Không hề quá đáng khi nói rằng, sử dụng ngôn ngữ giống như sử dụng con dao hai lưỡi. Dân gian vẫn thường nói “giết người không gươm” chính là để nhắc nhở nhau khi dùng ngôn ngữ, khi ăn nói với nhau.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa có kể lại chuyện Gia Cát Khổng Minh là quân sư của Lưu Bị, “mắng” chết Chu Du là quân sư của Tôn Quyền khi biết đặt những lời gièm pha vào đúng chỗ đau đớn của đối phương. Trong trường hợp đó mỗi lời nói có sức mạnh bằng cả một đạo quân.
Nhưng đấy là chuyện của những bậc cao thủ về mặt chữ nghĩa. Muốn làm chủ được ngôn ngữ họ phải học hành rất cẩn thận, rèn luyện vô cùng công phu, hiểu rất sâu về nhiều mặt và điều then chốt là không bao giờ nói hoặc viết ra những từ mà họ chưa hiểu.
Tiện lợi của ngôn ngữ thì khỏi phải bàn cãi nhưng một khi dùng không chính xác, không đúng nơi, đúng chỗ có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Bởi vì ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp. Khi cái công cụ đó rơi vào tay những người kém hiểu biết, lại cẩu thả, thì không chỉ tính năng thông tin mà cả tính năng biểu cảm của ngôn ngữ sẽ bị méo mó. Một câu nói bị hiểu sai, một văn bản không rõ ràng có thể tạo ra những tình huống bi hài, thậm chí có thể là chiến tranh.
Những biển hiệu khiến người đọc... hoang mang về ngữ nghĩa (Ảnh: Sưu tầm)
Biểu hiện thường thấy của việc sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện là dùng từ thiếu chính xác, tối nghĩa, thậm chí là ngược nghĩa với điều mình định nói. Nguyên nhân chính đôi khi lại chỉ do sính chữ, thích tỏ ra mình biết ăn nói những điều cao sang.
Hàng ngày chuyện đó diễn ra ở khắp nơi. Để không thành lan man, trong bài viết này tác giả chỉ xin nêu ra một ví dụ dùng từ sai điển hình, sai có hệ thống, sai cực kỳ nghiêm trọng, sai miên man, sai mọi lúc mọi nơi (nhiều nhất là trên truyền hình) không thể chấp nhận được nhưng cứ tiếp tục sai mà chả thấy làm sao. Đó là trường hợp dùng sai từ cứu cánh.
Trên một tờ báo nọ, người ta viết như thế này: Sau bao nhiêu năm thử nghiệm các giống vật nuôi, cuối cùng bà con nông dân cũng tìm thấy cứu cánh cho việc thoát nghèo là con bò. Người viết muốn nói, cuối cùng con bò mới là con vật giúp bà con nông dân (ở cái vùng mà bài báo đề cập) thoát nghèo. Giá mà anh ta viết béng ra như vậy có phải đỡ tức cười không? Bởi vì cái câu nguyên văn nghe rất “sâu sắc” trên kia chỉ chứng tỏ người viết học hành vớ va vớ vẩn. Nó không chỉ vô nghĩa mà còn rất tức cười.
Sai lỗi chính tả nghiêm trọng (Ảnh: Sưu tầm)
Cứu cánh là một từ có nguồn gốc Phật Giáo (?), tương đương với từ mục đích. Tiếc rằng trong đa số trường hợp thích dùng từ cứu cánh, người ta đinh ninh nó có nghĩa là phương tiện. Nhà văn hoá, dịch giả (và cũng có thể gọi ông là nhà ngôn ngữ học) Dương Tường đã hơn vài lần nhắc nhở về sai sót nghiêm trọng này. Nhưng ngày ngày trên nhiều tờ báo, cả nói, cả giấy lẫn hình (nhiều nhất là trên báo hình) lỗi ấy vẫn nhan nhản, cứ như là người Việt đã tự ý cấp nghĩa chỉ phương tiện cho từ cứu cánh vậy.
Đành rằng trong lịch sử phát triển, vay mượn ngôn ngữ không phải là việc hiếm. Nhưng trong trường hợp nghĩa gốc của nó đã thành phổ biến (ngôn ngữ Phật giáo ở nước ta rõ ràng là một phần của ngôn ngữ đời sống) thì không thể tuỳ tiện biến nó thành nghĩa khác được. Làm như vậy sẽ xúc phạm đến cả một hệ thống văn bản trước đó.
Không ai toàn năng về ngôn ngữ, vì thế mà cần phải học hỏi ngày ngày. Học chẳng bao giờ là điều xấu. Với những người làm nghề gắn với chữ nghĩa thì lại càng phải thận trọng chuyện dùng từ. Các nhà văn nhà báo lớn luôn khuyên chúng ta như vậy.
Từ hàng trăm năm trước đại văn hào Nga L.Tônxtôi đã... cáu tiết đòi đánh 100 gậy vào mông kẻ nào viết ra một từ mà chính anh ta cũng không hiểu. Có lẽ hơn ai hết, tác giả của kiệt tác Chiến tranh và hoà bình biết rõ sự nguy hiểm của ngôn ngữ khi nó bị dùng tuỳ tiện như thế nào.