Cao ốc mọc trên đất vàng sau di dời: Thêm lời thật

 Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp phần lớn xây trung tâm thương mại, văn phòng, gây quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

 Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp phần lớn xây trung tâm thương mại, văn phòng, gây quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về công tác tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trên phạm vi cả nước.

Các tòa cao ốc lần lượt mọc lên sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp. Ảnh minh họa: Tri thức trẻ

Ngoài ra, kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với quy hoạch, dẫn tới việc đầu tư dàn trải, không đảm bảo đầu tư đồng bộ giữa nhà ở, khu đô thị, trụ sở… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.Nhiều vấn đề không mới tiếp tục được nhắc lại trong báo cáo lần này. Chẳng hạn, theo Bộ Xây dựng, công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị (theo các cấp độ và theo loại hình) tại hầu hết các địa phương thực hiện chưa đồng bộ.

Đồng thời, theo Bộ Xây dựng, vẫn thiếu một số công trình kết nối hạ tầng (nhất là giao thông) giữa đô thị và các địa phương lân cận, làm cho tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị và chất lượng sống của người dân.

Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng cho biết, việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành thành phố Hà Nội, TP.HCM triển khai chậm.

Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

Trước đó, tại báo cáo của Chính phủ gửi tới đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị tại kỳ họp hồi tháng 5/2019, Chính phủ cũng thừa nhận, một số cơ sở sau di dời được sử dụng quỹ đất này để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng nên chưa giải quyết được việc giảm tải áp lực về tập trung đông dân cư khu vực nội thành, việc sử dụng quỹ đất sau di dời này còn hạn chế.

Hàng loạt những dự án được điểm mặt như: dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân. Đây vốn là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất.

Cũng nằm ngay trên trục đường Nguyễn Tuân, trên khu đất 2,2ha sau khi bị thu hồi Công ty cổ phần dệt Mùa Đông đã được giao lại cho Công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông-VID, một công ty do chính công ty dệt Mùa Đông sáng lập, để thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng gồm 4 toà cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ.

Ngoài quận Thanh Xuân tình trạng sử dụng đất công nghiệp sau di dời cũng đã xảy ra ở các quận khác. Dự án Thăng Long Garden tại số 250 Minh Khai là một ví dụ điển hình tại quận Hai Bà Trưng.

Dự án bao gồm 2 tòa chung cư và 1 tòa văn phòng cho thuê được xây dựng trên 13.500 m2 đất sau di dời của Công ty cổ phần May Thăng Long. Có thể nói, đây là một dự án tai tiếng một thời bởi chủ đầu tư là Công ty May Thăng Long đã xây dựng thêm nhiều công trình vi phạm, bị cưỡng chế dỡ bỏ.

Bàn về thực trạng này, các chuyên gia cảnh báo, đất vàng sau khi di dời nhà máy thành cao ốc sẽ gây áp lực nặng nề lên hạ tầng, môi trường, đặc biệt là tình trạng ách tắc giao thông sẽ có nguy cơ xảy ra thường xuyên, hệ thống xả thải cũng phải gánh chịu áp lực rất lớn.

 

Thái An (tổng hợp) -  Theo Báo Đất Việt 

Link gốc

 

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/cao-oc-moc-tren-dat-vang-sau-di-doi-them-loi-that-a31977.html