Trào lưu “bỏ phố về rừng”, đất nông nghiệp hút khách

Trào lưu bỏ phố về quê hay bỏ phố lên rừng xuất hiện từ hơn một năm trước, đến nay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người ở thành thị đổ về các tỉnh lân cận để tìm mua đất làm nhà vườn.

Trào lưu bỏ phố về quê hay bỏ phố lên rừng xuất hiện từ hơn một năm trước, đến nay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người ở thành thị đổ về các tỉnh lân cận để tìm mua đất làm nhà vườn.

Thị trường bất động sản chứng kiến xu hướng mới khi đất nông nghiệp bỗng dưng đắt hàng, tăng giá trong thời gian vừa qua. Dịch bệnh covid-19 cùng với trào lưu “về quê trồng rau nuôi gà” đã khiến thị trường đất nông nghiệp được quan tâm hơn.

Thị trường đất nông nghiệp ở Lâm Đồng, hay một số tỉnh ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… giá đất lúa, đất vườn cũng tăng nhanh thời gian qua bất chấp dịch bệnh. Trong khi đó, đất nông nghiệp ở các khu vực gần TP HCM, như Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), đều lên rất cao, khoảng 2 – 2,5 tỉ đồng/sào.

Lâm Đồng là địa điểm được nhiều khách hàng lựa chọn nhất, trong đó, giao dịch sôi động nhất là khu vực Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lâm và một phần Di Linh.

Bất động sản nông nghiệp tại nhiều tỉnh lẻ, nhất là các địa phương có du lịch phát triển hút khách.

Theo báo Người lao động, người dân trong khu vực cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây, do có nhiều người từ nơi khác đến mua đất nông nghiệp để làm vườn hoặc mua đi bán lại khiến giá đất tăng vọt từng ngày. Đặc biệt, một số nơi trong tỉnh Lâm Đồng, giá đất nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần so với những năm trước. Điển hình tại xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt, giá 1 sào trước đây có 700 triệu đồng, hiện đã lên trên 3 tỉ đồng. Còn những khu đất gần quốc lộ, giá đến 6 tỉ đồng/sào.

Tại khu vực giáp hồ Sông Ray, thuộc xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, giá đất cũng sốt không kém. Vài tuần trước, khi khách định đến chốt cọc miếng đất 5.000 m2 giá 340 triệu đồng/sào thì chủ đất đã tăng lên giá 400 triệu đồng/sào.

Ở một số tỉnh ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… giá đất lúa, đất vườn cũng tăng nhanh thời gian qua bất chấp dịch bệnh. Như huyện Cai Lậy (Tiền Giang), giá đất lúa 1 năm trước phổ biến khoảng 200-230 triệu đồng/sào, hiện tại đã tăng lên 350-400 triệu đồng/sào. Đặc biệt, những ruộng lúa vị trí đẹp, gần đường lớn giá lên tới 500-600 triệu đồng. Còn đất vườn trồng sầu riêng, cam, chôm chôm, mít… giá cũng vọt lên 800 triệu đến 1,3 tỉ đồng/sào

Trong khi đó, đất nông nghiệp ở các khu vực gần TP.HCM, như Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), theo khảo sát của chúng tôi đều lên rất cao, khoảng 2 – 2,5 tỷ đồng/sào.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, từ cuối năm 2019, một số nhà đầu tư đã có xu hướng trích ra khoảng 5% – 10% ngân sách để mua những lô đất lớn, đất vườn hoặc trang trại nhỏ ở các tỉnh lân cận TP.HCM. Đây là một phân khúc đầu tư an toàn, giống như của để dành. Đến nay, khi nỗi lo dịch bệnh tăng cao, xu hướng này càng được nhiều người chú ý.

“Hiện nay, nhiều người sở hữu xe hơi riêng nên việc ra ngoài tỉnh mua đất có vườn, có ao cá, vườn rau, cây trái… với giá từ 1-5 tỷ đồng để tự giãn cách xã hội không phải là chuyện khó. Vì thế, đầu tư vào đất vườn, trang trại… sẽ trở thành một xu hướng rõ nét hơn thời gian sau dịch” – ông Quang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, khi mua đất nông nghiệp, nhà vườn, nhà đầu tư cần lưu ý phải hội đủ các yếu tố: có thể di chuyển không quá xa TP.HCM, khí hậu phù hợp và phải mang tính nghỉ dưỡng, tính đến yếu tố lâu dài và cần có kế hoạch tài chính phù hợp.

Còn chia sẻ với TheLEADER, ông Đoàn Quý Lâm, quản trị của nhóm “Bỏ phố về rừng” nhận định thành phố Đà Lạt có khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí rất lý tưởng để nghỉ dưỡng

Cụ thể, cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã chọn Đà Lạt làm nơi an dưỡng cho cán bộ cấp cao của chính quyền Pháp ở Đông Dương. Ngay cả vua Bảo Đại cũng xây dựng ba dinh làm nơi nghỉ dưỡng.

Ngoài sân bay Liên Khương, từ Đà Lạt có thể đi biển Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa hay Đồng Nai, TP. HCM và các tỉnh tây nguyên khác với bán kính từ 100-300km.

Theo ông Lâm, nhiều người khi có quyết định rời phố về rừng nhưng lại sợ nơi mình đến văn hóa quá thấp nên có cảm giác buồn tẻ nhưng Đà Lạt lại khác. Từ thời trước, Đà Lạt đã là nơi hội tụ, tìm về của giới trí thức, tinh tú. Đà Lạt còn là nơi giao thao văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.

Chính những yếu tố này làm cho Đà Lạt đang nổi lên là điểm đến của xu hướng bỏ phố về rừng để mua đất làm nhà vườn, khiến giá đất nông nghiệp ở Đà Lạt và nhiều khu vực ở Lâm Đồng tăng giữa tâm dịch Covid-19.

P.V (tổng hợp) - Theo Môi trường & Đô thị

Link gốc

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/trao-luu-bo-pho-ve-rung-dat-nong-nghiep-hut-khach-a32528.html