Thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc 1/4 chặng đường của năm 2020 theo cách mà không nhiều nhà đầu tư ngờ tới. Thị trường tăng tốt trong khoảng gần 1 tháng đầu tiên, nhưng lao dốc rất mạnh ở giai đoạn ngay sau đó do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Kết thúc quý I, VN-Index đứng ở mức 662,53 điểm, tương ứng giảm 31,06% so với cuối năm 2019, với mức giảm này của VN-Index, Việt Nam đã lọt vào top 10 thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.
Bên cạnh đó, hai chỉ số là HNX-Index và UPCoM cũng không tránh khỏi xu hướng lao dốc chung. HNX-Index có mức giảm khiêm tốn hơn, với 9,32% xuống 92,64 điểm. UPCoM-Index cũng giảm ít hơn với 14,8% xuống 47,74 điểm.
Bên cạnh vấn đề đại dịch, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề bởi áp lực rút ròng từ khối ngoại trước những rủi ro của thị trường. Khối ngoại bán ròng đến hơn 10.007 tỷ đồng trên toàn thị trường. Riêng tại sàn HoSE, khối ngoại bán ròng lên đến 8.705 tỷ đồng, còn sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng đến 1.160 tỷ đồng.
Việc thị trường lao dốc mạnh trong tháng 3 đã khiến Việt Nam có mức định giá thấp nhất trong khu vực. Báo cáo mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) chỉ ra rằng, gần 60% cổ phiếu có mức P/B dưới 1.0 lần trong đó. Đồng thời, mức P/E forward của chỉ số VN-Index và VN30 tại ngày 01/04/2020 là 10.0x và 8.1x, đây cũng là mức P/E thấp nhất trong khu vực (thậm chí thấp hơn TTCK Trung Quốc và Hàn Quốc) cho thấy TTCK Việt Nam đang trở nên rất hấp dẫn.
Thực tế trên thị trường cũng cho thấy sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi giảm rất sâu trong thời gian ngắn. Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), có hơn 2,4 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước tại ngày 31/3/2020, tăng 31.949 tài khoản so với tháng trước. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng 2 năm qua và chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân với 2,39 triệu tài khoản, tăng 31.832 tài khoản so với tháng trước, trong khi lượng tài khoản nhà đầu tư tổ chức chỉ là 10.355 (tăng 117 tài khoản).
Như vậy có thể thấy, việc nhà đầu tư trong nước mở mới tài khoản một phần do đã nhận thấy sự hấp dẫn của nhiều cổ phiếu tốt nhưng đã có mức giảm rất sâu vừa qua.
Vậy thị trường chứng khoán tháng 4 sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp?
Nhà đầu tư đã có thể phần nào thở phào khi thị trường hồi phục tốt trở lại ngay trong những phiên đầu tháng 4 với lực cầu mạnh mẽ. Tính đến hết phiên 8/4, VN-Index đã tăng 12,9% so với tháng trước. Nhà đầu tư được chứng kiến trở lại thời khắc hàng loạt cổ phiếu trụ cột đua nhau tăng trần. VN-Index trong phiên 6/4 có mức tăng mạnh nhất trong vòng 19 năm qua với 4,98%.
Tuy nhiên, triển vọng thị trường vẫn còn gặp khá nhiều trở ngại. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, rủi ro của thị trường vẫn ở mức cao nhưng đã phần nào giảm xuống so với trước đó. VDSC kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục đồng điệu với thị trường thế giới, trong khi đơn vị này cũng dự báo thị trường Mỹ có xác suất cao sẽ giảm trở lại mặc dù đã hồi phục mạnh trong thời gian qua. Hơn hết, sự lây lan của dịch bệnh vẫn còn là một ẩn số, do đó, kịch bản thị trường dao động mạnh ở vùng điểm thấp vẫn được bảo lưu. Vùng điểm dao động trong tháng 4 của VN-Index được VDSC kỳ vọng ở mức 630 - 750.
Với Chứng khoán BIDV (BSC), đơn vị này dự báo giao dịch của VN-Index trong quý II sẽ giằng co và hồi phục dần, vùng vận động giá chỉ số từ 600 - 800 điểm. Trong tháng 3, VN-Index dự báo giao dịch giằng co trên 635 điểm trong vài tuần đầu tháng 4 và có xu hướng hồi phục rõ ràng vào nửa cuối tháng 4.
Diễn biến dịch bệnh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, cũng như các chính sách hỗ trợ kinh tế quyết định tới cao độ và trường độ của đợt hồi phục. Trong trường hợp tích cực, BSC dự báo VN-Index tích lũy trên 635 điểm và có thể tăng dần cuối tháng 4 khi có thông tin hỗ trợ. Còn với trường hợp tiêu cực, VN-Index tiếp tục dò đáy trong vùng tích lũy 535 - 635 kéo dài từ 2014 - 2016 nếu diễn biến dịch bệnh tiêu cực và áp lực thoái vốn từ khối ngoại.
Có cái nhìn tích cực nhất về thị trường trong tháng 4, YSVN dự báo VN-Index có thể tăng về vùng giá 778 - 810 điểm và chỉ số này vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn từ năm 2009. Tuy nhiên, nếu VN-Index xuyên thủng vùng 600 - 640 điểm, thì xu hướng giảm dài hạn có thể được xác lập.