Tại cuộc giao ban báo chí trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế vào chiều 10-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, quan trọng phục vụ việc truy vết, giám sát các ca bệnh; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong y tế, giáo dục.
Không chuyển đổi, khó phát triển
Trước đó, trong cuộc họp về tình hình thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính hồi đầu tháng 3-2020, Văn phòng Chính phủ cho biết hầu hết những dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được các bộ, ngành triển khai.
Từ ngày 13-3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 10 bộ và cơ quan ngang bộ phải kết nối ngay với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đến ngày 30-6 phải triển khai toàn bộ 19 dịch vụ công ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các hệ thống hội họp trực tuyến quy mô rộng lớn cũng đã vận hành thông suốt.
Trong khi đó, từ chiều 13-3, người dân và doanh nghiệp ở TP Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận đã triển khai đợt đầu việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, nộp thuế cá nhân, nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể kê khai, nộp thuế và thực hiện một số thủ tục của Kho bạc Nhà nước và tờ khai hải quan trên nền tảng quan trọng này.
Mới đây, khi phân tích về những giải pháp mà Việt Nam đang thực hiện để ứng phó dịch Covid-19, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định rằng nhiều biện pháp y tế cộng đồng đã nhanh chóng được triển khai hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của CNTT với tốc độ cao và sự lan tỏa rộng. Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu thế về mức độ người dân sử dụng điện thoại di động và mạng internet cao. Những thông tin và cảnh báo từ các cơ quan chức năng về việc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch thường xuyên được gửi cho người dân qua tin nhắn mạng di động và ứng dụng di động, cũng như cập nhật trên các trang web và mạng xã hội. Cơ quan chức năng cũng đã nhanh chóng phát triển, đưa vào sử dụng một số ứng dụng trên điện thoại để khai báo y tế, theo dõi tình hình dịch bệnh, kiểm soát thực hiện giãn cách xã hội...
Theo nhiều chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã và sẽ làm thay đổi nhiều thứ. Dịch bệnh gây ra nhiều thiệt hại nhưng mặt khác, nó cũng tạo nên những cơ hội.Ông Ousmane Dione cho rằng việc ứng phó dịch Covid-19 là chất xúc tác giúp Việt Nam chuyển đổi số nhanh hơn.
Chuyển đổi số chính là xu thế, là yêu cầu trong kỷ nguyên internet và công nghệ cao. Những gì xảy ra trong thời gian đại dịch Covid-19 càng cho thấy sự hữu dụng của chuyển đổi số. Khi chuyển đổi số giúp ích cho cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 thì qua đó, đòi hỏi chuyển đổi số phải tiến hành toàn diện hơn. Nhiều chuyên gia nhận định nếu tiếp tục duy trì hiệu quả ứng dụng CNTT như hiện nay, sau đại dịch, Việt Nam có nhiều lợi thế để phục hồi và phát triển đất nước về mọi mặt.
Ứng dụng đại trà
Ông Ousmane Dione cho rằng dịch Covid-19 là sự kiểm tra về việc ứng phó của tất cả hệ thống, từ cấp quốc gia cho tới cá nhân.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp, phương thức làm việc từ xa, làm việc trực tuyến trên internet được mở rộng đại trà. Đa số người lao động trước nay không biết làm việc online, giờ phải làm quen và nhập cuộc. WB đã ghi nhận người dân Việt Nam có thể thực hiện nhiều giao dịch trên mạng và họ tận dụng dịch vụ này triệt để hơn trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra.
Thời gian gần đây, số người đặt hàng trên các nền tảng, các trang thương mại trực tuyến bùng nổ, kéo theo doanh thu bán hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ lớn tăng vọt. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op ghi nhận doanh thu trực tuyến tăng gấp 5 lần trong tuần tiếp theo sau khi ca bệnh đầu tiên được ghi nhận hôm 23-1. Mục tiêu giảm bớt thanh toán bằng tiền mặt, chuyển sang thanh toán điện tử mà Chính phủ đề ra từ mấy năm trước đang vào giai đoạn tăng tốc giờ trở thành một nhu cầu bức thiết khi người dân gia tăng mua hàng trên mạng.
Ngày càng nhiều người nộp hồ sơ xin việc qua app Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Từ cuối năm 2019, Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ra mắt Trung tâm NH số để chuyên biệt hóa phát triển ứng dụng trong hoạt động NH. Theo đại diện BIDV, hoạt động NH số của NH này những năm qua đã đạt được kết quả ấn tượng với sự đa dạng cả về sản phẩm, dịch vụ lẫn các kênh phân phối hiện đại, tích hợp dịch vụ phi NH lên ứng dụng mobile, số hóa quy trình nghiệp vụ, phát triển hệ thống tự giao dịch E-zone... NH TMCP Quân đội (MB) áp dụng app MBBank phiên bản mới, giúp người dùng kết nối tài khoản của các thành viên trong gia đình, lập kế hoạch và quản lý chi tiêu hiệu quả.
Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết trong năm nay sẽ tập trung hỗ trợ các NH thực hiện chuyển đổi thẻ chip nội địa; tiếp tục nghiên cứu phát triển thẻ chip đa ứng dụng; bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ về phát triển kinh tế số, thúc đẩy thanh toán điện tử để người dân Việt Nam đều sử dụng thẻ trong thanh toán các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Nhằm tăng hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn, thời gian qua, TP HCM đã đẩy mạnh số hóa dữ liệu trên nhiều lĩnh vực như hộ tịch, hạ tầng đô thị, dân cư, doanh nghiệp... UBND quận 1 đã số hóa hồ sơ thông tin quy hoạch trên địa bàn, giấy phép xây dựng, kinh doanh - hộ kinh doanh cá thể, đăng ký khai tình hình sử dụng lao động... Thông tin về hộ tịch của khoảng 1 triệu người dân từng sống ở quận 1 từ năm 1954 đến nay cũng đã được số hóa. Nếu có nhu cầu sử dụng bản đồ và các dịch vụ công trực tuyến, người dân muốn trích lục thông tin hộ tịch của mình chỉ cần truy cập website www.quan1.hochiminhcity.gov.vn.
Chủ tịch UBND quận 1, ông Nguyễn Văn Dũng, cho biết quận đã triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến "tiếp nhận đăng ký không giấy" trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, lao động, tư pháp, đô thị, nội vụ và dịch vụ trực tuyến đăng ký tuyển sinh đầu cấp trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để "đăng ký giải quyết thủ tục hành chính" và gửi các thành phần hồ sơ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, quận còn số hóa dữ liệu, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của TP; triển khai hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, trong năm 2020, quận 1 sẽ tiếp tục triển khai nhiều hệ thống khác như xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm điều hành đô thị thông minh; nâng cấp hệ thống camera an ninh thông minh; hệ thống quảng bá du lịch thông minh; hệ thống cảnh báo cháy thông minh, hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng...để xây dựng hệ thống quản lý toàn diện, đồng bộ các cấp, ban, ngành trong công tác kết nối, theo dõi và hỗ trợ hiệu quả.
Quận Bình Tân, TP HCM cũng đang thực hiện 61 thủ tục trực tuyến mức độ 3 thuộc các lĩnh vực: kinh tế, y tế, lao động, môi trường, hộ tịch, xây dựng, thi đua - khen thưởng, giáo dục; 17 thủ tục trực tuyến mức độ 4 ở các lĩnh vực: môi trường, xây dựng, lao động, kinh tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đang triển khai dịch vụ công cấp độ 3, 4 ở 3 lĩnh vực: thành lập và hoạt động doanh nghiệp với 57 thủ tục; thành lập và hoạt động của doanh nghiệp xã hội với 4 thủ tục và đầu tư tại Việt Nam với 2 thủ tục...
Thách thức và cơ hội
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa có chỉ thị thứ hai về việc hiệu triệu tất cả doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cuộc sống diễn ra theo cách không tiếp xúc, hình thành một trạng thái bình thường mới. Chỉ thị nêu rõ dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đặt ra thách thức rất lớn cho tất cả các quốc gia nhưng cũng là cơ hội.
"Đây là cơ hội xuất hiện trong tình huống khó khăn để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận. Ông cho rằng thời điểm này là cơ hội hướng dẫn, từng bước phổ cập kỹ năng số cho đông đảo người dân - lực lượng chính sử dụng các dịch vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
Th.Dũng
Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng
Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyển đổi số nếu đúng hướng, chủ động triển khai sẽ thay đổi toàn diện cách thức vận hành doanh nghiệp, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng. Tuy nhiên, VCCI vẫn băn khoăn khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa sẵn sàng chuyển đổi số.
Theo một báo cáo mới đây của VCCI, doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy chiếm tới khoảng 98% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam song quá trình chuyển đổi số chưa diễn ra như kỳ vọng. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc chuyển đổi số. VCCI cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động trong quá trình chuyển đổi số để có cơ hội tiếp cận các mô hình, phương thức sản xuất - kinh doanh hiện đại.
M.Phong
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/day-manh-chuyen-doi-so-a29561.html