Khu Đông Thành phố Hồ Chí Minh có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy dọc xa lộ Hà Nội dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Ảnh: CAO THẮNG
Thành phố khu Đông trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hình thành trên những nền tảng trụ cột sẵn có của 3 quận (2, 9, Thủ Đức) với điểm nhấn là Khu đô thị sáng tạo, được kỳ vọng là một bệ phóng mới tạo ra sự đột phá để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Đòn bẩy từ Khu đô thị sáng tạo
45 năm sau Ngày Giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là thành phố dẫn đầu về kinh tế và là động lực thúc đẩy sự phát triển cho khu vực cũng như cho nhiều lĩnh vực khác của cả nước.
Trong 3 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xu hướng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước: Năm 2017, kinh tế tăng trưởng 8,25%, 2018 tăng 8,3% và năm 2019 tăng 8,32% - cao hơn tốc độ bình quân cả nước (7,02%). Năng suất lao động của thành phố cũng tiếp tục tăng, bình quân 5 năm qua tăng 6,5%/năm, trong khi cả nước là 6,2%/năm.
Chỉ tiêu thu ngân sách được giao năm 2019 là 399.125 tỉ đồng nhưng thành phố đã vượt 2,7%, đạt 409.920 tỉ đồng, tức là mỗi ngày làm việc, thành phố thu ngân sách 1.600 tỉ đồng. Thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 lớn hơn tổng thu ngân sách của 53 tỉnh và thành phố có mức thu từ thấp nhất trở lên.
Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bình quân cứ 5 năm, dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Đặc biệt, tỉ lệ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007-2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017-2020, gây khó khăn cho việc đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế.
Trong khi đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực. Điều này làm tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế có phần chững lại so với những năm giai đoạn trước 2010, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.
Do đó, từ năm 2018, thành phố đã tìm tòi mô hình tăng trưởng mới. Đó là làm sao tạo được sự tương tác hiệu quả cao nhất giữa 4 yếu tố của tứ giác đổi mới và phát triển: Đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ cao; sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tài chính hiệu quả cho khởi nghiệp sáng tạo và các doanh nghiệp; điều kiện sống tốt nhất cho các nhà khoa học, doanh nghiệp, người lao động.
Có thể nói, khu vực phía Đông thành phố với 3 quận liền kề nhau gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức là nơi có mật độ đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (với 7 đại học thành viên), Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Nông lâm, Đại học Văn hoá, Đại học Việt Đức, Đại học Fulbright, có hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên. Đây cũng là nơi có mật độ ứng dụng công nghệ cao lớn nhất cả nước với Khu công nghệ cao thành công nhất có mức đầu tư hơn 7 tỉ USD và trong năm 2019, giá trị sản xuất đạt 17 tỉ USD, năm 2020 sẽ vượt mốc 20 tỉ USD. Ngoài ra, quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch để trở thành trung tâm tài chính mới của thành phố.
Khu vực phía Đông còn là nơi tập trung nhiều đầu tư hạ tầng, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy dọc theo Xa lộ Hà Nội, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, những dự án hạ tầng tương lai như trung tâm thể thao Rạch Chiếc…
Như vậy, khu vực 3 quận liền kề quận 2, quận 9 và Thủ Đức ngày nay đang hội tụ đủ 4 tiền đề quan trọng nhất của một vùng động lực phát triển mới trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 với dân số khoảng 1 triệu người (bằng 11% dân số thành phố), diện tích hơn 211,5km2 (bằng 11% diện tích thành phố), sẽ có khả năng tạo ra 30% tổng sản phẩm nội địa của thành phố.
Đô thị hàm lượng chất xám cao
Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình Quốc hội về đề án Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông, dự kiến có thể bắt tay triển khai từ năm 2021.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, các khu vực đã được đầu tư xây dựng ở khu Đông cần tiếp tục hoàn thiện, gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, Khu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đồng thời, khi xây dựng các trung tâm sáng tạo trên nền tảng sẵn có của khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển đô thị trên những đô thị sẵn có. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung các không gian công cộng và khuyến khích kinh tế khởi nghiệp sáng tạo.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ thực hiện các dự án chuyển đổi giao thông dựa trên các hành lang giao thông công cộng chính, kết nối nhanh cấp vùng, phát triển các hành lang vận tải logistics riêng biệt, giao thông nhẹ điểm cuối và sử dụng các giải pháp dựa trên năng lượng tái tạo, không phát thải CO2.
Để hiện thực hóa các ý tưởng, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ tập trung thực hiện chương trình toàn diện trên nhiều nhóm vấn đề để bảo đảm thành công về phát triển kinh tế và quy hoạch đô thị. Các nhóm công việc bao gồm về quản lý, nghiên cứu giáo dục đào tạo, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp.
Cụ thể, về quản lý, thành lập một bộ phận chuyên trách tạo ra các quy định nhằm nâng cao sự linh hoạt khi ra quyết định để hỗ trợ phát triển công nghệ cao và kinh tế tri thức. Xây dựng các công cụ để thu hút sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo cơ hội kinh doanh.
Về nghiên cứu giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện các dự án hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế như Đại học Quốc gia, Đại học Fulbright, Đại học Việt Đức…
Về xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào công nghệ cao, tiếp tục xây dựng các chính sách cụ thể để phát triển R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm). Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chính sách để thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực xã hội trong tham gia giải quyết các vấn đề lớn của thành phố.
Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời rà soát cơ sở pháp lý và xây dựng các quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, tạo tiền đề cho việc ra đời Thành phố phía Đông trong tương lai.
“Đô thị sáng tạo tương tác cao là cách tiếp cận mới chú trọng về sự phát triển kinh tế kết hợp với quy hoạch đô thị được lãnh đạo thành phố lựa chọn, như là một chiến lược phát triển cho khu vực phía Đông thành phố. Đô thị sáng tạo là cấu trúc giúp mọi người sinh sống ở trong đó có thể làm việc tốt hơn, sáng tạo hơn và là động lực phát triển kinh tế của khu vực” ông Phong chia sẻ.
"Ngày 19.2.2020, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập Thành phố phía Đông trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở gộp 3 quận (2, 9, Thủ Đức). Thành phố phía Đông được thành lập dựa trên 3 trụ cột sẵn có hiện nay ở 3 quận gồm: Khu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Từ những trụ cột sẵn có này, vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh cũng định hướng chiến lược phát triển khu vực phía Đông thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Việc thành lập Thành phố phía Đông sẽ được UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện song song với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Dự kiến sau khi thành lập, Thành phố phía Đông có diện tích tự nhiên hơn 211,5km2, dân số hơn 1,1 triệu người".
MINH QUÂN - HUYỀN TRÂN/ THeo Lao Động