Bị xử lý vi phạm xây dựng, chủ đầu tư vẫn cố tình xây thêm, không dừng thi công

Sau hơn nửa năm thực hiện Chỉ thị 23, số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM đã giảm, tuy vậy có trường hợp chủ đầu tư bị xử lý vi phạm vẫn cố tình xây thêm, không dừng thi công. 

Sau hơn nửa năm thực hiện Chỉ thị 23, số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM đã giảm, tuy vậy có trường hợp chủ đầu tư bị xử lý vi phạm vẫn cố tình xây thêm, không dừng thi công. 

Chiều 21/4, Thành uỷ TP.HCM vừa tổ chức hội nghị kết quả thực hiện Chỉ thị 23 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Theo ông Lê Hoà Bình – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, từ 15/12/2019 đến ngày 15/3/2020, sở tiếp nhận 8.356 trường hợp xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD), giảm 116 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện 21.850 lượt kiểm tra, phát hiện 179 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, có 99 trường hợp xây dựng sai phép và 80 trường hợp xây dựng không phép.

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố tiếp tục được kéo giảm, giảm 6,5 vụ/ngày so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 23, tỷ lệ giảm là 76,65%.

Bị xử lý vi phạm xây dựng, chủ đầu tư vẫn cố tình xây thêm, không dừng thi công
Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại dự án Picity High Park tại quận 12.  

Về tình hình kiểm soát vi phạm trật tự xây dựng tại các quận huyện, ông Hoàng Tùng – Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng theo hướng cho phép xử lý vi phạm ngay từ đầu như lập biên bản, ngừng thi công và buộc tháo dỡ hạng mục vi phạm.

Bởi theo Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, quy định hiện hành cho phép tổ chức, cá nhân có 60 ngày để hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về xây dựng. Tuy nhiên thực tế tại huyện cho thấy, trong 60 ngày thì các chủ đầu tư thường xây thêm hoặc cố tình vi phạm thêm chứ không dừng thi công.

Với huyện Bình Chánh, là điểm “nóng” về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, vi phạm xây dựng tại địa phương đã giảm nhưng còn đó nhiều vướng mắc về quy hoạch.

Cụ thể, nhiệm vụ quy hoạch huyện Bình Chánh được lập năm 2008 nhưng đến năm 2012 mới được phê duyệt, đến nay nhiều tiêu chí không còn phù hợp. Như dân số hàng năm của huyện tăng trên 40.000 dân nhưng các đồ án, dự án triển khai ít và quỹ đất ở hạn chế.

Ngoài ra, quy hoạch chung được duyệt năm 2012 và quy hoạch sử dụng đất có sự chênh lệch đến 1.800ha, do đó việc giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân gặp khó khăn. Phó Chủ tịch Bình Chánh kiến nghị, trong thời gian chưa điều chỉnh quy hoạch chung cho phép áp dụng một số cơ chế để giải quyết nhu cầu về sử dụng đất và xin cấp phép xây dựng cho người dân, hạn chế tình trạng vi phạm xây dựng.

Là địa phương được phát hiện có những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng quy mô lớn thời quan qua, ông Nguyễn Mạnh Cường – Bí thư Quận uỷ Thủ Đức kiến nghị Thành phố có cơ chế tăng cường cán bộ, công chức quản lý trật tự đô thị cho các địa bàn có nguy cơ cao có vi phạm. Đồng thời có phương án điều chỉnh quy hoạch đối với các khu vực quy hoạch “treo” trên địa bàn Thành phố.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Thành phố sẽ thường xuyên tăng cường quản lý trật tự xây dựng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Từng bước đưa vào quản lý chặt chẽ với phương châm “phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, xử lý nhanh, kiên quyết và theo quy định pháp luật”.

Ngoài ra, Thành phố còn tập trung hướng dẫn các quận huyện rà soát quy hoạch từng địa bàn và xác định một số nơi trọng điểm để đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Tiếp tục hoàn thiện quy định, quy trình cấp giấy chứng nhận và cấp phép xây dựng theo hướng rõ ràng, đơn giản, rút gọn; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan xử lý vi phạm.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Trần Lưu Quang cho rằng, Thành phố sẽ xử lý nghiêm minh, quyết liệt các đầu nậu, doanh nghiệp cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi, xử lý nhanh các vi phạm. Đồng thời xem xét có tình, có lý với những người dân đang có nhu cầu lớn về nhà ở.

Đối với những vụ việc vi phạm đã được chuyển sang cơ quan tố tụng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM cho biết Thành phố sẽ yêu cầu cơ quan tố tụng ưu tiên xem xét xử lý sớm những trường hợp này để tạo tính răn đe.

Trong năm 2019, cơ quan chức năng TP.HCM đã ban hành 2.262 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, có đến 1.330 quyết định chưa thực hiện xong.

Phương Anh Linh – Hồ Văn  /Nguồn Vietnamnet

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bi-xu-ly-vi-pham-xay-dung-chu-dau-tu-van-co-tinh-xay-them-khong-dung-thi-cong-a31504.html