Báo cáo của nhóm G7 vừa cảnh báo rằng, các đồng tiền kỹ thuật số như Libra gây rủi ro cho hệ thống tài chính toàn cầu, BBC đưa tin ngày 14/10. Các loại tiền ảo như vậy gây ra 9 rủi ro lớn.
Theo báo cáo của G7, dù các đơn vị ủng hộ Libra giải quyết được các mối quan ngại, dự án phát hành cũng có thể không được các cơ quan quản lý chấp thuận.
Cảnh báo của G7 được đưa ra sau khi các hãng thanh toán lớn như Mastercard, Visa rút khỏi dự án Libra.
Nhóm lập báo cáo của G7 bao gồm quan chức cấp cao của các ngân hàng trung ương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban Ổn định tài chính (FSB) – cơ quan điều phối quy tắc, quy định đối với các nền kinh tế G20.
Họ nói rằng, các đồng tiền kỹ thuật số như Libra phải ổn về mặt pháp lý, bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm rằng chúng không được dùng để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Theo báo cáo của G7 (sẽ được trình bày trước các bộ trưởng tài chính tại cuộc gặp thường niên IMF trong tuần này), các loại tiền ảo như Libra có thể tạo ra nhiều vấn đề rắc rối.
Không giống các loại tiền ảo khác như Bitcoin, tiền kỹ thuật số giống như Libra được neo giá với các loại tiền phổ biến như đô-la, euro. Việc neo giá nhằm giúp hạn chế sự biến động quá lớn về giá trị của tiền ảo. Tuy nhiên, nó khiến các nhà lập chính sách phải tính toán về mặt tỷ giá.
Libra có thể khiến các nhà cung cấp các loại tiền ảo khác phải tính toán lại bài toán cạnh tranh, thậm chí Libra có thể đe dọa sự ổn định nếu người dùng đột nhiên phải đối mặt tình trạng “mất niềm tin” vào đồng tiền kỹ thuật số, báo cáo của G7 nêu.
“G7 tin rằng, không có dự án tiền ảo nào được hoạt động cho đến khi các nguy cơ và thách thức về pháp lý, quản lý và giám sát được giải quyết thỏa đáng”, báo cáo viết. Theo báo cáo, dù các tổ chức ủng hộ Libra giải quyết được các mối quan ngại của các chính phủ, ngân hàng trung ương, dự án này cũng chưa chắc được cấp phép.
Có thể hoãn phát hành Libra
Facebook đang đối mặt sức ép ngày càng tăng đối với dự án tiền ảo của hãng.
Một báo cáo của FSB (công bố hôm 13/10) cảnh báo rằng, việc tung ra các loại tiền ảo kiểu như Libra sẽ gây ra nhiều thách thức về mặt quản lý. Trong một bức thư gửi các bộ trưởng tài chính G20, chủ tịch FSB Randal Quarles cho rằng, những thách thức này “phải được ưu tiên đánh giá và giải quyết”.
FSB đang làm việc với các quan chức khắp thế giới để xác định các khoảng trống quản lý có thể có và sẽ công bố báo cáo chi tiết về vấn đề này vào mùa hè sang năm.
Facebook nói rằng việc soi xét về mặt quản lý có thể làm trì hoãn, thậm chí cản trở việc phát hành Libra.
Hiệp hội Libra, bao gồm Facebook sẽ tổ chức họp ban quản trị tại Geneva ngày 14/10. Giống Mastercard và Visa, Stripe, eBay và Paypal cũng đã rút khỏi dự án Libra. Trong khi đó, các hãng gọi xe công nghệ như Uber, Lyft… ủng hộ dự án này.
Và báo cáo của G7 cũng công nhận rằng, tiền ảo có khả năng đem lại một cách thức nhanh hơn, rẻ hơn để chuyển tiền và thanh toán. Hệ thống hiện nay thường “chậm, đắt và không minh bạch”. Hiện có 1,7 tỷ người tiêu dùng chưa được sử dụng các dịch vụ tài chính-ngân hàng.
Tiền Phong
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/suc-ep-voi-tien-ao-cua-facebook-gia-tang-a2941.html