GS-TS-BS Phạm Kiên Hữu, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời: Có khoảng 60%-70% người trưởng thành bị chảy máu mũi ít nhất một lần trong đời. Chảy máu mũi thường ít gặp ở trẻ dưới 2 tuổi nhưng với trẻ từ 3-8 tuổi lại là nhóm có nguy cơ cao nhất. Chảy máu mũi thường xảy ra vào mùa lạnh làm khô niêm mạc mũi. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như tổn thương niêm mạc do ung thư, hay các bệnh u hạt, chấn thương mũi.
Chảy máu mũi có 2 loại, chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Chảy máu mũi trước xảy ra ở thanh thiếu niên thường do chấn thương (cạy mũi) và do tiếp xúc với môi trường nóng, khô. Chảy máu mũi sau thường xảy ra ở người trên 50 tuổi; ở nhóm tuổi dưới 50, đại đa số là nam giới và một số nữ giới do có hiện tượng giảm sút estrogen. Một số trường hợp thì không có nguyên nhân rõ ràng.
Chảy máu mũi được chia làm 2 nhóm: tại chỗ và toàn thân. Các yếu tố tại chỗ như chấn thương, dị vật mũi, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm xoang mạn tính, polyp mũi… Các yếu tố toàn thân như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh Willebrand (một bệnh chảy máu có tính di truyền), bệnh rối loạn đông máu (hemophilia), các bệnh gan, suy tim, giảm tiểu cầu, hóa trị, thiếu máu, thiếu sinh tố C và K, dùng thuốc aspirin, warfarin, các thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chống dị ứng...
Cách xử trí khi bị chảy máu mũi như sau: bóp chặt hai bên cánh mũi, phần chóp mũi mềm mại, không bóp trên phần xương sống mũi, với biện pháp này, tình trạng chảy máu mũi sẽ hết sau 10-12 phút. Có thể dùng thuốc co mạch tại chỗ (afrin hoặc rhinex) nhỏ vào mũi để làm ngưng chảy máu. Sau khi đã dùng các biện pháp trên nhưng mũi vẫn còn chảy máu thì nên đến các cơ sở tai mũi họng gần nhất để được khám và xử lý phù hợp.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bi-chay-mau-mui-do-dau-a30872.html