VIB không còn là ‘chỗ dựa’ cho doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Mì 3 Miền?

Nhiều năm nay, mì 3 Miền và Uniben gắn liền với nhóm lãnh đạo VIB cùng nguồn vốn dồi dào từ nhà băng này. Tuy nhiên ở đợt phát hành trái phiếu vừa qua, VIB nhiều khả năng không còn tài trợ cho Uniben.

Nhiều năm nay, mì 3 Miền và Uniben gắn liền với nhóm lãnh đạo VIB cùng nguồn vốn dồi dào từ nhà băng này. Tuy nhiên ở đợt phát hành trái phiếu vừa qua, VIB nhiều khả năng không còn tài trợ cho Uniben.

Theo tin mới cập nhật, từ ngày 30/12/2019 đến 27/3, CTCP Uniben đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu.

Theo bản công bố, lô trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, là loại không chuyển đổi bằng VNĐ, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản và không phải nợ thứ cấp của Uniben.

Lãi suất cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên (12 tháng kể từ ngày phát hành) có mức khá rẻ, chỉ là 8,3%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho các kỳ sau đó khá cao, bằng mức tham chiếu cộng biên độ 4,4%, so với khoảng 3 – 3,5% hiện nay.

Những tưởng cái tên quen thuộc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tiếp tục là nhà tài trợ cho doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Mì 3 Miền ở đợt phát hành trái phiếu 500 tỷ đòng trên nhưng không, thay vào đó bên thu xếp cho đợt phát hành này là nhóm Techcombank – TCB.

Tuy nhiên, tài sản đảm bảo duy nhất cho lô trái phiếu được chú thích rõ là cổ phần VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam. “Giá trị tài sản, tổ chức định giá, cách tính được thực hiện theo quy định tại Bản công bố thông tin ngày 7/10/2019”, Uniben cho hay.

Cụ thể, ngày 27/3 vừa qua, Uniben đã đăng ký thế chấp 17 triệu cổ phần, tương đương 1,84% vốn VIB tại Techcombank.

Đáng chú ý là số cổ phiếu VIB này, tính tại ngày 27/3 chỉ có thị giá khoảng 230 tỷ đồng, thấp hơn nhiều giá trị lô trái phiếu. Nếu tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo là cổ phiếu thông thường từ 40 – 50%, thì Uniben phải thế chấp trên dưới 70 triệu cổ phiếu VIB mới đảm bảo tỷ lệ an toàn này.

Để tuân thủ các quy định, rất có thể trên thực tế, Uniben đã thế chấp nhiều hơn con số 17 triệu cổ phần đã công bố.

Đợt phát hành trái phiếu vừa qua, VIB nhiều khả năng không còn tài trợ cho Uniben

Về Uniben, công ty có trụ sở chính tại xã Bà Điếm, huyện Hóc Môn, TP HCM, nổi danh với thương hiệu Mì 3 Miền. Tiền thân của Uniben là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng, thành lập năm 1992. Đến tháng 9/2014, công ty chính thức đổi tên thành Uniben như hiện tại.

Dữ liệu cập nhật gần nhất đến ngày 19/7/2016, Uniben có vốn điều lệ là 900 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông chi tiết không được công bố, chỉ biết 38,59% vốn doanh nghiệp do Uniben Holdings (có địa chỉ tại Singapore) nắm giữ.

Để hiểu rõ mối quan hệ giữa thương hiệu mì 3 Miền và VIB, cần nhắc lại một cựu cổ đông lớn của VIB – là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra).

Nettra được thành lập tháng 4/2007, có vốn điều lệ ban đầu 1.200 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là ông Đặng Khắc Dũng, anh trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ, góp 774,5 tỷ đồng, chiếm 64,54% vốn; ông Đỗ Xuân Thụ, bố đẻ Thành viên HĐQT VIB Đỗ Xuân Hoàng góp 170,75 tỷ đồng (14,23%); Thành viên HĐQT VIB Đặng Văn Sơn góp 84 tỷ đồng (7%) cùng 1 cá nhân có tên Trần Chiến Thắng trú tại Ba Đình, Hà Nội góp 170,5 tỷ đồng (14,23%).

Netra ngay sau đó bắt đầu nắm giữ lượng lớn cổ phần của VIB. Và sau nhiều lần thay đổi vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông, vào đầu năm 2014 doanh nghiệp này tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và chuyển thành công ty con của Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Hưng (Viethung Food), mà nay chính là Công ty CP Uniben – chủ sở hữu nhãn hiệu mì 3 Miền.

Những năm vừa qua, VIB đã có một số khoản tín dụng giá trị lớn cấp cho công ty mẹ của Nettra là Viethung Food. Đáng chú ý, các khoản cho vay được chính Hội đồng quản trị VIB xét duyệt, đơn cử như với các Nghị quyết 23/2013, 91/2013, 102/2013, 16/2014…

Viethung Food không phải đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng đối với VIB. Nhưng đáng chú ý là mối quan hệ: VIB cấp vốn cho Viethung Food, để rồi Viethung Food lại sở hữu Netra – cổ đông lớn và là doanh nghiệp liên quan đến lãnh đạo cao nhất của VIB.

Lưu ý rằng Viethung Food trước chỉ có vốn 400 tỷ đồng, nhưng có thời điểm sở hữu 100% Netra có quy mô vốn gấp gần 4 lần – 1.500 tỷ đồng.

Thành lập từ năm 1992, công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng chỉ là một cái tên nhỏ bé trong lĩnh vực mì ăn liền, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nga và châu Âu.

Năm 2004, công ty này ra mắt thương hiệu 3 Miền với sản phẩm chủ lực là mỳ gói. Sau đó, thương hiệu Reeva ra đời với định vị cao cấp hơn.

Năm 2014, Việt Hưng đổi tên thành Uniben. Với vốn điều lệ 400 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 850 tỷ đồng, khi đó, Uniben Foods chiếm thị phần 17,7% trong ngành mỳ gói tại thị trường nông thôn, kém xa con số 30,3% của Acecook Việt Nam và 27,3% của Masan Consumer.

Sau khi tăng vốn lên 900 tỷ đồng, với tiềm lực tài chính gấp 2,5 lần trước đây, Uniben đã giành được thành công bước đầu trong trận chiến mỳ gói vốn bị thống trị bởi 3 ông lớn Vina Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.

Người đứng sau Uniben không ai khác chính là “người quen” của ông chủ đế chế hàng tiêu dùng Masan, đại gia mỳ gói Nga Đặng Khắc Vỹ.

Linh Nhi (t/h) - Theo ANTT

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vib-khong-con-la-cho-dua-cho-doanh-nghiep-so-huu-thuong-hieu-mi-3-mien-a30901.html