Bộ Xây dựng vừa có phúc đáp về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án “Thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM”.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, việc đề xuất thành lập thành phố trực thuộc TP Trung ương là phù hợp pháp luật, được quy định rõ trong Khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013 và Khoản 2, Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bộ Xây dựng cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để thành lập thành phố phía Đông TP.HCM
Tuy nhiên, Bộ cho rằng thành phần hồ sơ của đề xuất này chưa đủ cơ sở pháp lý trong việc sát nhập quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập thành phố phía Đông, áp dụng điều khoản không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.
Bộ phân tích, Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không có quy định về thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM. Bên cạnh đó, hiện tại TP cũng chưa hoàn thiện xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021.
Do đó, Bộ đề nghị TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xây dựng, hoàn thiện đề án. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát quy hoạch và chủ trương về việc thành lập thành phố sáng tạo phía Đông thành phố, làm cơ sở để lập quy hoạch chung thành phố phía Đông.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, để hình thành thành phố phía đông, UBND TP.HCM đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Xây dựng về việc sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức.
Theo đó, việc thành lập nhằm hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. Tuy nhiên, việc sát nhập cùng lúc 3 quận là chưa có tiền lệ, do đó Tp đã có văn bản số 1157/UBND-TH gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị. Dự kiến, TP phía Đông sau khi thành lập sẽ có quy mô hơn 1,2 triệu dân, tổng diện tích 211km2.
Đặc biệt, mới đây UBND TP.HCM cũng vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban, có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này...
Đồng thời, Ban chỉ đạo này cũng đảm nhiệm công việc xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, giao thông, kênh rạch, công trình trên địa bàn 3 quận, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực quản lý các nguồn lực.
Bên cạnh đó, TP cũng vừa được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, trong đó điều chỉnh quy mô, bổ sung tuyến đường kết nối đường vành đai 3 – TP.HCM với đường Long Phước theo quy chuẩn đường chính đô thị; điều chỉnh các tuyến đường giao thông khu vực để kết nối đồng bộ các khu vực khác của thành phố.
UBND TP sẽ xúc tiến công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các tuyến đường, cầu, cao tốc, đặc biệt là các dự án giao thông liên kết vùng tại khu vực phía Đông thành phố, kết nối đến các tỉnh liền kề như Đồng Nai. Bên cạnh đó, trong năm nay, 27 dự án hạ tầng giao thông sẽ được khởi công mới, nhiều công trình trọng điểm cũng tập trung chủ yếu tại khu Đông, mang đến lợi thế hơn hẳn các khu vực khác.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố như đề xuất trên sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong tên gọi cũng như việc giải quyết thủ tục, giấy tờ cho người dân ở các quận sáp nhập.
Hiện Việt Nam chưa từng có tiền lệ cũng như quy định cơ cấu thành phố trong thành phố, do đó cấu trúc tổ chức hành chính, dân số, kinh tế - tài chính là rất khó để xác định. Bởi lẽ, theo quy định mỗi TP phải là đơn vị hành chính độc lập, có đường ranh giới xác định, dân số, có Thành ủy, UBND, HĐND TP và các sở trực thuộc.
“Việc xác định vị trí hành chính của TP phía Đông sẽ như thế nào khi đứng cùng các quận? Hơn nữa, diện tích TP này lại khá lớn, nếu chỉ đứng dưới TP.HCM, không có cơ cấu hành chính độc lập thì chỉ như một quận được hợp thành, to hơn mà thôi” – Vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bo-xay-dung-chua-du-co-so-phap-ly-thanh-lap-thanh-pho-phia-dong-tp-hcm-a32719.html