Sở hữu trí tuệ không phải là vấn đề mới trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Song, các doanh nghiệp trên thực tế đã coi trọng vấn đề này hay chưa?
Nhiều chuyên gia cho rằng, ý tưởng công nghệ, sáng chế bị sao chép, đặc biệt là ở các start-up khởi nghiệp vẫn diễn ra. Vì vậy, ngày 26/4 - Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, là dịp để các doanh nghiệp nhìn nhận lại vấn đề này.
Thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020 được truyền tải đến xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân và các địa phương là “Đổi mới sáng tạo vì tương lai xanh” với tinh thần phòng chống, dịch COVID-19, giữ an toàn cho tất cả mọi người.
Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2020, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) hướng tới việc đổi mới sáng tạo vì tương lai xanh. Đây là một khởi đầu cho “lộ trình xanh” hướng tới chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường - một yêu cầu cấp bách hiện nay.
Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng các thành quả sáng tạo trong khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất.
Cụ thể như thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; xây dựng, quản lý và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành quả khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tạo lập, đăng ký xác lập quyền, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ… góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.
Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã hỗ trợ triển khai một số chương trình, dự án hiệu quả như: Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ, đã bảo hộ cho 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương, 600 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Chương trình đã hỗ trợ bảo hộ, áp dụng thực tiễn sáng chế cho 51 giải pháp kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Dự án mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC và IP-HUB) đã kết nối, thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Dự án tổ chức nhiều khóa tập huấn về tra cứu thông tin sáng chế và viết bản mô tả sáng chế cho các thành viên mạng lưới...
Hiện, gần 60 viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước đăng ký tham gia mạng lưới để được hỗ trợ quá trình đăng ký sáng chế thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ tiếp cận thông tin sáng chế chất lượng cao; trợ giúp tra cứu thông tin sáng chế; đào tạo tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp...
Đổi mới sáng tạo, sáng chế thời gian qua đã xuất hiện ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, địa phương. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ về phát triển bền vững nên các sáng tạo chủ yếu về tăng trưởng kinh tế mà chưa quan tâm tới yếu tố môi trường.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ Sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do.
Số liệu từ Cục này cho hay, hiện 80% doanh nghiệp khởi nghiệp chưa hiểu rõ tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp và có quá ít startup chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như biết cách quản trị thương hiệu. Bởi vậy, các startup rất dễ gặp khó khăn khi phải đối mặt với các tranh chấp, kiện tụng. Do vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo với sở hữu trí tuệ là rất quan trọng
Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco, trong lĩnh vực dược phẩm, có nhiều giá trị sáng tạo rất cần được bảo vệ. Nhưng hiểu biết về bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện nay ở Việt Nam chưa đầy đủ, dẫn đến nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật. Muốn phát triển bền vững, hội nhập, bản thân doanh nghiệp trước hết phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp cơ khí SKD Việt Nam, hiện nay vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn còn là “trở ngại” với doanh nghiệp. Bởi đơn vị này thực tế cũng chưa biết quy trình thủ tục đăng kí ở đâu, làm ra sao, những sản phẩm như thế nào có thể được đăng kí sở hữu trí tuệ. Điều này cũng do các thông tin về hỗ trợ quyền sở hữu trí tuệ đến với doanh nghiệp vừa và nhỏ còn quá ít.
Ông Đỗ Thiên Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, để giải quyết vấn đề này, trước hết cần hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ để giải quyết các đối tượng mới phát sinh và tăng cường hợp tác quốc tế.
Đối với cơ quan quản lý, thực thi quyền cần nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, xử lý đơn, chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, cần có hướng dẫn về quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ…
Nhiều chuyên gia cho rằng, rõ ràng, trong thời đại công nghệ, các sáng kiến, sáng tạo bùng nổ như hiện nay, các nhà sáng chế cần đăng ký bằng sáng chế cho sản phẩm của mình càng sớm càng tốt. Khi viết đơn đăng ký sáng chế, cần chú ý những vấn đề quan trọng, như phạm vi bảo hộ ngoài quốc gia để tăng khả năng và phạm vi được bảo vệ; đa dạng hóa một sáng chế ở nhiều định dạng hay biểu đạt bằng nhiều cách để tăng tối đa tính bảo vệ; lường trước những hoàn cảnh sử dụng sáng chế…
Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan chức năng đã và đang tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng, chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đây là kỳ vọng được thể hiện trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 với mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ...
Ông Đinh Hữu Phí cho hay, để Việt Nam có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích hơn cũng như tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để phục vụ phát triển kinh tế bền vững, cần có sự chung tay chung sức nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu trí tuệ mới được tạo ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường Internet.../.