VEPR: Kịch bản lạc quan nhất, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,2% năm 2020

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế Việt Nam trong năm 2020, dựa trên khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 trong nước và thế giới, trong đó dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,2% theo kịch bản lạc quan nhất.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế Việt Nam trong năm 2020, dựa trên khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 trong nước và thế giới, trong đó dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,2% theo kịch bản lạc quan nhất.

Ngày 13-4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR, trực thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020. Do dịch bệnh Covid-19, buổi công bố được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của nhóm nghiên cứu và một số chuyên gia kinh tế.

Đại diện nhóm nghiên cứu và xây dựng báo cáo, PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, đánh giá mức tăng trưởng GDP 3,82% của Việt Nam trong quý I là tích cực so với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan ở quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên theo VEPR, mức tăng này chưa phản ánh hết tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như chưa tính đến các ảnh hưởng tác động với khu vực kinh tế phi chính thức.

VEPR: Kịch bản lạc quan nhất, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,2% năm 2020 - Ảnh 1.

Hàng không thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 - ảnh: Minh Phong

VEPR cũng xây dựng 3 kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2020, dựa trên khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới. Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, kịch bản thứ nhất xác định tác động xấu nhất của Covid-19 rơi vào quý II, khi đó nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý II.

"Bắt đầu từ quý III cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng những năm gần đây. Khi đó tăng trưởng kinh tế quý II là -3,3%, quý III là 7,2%, quý IV là 7,4% và cả năm là 4,2%" - PGS-TS Phạm Thế Anh cho hay.

Trong kịch bản thứ nhất, các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm trong quý II. Bên cạnh đó, các lĩnh vực vận tải, kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống, nghệ thuật, giải trí cũng chịu tác động mạnh.

Kịch bản thứ 2 xác định tác động xấu nhất của Covid-19 rơi vào quý II và quý III, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý III. Khi đó các mức tăng trưởng của các quý II, III, IV sẽ lần lượt là -4,9; -1,1; 7,0 và cả năm 1,5%. Kịch bản này cho rằng, bắt đầu từ quý IV cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây.

Kịch bản thứ 3 là kịch bản xấu nhất, khi tác động xấu của Covid-19 kéo dài tới tận quý IV, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý IV/2020. Với kịch bản này, mức tăng trưởng của quý II -5,1%; quý III là -5,3; quý IV bắt đầu phục hồi với mức tăng trưởng 2,8% và cả năm là -1,0%.

PGS-TS Phạm Thế Anh cho rằng trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.

Minh Chiến - Theo NLĐ
Link gốc

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vepr-kich-ban-lac-quan-nhat-kinh-te-viet-nam-tang-truong-42-nam-2020-a30002.html