Vốn FDI vào bất động sản giảm mạnh

Trong quý I/2020, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS sụt giảm mạnh, toàn thị trường chỉ thu hút thêm được 264 triệu USD, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, từ vị trí thứ hai về thu hút đầu tư nước ngoài, BĐS tụt xuống vị trí thứ tư.

Trong quý I/2020, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS sụt giảm mạnh, toàn thị trường chỉ thu hút thêm được 264 triệu USD, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, từ vị trí thứ hai về thu hút đầu tư nước ngoài, BĐS tụt xuống vị trí thứ tư.

Thị trường “đóng băng”

Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) trong quý I/2020 và nửa đầu tháng 4/2020, thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng và bị rơi vào tình trạng “đóng băng”. Cụ thể, giao dịch mua bán nhà trong quý sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản.

Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS trong quý I/2020 giảm mạnh. (Ảnh: Doãn Thành).

Đã có đến 800 sàn giao dịch BĐS trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trong cả nước phải ngừng hoạt động. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI quý 1/2020 của cả nước đạt 8,55 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD, chỉ chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, tụt xuống vị trí thứ 4.

“Các doanh nghiệp BĐS và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các DN BĐS, nhất là trong lúc các DN vẫn phải duy trì lực lượng lao động” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trong 3 tháng vừa qua không chỉ hoạt động đầu tư, kinh doanh của các DN BĐS bị đình trệ, mà ngay cả việc thành lập mới DN cũng bị ảnh hưởng. Số DN kinh doanh BĐS tạm ngừng hoạt động tăng cao nhất, tăng 94,1%; đồng thời số DN BĐS thành lập mới giảm đến 12% (đứng thứ 2) trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước.

“Các DN thành lập mới sẽ mang đến một kênh vốn đầu tư hữu ích cho thị trường. Trong năm 2019, số lượng các DN thành lập mới cung cấp cho thị trường khoảng 80.000 tỷ đồng tiền vốn từ đăng ký vốn điều lệ. Với việc số lượng các DN thành lập mới giảm sút mạnh từ đầu năm đến nay sẽ làm mất đi một nguồn vốn tương đối lớn” – ông Lực nhìn nhận.

Giảm 30% lãi vay

Trước những khó khăn của thị trường, HoREA đã có văn bản gửi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành xem xét cho các DN BĐS được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

“Chúng tôi đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.

Cùng với việc giảm lãi, giãn tiễn độ trả nợ, lãi… HoREA cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Do Nghị định 41/2020/NĐ-CP “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất”, nhưng chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất; cho phép DN được giãn tiến độ 5 tháng đối với các khoản thu thuế phát sinh từ những bất hợp lý trong quá trình thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP mà doanh nghiệp chưa nộp, cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP (có hiệu lực), để giảm bớt khó khăn cho DN hiện nay.

Doãn Thành - Nguồn KTĐT

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/von-fdi-vao-bat-dong-san-giam-manh-a30914.html