Quý I/2020 đã đi qua, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh các chỉ tiêu doanh thu giảm từ 50% trở lên ở hầu hết các ngành nghề kinh tế. Cả thế giới đang nỗ lực dập dịch và tiếp theo đó là công cuộc chống suy thoái kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Theo diễn biến tình hình hiện nay có lẽ phải đến giữa hoặc gần cuối quý II/2020 tình hình dịch bệnh sẽ có hy vọng được kiểm soát và vì vậy một kịch bản hồi phục kinh tế sau đại dịch cần phải tính ngay từ bây giờ.
Trong hơn 200 nước bị dịch bệnh hoành hành, Việt Nam được xếp vào trong nhóm nước có mức độ kiểm soát tốt ngay từ giai đoạn đầu và giai đoạn 2 có bùng phát nhưng vẫn đang được tích cực kiểm soát. So với các nước khác, chúng ta ít bị thiệt hại hơn về con người nhưng thiệt hại về kinh tế là không tránh khỏi. Chúng ta có lợi thế đi trước các nước 1 bước về chống dịch vì vậy hãy biến điều này thành lợi thế và cơ hội tăng tốc trong 6 tháng cuối năm.
Việt Nam hiện nay đang được đánh giá tốt về công tác phòng chống dịch so với các tâm điểm dịch khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước châu Âu... Tuy nhiên chúng ta đang phản ứng chậm với mặt trận thứ 2 là chống suy thoái kinh tế.
Chúng ta đang phản ứng chậm với mặt trận thứ 2 là chống suy thoái kinh tế. |
Các gói hỗ trợ lãi suất, giãn giảm thuế đối với doanh nghiệp vừa được chính phủ ban hành trong tình huống doanh nghiệp đang dần kiệt sức cần phải trợ lực. Cần phải có đánh giá mức độ tác động đến các lĩnh vực kinh tế một cách đầy đủ kiểu bắt bệnh, từ đó có các giải pháp đủ mạnh để vực dậy nguồn lực cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình hồi phục sau dịch bệnh.
Bất động sản là một trong những lĩnh vực kinh tế đầu tàu liên đới với rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Thị trường bất động sản vốn đang gặp khó khăn do khủng hoảng pháp lý kéo dài dẫn đến lệch pha cung cầu rất lớn, nguồn cung khan hiếm, chi phí đầu vào tăng cao, thời gian triển khai dự án kéo dài gây lãng phí nguồn lực và đẩy giá thành tăng cao.
Các chủ đầu tư hiện nay buộc phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh của mình theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên yếu tố dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi sẽ qua đi, các doanh nghiệp buộc phải vào cuộc chuẩn bị cho cuộc đua chạy nước rút vào các quý cuối năm để bù lại những quý đầu năm.
Vấn đề lớn nhất để khai thông nguồn lực cho thị trường bất động sản vẫn là cơ chế chính sách phải được điều chỉnh và đổi mới toàn diện để khai thông nguồn lực xã hội, vực dậy thị trường bất động sản sau đại dịch vốn đã bị tổn thương rất nặng nề.
Cần một thông điệp quốc gia mạnh mẽ về quyết tâm khôi phục kinh tế và một kế hoạch kích cầu tổng lực vào cuối quý II hoặc quý III năm nay giúp thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cần có tổng chỉ huy trưởng trên mặt trận chống suy thoái kinh tế giống như trên mặt trận chống dịch. Có như thế chúng ta mới có hy vọng về một thị trường bất động sản khởi sắc hơn, đóng góp vào công cuộc hồi phục toàn nền kinh tế sau đại dịch của Chính phủ.
Thay vì “ngủ đông” chúng ta biến thời gian này thành kế hoạch hành động và chuẩn bị cho việc hồi phục sau đại dịch. Lịch sử đã chứng minh, sau mỗi thảm họa sức trỗi dậy lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
*Tác giả là CEO của Đại Phúc Land