Vì thế, nhiều người mua hiện nay ở trạng thái là mong giá BĐS giảm sâu để mua vào. Tuy nhiên, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, sự khó khăn của thị trường BĐS đã được dự đoán trước.
Người mua đừng hi vọng BĐS giá quá sâu để mua và cũng không nên kì vọng là thị trường BĐS sẽ trở lại nhanh. Với tình hình như hiện nay thì điều cần thiết là có kế hoạch chuẩn bị để thị trường có thể phục hồi trở lại. Với người mua khi cảm thấy giá hợp lý với kì vọng của mình là có thể mua vào chứ không nên chờ đợi việc giảm giá sâu mới mua.
Cũng theo ông Quang, hiện nay với những nhà đầu tư (NĐT) có năng lực tài chính yếu có thể xả hàng. Nguồn hàng xả là căn hộ trên 3 tỉ, đất nền trên 5 tỉ, nhà phố trên 10 tỉ… những sản phẩm này đa số là vay ngân hàng để sở hữu vì thế khả năng xả hàng sẽ cao. Giá bán ra có thể giảm 2-3% chứ không giảm nhiều.
Thậm chí, theo vị chuyên gia này, sau dịch Covid-19 giá BĐS có thể tăng ở mức 3-5%. Tuy nhiên việc tăng này là để chiết khấu, hỗ trợ cho khách hàng thêm các ưu đãi chứ không phải tăng theo giá cả thị trường. Do đó, thị trường BĐS sau dịch theo ông Quang, khó có hiện tượng giảm giá sâu nhưng người mua được hưởng lợi ở chỗ là nhận được nhiều ưu đãi từ phía chủ đầu tư.
Thậm chí khi giao dịch mua bán, một số chủ đầu tư sẽ cam kết mua lại sản phẩm từ khách hàng, vì sau thời điểm dịch bệnh các chủ đầu tư không mong muốn bán sản phẩm 100% mà chỉ muốn ổn định lâu dài, được khách hàng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu R&D DKRA Vietnam, nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân khiến giá BĐS nói chung không giảm như kỳ vọng. Kể từ cuối năm 2018 - 2019, dù thị trường có suy giảm so với trước đó, nhưng thực tế mức giá không hề giảm mà còn tăng lên một mặt bằng mới do áp lực từ nguồn cung bị giới hạn.
Bước sang quý 1/2020, do tình hình dịch bệnh, chưa có nhiều dự án mở bán để ghi nhận giao dịch nên mức giá chủ yếu vẫn duy trì như ở quý 4/2019, chưa thể xác định là giảm nên rất khó nói giá BĐS đã xuống đáy hay chưa ở giai đoạn này.
Theo các chuyên gia BĐS, hiện nay cả các nhà đầu tư hướng đến BĐS có khả năng khai thác dòng tiền cho thuê tốt. Còn với nhu cầu ở, khách hàng sẽ ít cân nhắc về thời điểm hơn mà tập trung vào chất lượng sản phẩm, giá cả, pháp lý và đặc biệt là yếu tố quy hoạch, không gian sống cùng với cam kết triển khai xây dựng và phát triển dự án của các chủ đầu tư.
Xu hướng của người mua vẫn hướng đến các sản phẩm được đầu tư bài bản và mang lại giá trị bền vững, đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng. Vì thế, có lẽ yếu tố giảm giá chưa hoàn toàn là yếu tố duy nhất để người mua quyết định “xuống tiền”.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian tới nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.
Thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và Tp.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao.
Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng không nhiều. Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh) buộc chủ đầu tư phải giảm giá để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, mức giá cũng không giảm sâu.