Bất động sản lên mạng mùa dịch

Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, Các chủ đầu tư đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến và các ứng dụng di động.

Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, Các chủ đầu tư đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến và các ứng dụng di động.

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bán hàng trực tuyến đã trở thành xu thế nở rộ trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, các chủ đầu tư bất động sản cũng tham gia sân chơi này như một hướng đi mới để cải thiện năng lực tiếp cận khách hàng, đa dạng hóa kênh phân phối và giảm chi phí môi giới.

Vinhomes, chẳng hạn, cho ra mắt nền tảng bán hàng trực tuyến với phương châm “Stay home - Buy home”. Nền tảng này được ứng dụng công nghệ cao, kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng theo quy trình 4 bước. Đáng chú ý, nền tảng cung cấp nhiều thông tin hơn về vị trí, quy hoạch, tài liệu bán hàng của các dự án mở bán, cũng như những chính sách khuyến mãi để người mua nhà có thêm cơ sở để so sánh lựa chọn.

Một chủ đầu tư khác cũng xây dựng mảng kinh doanh trực tuyến trong mùa dịch là Gamuda Land. Không chỉ phục vụ mục đích quảng cáo, công ty này cho biết đây còn là hệ thống thông tin liên kết trực tiếp với hệ thống bán hàng bất động sản, đảm bảo tương tác nhanh với năng lực đáp ứng hàng ngàn lượt truy cập vào một thời điểm.

Ảnh: Quý Hòa 

Một trong những chủ đầu tư tiên phong ứng dụng công nghệ vào khâu quản lý bán hàng là Sunshine Group. Doanh nghiệp này cho ra mắt ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh Sunshine App với mục tiêu cung cấp đầy đủ thông tin, công khai toàn bộ dữ liệu dự án, gắn kết với khách hàng, đồng thời cung cấp các khoản vay trực tuyến đối với người mua nhà có nhu cầu.

Trong những ngày giãn cách xã hội do COVID-19, việc các doanh nghiệp địa ốc gia tăng bán hàng trực tuyến là điều dễ hiểu, nhưng liệu điều này sẽ mở ra một trào lưu mới trên thị trường bất động sản? Và vai trò của nhà môi giới sẽ suy yếu?

Đứng ở góc độ là nhà môi giới cho các chủ đầu tư, ông Phạm Lâm, CEO của DKRA Vietnam, cho rằng xu thế các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, hoặc các ứng dụng di động chỉ là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ đang đi vào tất cả các ngóc ngách của bất kỳ lĩnh vực nào. 

“Không chỉ dừng lại ở việc bán hàng, các kênh trực tuyến, các ứng dụng còn hướng đến xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ cho cư dân của các nhà phát triển dự án lớn với số lượng lên đến vài trăm ngàn người sử dụng, thậm chí nhiều hơn. Chiến lược phát triển kênh trực tuyến, ứng dụng nhằm tăng thêm lợi thế cạnh tranh cho các nhà phát triển dự án”, ông nhận định.

Về phía khách hàng, họ có thể chủ động tiếp cận thông tin chính thống từ chủ đầu tư, giảm bớt khâu trung gian, sử dụng hiệu quả các chương trình, chính sách ưu đãi mà nhà phát triển dự án áp dụng cho khách hàng của mình.

Việc hạn chế tiếp xúc và giảm các sự kiện đông người do COVID-19 đã tác động đến cách thức bán hàng của sản phẩm nhà ở. Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, một số chủ đầu tư đã nhanh chóng có phương án bán hàng trực tuyến như sử dụng ứng dụng bán hàng, tài liệu bán hàng, phim thực tế nhà mẫu.... 

Ngoài hoạt động bán hàng, các hoạt động hỗ trợ sau bán hàng, đặc biệt là quản lý dự án, đang dần trở nên quan trọng hơn. Khi dịch bùng phát, người mua để ở và nhà đầu tư chú trọng nhiều hơn vào chất lượng quản lý dự án, theo hướng tăng cường giữ gìn vệ sinh chung và các yếu tố liên quan đến sức khỏe khác.

Nỗ lực phát triển thêm kênh phân phối của các doanh nghiệp bất động sản là cần thiết trong bối cảnh thị trường diễn biến không thuận lợi ngay trong các tháng đầu năm. Theo báo cáo của DKRA Vietnam, thị trường TP.HCM chỉ ghi nhận 7 dự án được mở bán trong quý I/2020, cung ứng khoảng 1.547 căn hộ, giảm 70% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 74% (khoảng 1.146 căn), giảm tới 74%. Đây cũng là quý ghi nhận nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015.

Nhưng thực tế, xây dựng kênh bán hàng trực tuyến không hề dễ dàng đối với phần lớn chủ đầu tư, nhất là những thương hiệu nhỏ lẻ, có quy mô khiêm tốn. Theo ông Phạm Lâm, DKRA Vietnam, như đối với các ứng dụng hệ sinh thái, doanh nghiệp phải có hệ sinh thái dịch vụ sẵn có với quy mô lớn và đa ngành nghề, đây là điều không phải nhà phát triển bất động sản nào cũng làm được. Thông tin chỉ có một chiều từ chủ đầu tư nên sẽ hạn chế khi so sánh, đối chiếu với các nhu cầu và có thể sẽ khó đáp ứng hết yêu cầu, thậm chí có nhiều thông tin thiếu khách quan nếu không được kiểm soát từ cơ quan chức năng. Hơn nữa, uy tín của chủ đầu tư là cực kỳ quan trọng đối với việc triển khai bán hàng trực tuyến và các ứng dụng.

Một vấn đề nữa là khuynh hướng chủ đầu tư tự phát triển kênh bán hàng trực tuyến cũng gây áp lực cạnh tranh cho các đơn vị môi giới. Dù vậy, vai trò của đơn vị môi giới vẫn khó bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Lý do là dù có kênh trực tuyến hay ứng dụng, nhà môi giới vẫn là cầu nối hiệu quả giữa chủ đầu tư/nhà phát triển dự án với khách hàng. Với chủ đầu tư, đơn vị môi giới là kênh đo lường thị trường bởi sự am hiểu nhu cầu thị trường và tâm lý người mua.

Với khách hàng, môi giới có thể hỗ trợ thông tin dự án, thủ tục giao dịch, pháp lý dự án, chính sách bán hàng, đồng thời tư vấn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng một cách khách quan nhất có thể.

Cơ hội cho các đơn vị môi giới vẫn rất lớn, nhưng chỉ dành cho những ai theo đuổi sự nghiệp lâu dài. Việc phát triển công nghệ số chắc chắn sẽ tác động lớn đến lĩnh vực môi giới và đây cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng người làm nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam. “Các đơn vị dịch vụ bất động sản cần nâng cao chất lượng nguồn lực và nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào chuỗi vận hành của doanh nghiệp, giúp nhân viên tăng hiệu suất, công ty tăng thêm thương hiệu tạo sự tin cậy cho khách hàng. Dù có những bước tiến công nghệ nhưng người môi giới vẫn luôn giữ vai trò chủ động và khách quan”, ông Phạm Lâm nhận định.

 

 

Link gốc

 

 

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bat-dong-san-len-mang-mua-dich-a32510.html