triệu đồng/m2 là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định, cần phải xem xét, xác định lại để truy thu, tránh thiệt hại cho nhà nước.
Sau đổi tên, rộ thông tin rao bán
Như đã nói ở trên, Thủ Thiêm River Park nay đã được đổi tên thành The River Thủ Thiêm. Dự án này nằm mặt tiền đường Nguyễn Cơ Thạch tại phân lô 3.15 và 3.16 thuộc bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).
Dự án The River Thủ Thiêm hiện nay được đầu tư xây dựng bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) và Công ty Cổ Phần Phát Triển và Tài Trợ Địa Ốc R.C (Refico).
Khảo sát trên Internet cho thấy, hiện có nhiều thông tin, trang web đăng tải thông tin rao bán, đặt cọc, giữ chỗ đối với dự án The River Thủ Thiêm. Ví dụ như tại trang web house.com.vn thông tin về tiến độ dự án: “Dự kiến tháng 01/2020, nhận giữ chỗ giai đoạn 1; Dự kiến tháng 04/2020, mở bán chính thức giai đoạn 1; Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào quý 3 năm 2021; Giá bán căn hộ The River Thủ Thiêm dự kiến 5.000 – 6.000 USD/m2”.
Trên một số trang web rao vặt bất động sản cũng đăng tải thông tin: “Nhận đặt cọc giữ chỗ 200 triệu đồng, dự kiến mở bán chính thức tháng 4/2020; giá dự kiến: 133,566 triệu/m2 hoàn thiện; dự kiến bàn giao Quý 4/2021…”.
Còn theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại dự án The River Thủ Thiêm hiện nay, toàn bộ công trường thi công nhộn nhịp với nhiều công nhân và phương tiện máy móc. Hiện dự án đang trong giai đoạn thi công phần nền móng.
Theo một môi giới đang rao thông tin về dự án này, The River Thủ Thiêm là dự án đã hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý và dự kiến sẽ mở bán vào đầu tháng 4/2020. Giá bán dự kiến của dự án từ 6.000 USD/m2.
Vị môi giới này cho biết, đây là mức giá khá mềm nếu đem so sánh với giá bán của các dự án lân cận như The Metropole Thủ Thiêm khoảng 7.200 USD/m2 hay Empire City khoảng 8.000 USD/m2.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên tại Cổng thông tin Sở Xây dựng TP HCM, hiện Sở này chưa công bố quyết định về việc cho phép chủ đầu tư dự án The River Thủ Thiêm được bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trước thông tin rao bán, nhận đặt cọc rầm rộ trên mạng đối với dự án The River Thủ Thiêm mà chưa được cơ quan chức năng cấp phép, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội khuyến cáo: Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014: Điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Nghị định 76/2015/NĐ-CP và Nghị định 99/2011/NĐ-CP về hợp đồng mẫu bảo vệ người tiêu dùng thì trong lĩnh vực mua bán căn hộ hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được bán khi nào hình thành xong phần móng và phải có quyết định đồng ý của Sở Xây dựng. Trước thời điểm hình thành xong phần móng, chủ đầu tư không được thu bất kì khoản tiền nào ngoài tiền hợp đồng hợp tác kinh doanh chia lợi với cả dự án.
Điều đáng nói, hiện dự án đang trong “tầm ngắm” thanh tra để xác định lại giá trị sử dụng đất, việc cơ quan chức năng đồng ý cho mở bán hoặc sau này cấp “sổ hồng” cho khách hàng sẽ gặp vô vàn khó khăn và chưa biết đến bao giờ mới có. Khách hàng cần hết sức cân nhắc khi muốn đầu tư dự án này!