“Giằng co” thông tin giải chấp
Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán đã bị phủ sóng bởi những thông tin xám xịt, đặc biệt là đối mặt với tình trạng bán giải chấp, trong đó có cổ phiếu của nhóm bất động sản. Đầu tiên, ngày 23-3, Công ty Chứng khoán HDB đã ra thông báo bán giải chấp 3 triệu cổ phiếu ROS của ông Trịnh Văn Quyết, từ 24-3. Ngay sau đó, Tập đoàn FLC cho biết, tiền đã được chuyển bổ sung vào tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết. Do vậy, HDB đã hủy thông báo bán giải chấp chứng khoán với cổ phiếu ROS.
Thế nhưng, không chỉ là tin đồn, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam thông báo về việc giải chấp 3,15 triệu cổ phiếu của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (HBC). Thời gian bán giải chấp từ ngày 31-3. Sau đó, trưa 1-4, Công ty TNHH Chứng khoán đã thông báo hủy bán giải chấp 3,15 triệu cổ phiếu nói trên, vì ông Hải đã hoàn thành nghĩa vụ ký quỹ bổ sung.
Từ đầu năm đến cuối tuần qua, thị giá HBC giảm hơn 36%, từ hơn 10.600 đồng xuống 6.420 đồng, giảm giá thấp nhất từ trước tới nay. Đây là vùng giá thấp nhất trong gần 4 năm trở lại đây của cổ phiếu này. Ngoài ra, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng phát đi thông báo về việc bán giải chấp hơn 2,5 triệu cổ phiếu LDG do ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư LDG, kể từ ngày 31-3.
Sẽ bước vào chu kỳ mới?
Sở dĩ làn sóng bán cổ phiếu giải chấp tăng mạnh, theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Bình, là do thị giá giảm dưới giá nhà đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tài chính. Khi giá cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng cho phép, nhà đầu tư không bổ sung thêm tiền để giữ giá, lúc đó bắt buộc bên nắm giữ cầm cố phải xả hàng để thu hồi vốn đã cho vay. “Với hai phiên khởi sắc tăng mạnh vừa qua cho thấy, dòng tiền cực lớn sẵn sàng bắt đáy thị trường bất kể lúc nào, nếu có thông tin tích cực”, anh Nguyễn Bình nhận xét.
Đối với lĩnh vực bất động sản, thông tin phấn khởi liên tiếp xuất hiện; đó là ngày 3-4, trong công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm một số ngành, trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản vào đối tượng được gia hạn (dự kiến tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng). Trước đó, Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho tất cả trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, do ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch. Trường hợp doanh nghiệp bất động sản đến ngày 30-6-2020 chưa khôi phục sản xuất, sẽ xem xét miễn các tháng còn lại của năm 2020. Đối với việc nộp tiền sử dụng đất, cho phép nộp chậm 6 tháng, kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất; đồng thời xem xét giảm tiền tương ứng với 6 tháng sử dụng đất…
Đối với sản xuất kinh doanh, gói hỗ trợ doanh nghiệp (theo Công ty Chứng khoán SHS) trước đó, cùng hai gói hỗ trợ, gồm một gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và một gói hỗ trợ giảm thuế, phí 30.000 tỷ đồng, khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chịu tác động tiêu cực từ dịch, sẽ được thụ hưởng. Nhìn chung, các liều đô-ping cho nền kinh tế đang bắt đầu có tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán. Đại diện Công ty Chứng khoán SHS kiến nghị: “Các nhà đầu tư chứng khoán luôn là đối tượng phải chịu ảnh hưởng trực tiếp mỗi khi nền kinh tế có biến động, vì thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế. Việc nhà đầu tư chứng khoán cần được hưởng nguồn vốn ưu đãi từ Nhà nước để có thể trụ lại với thị trường, nhất là thị trường khốc liệt khi bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 thời gian qua, là hết sức cần thiết”.
Công ty Chứng khoán MBS: Giảm phí, giảm lãi vay cho nhà đầu tư
Nếu các ngân hàng cứ áp dụng lãi vay thương mại cho công ty chứng khoán như hiện nay thì nhà đầu tư sẽ chịu áp lực kép: giá cổ phiếu giảm mạnh, lãi margin cao, rất khó để trụ lại và đi lâu dài với thị trường. Các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cần được nhà quản lý giảm phí. Việc xem xét miễn, giảm thuế, phí giao dịch, thu nhập từ đầu tư chứng khoán nhằm tiếp sức cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập… cũng cần được xem xét! |
Ông Lê Hải Trà - Phụ trách Hội đồng quản trị Sở GDCK TPHCM (HoSE): Giải pháp tài sản đảm bảo ký quỹ hỗ trợ thị trường
HoSE vừa kiến nghị một số giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường cổ phiếu vượt qua giai đoạn khó khăn do chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, cũng như hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Trong đó, việc xem xét cho sử dụng tài sản đảm bảo ký quỹ là một trong những giải pháp căn cơ hỗ trợ thị trường cổ phiếu.
Chu kỳ thanh toán của TTCK Việt Nam là T+2 với mô hình giao chứng khoán đồng thời thanh toán tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường đang được vận hành theo mô hình đặt lệnh mua - bán khi đã ký quỹ đủ tiền, chứng khoán trên tài khoản giao dịch chứng khoán. Do TTCK Việt Nam chưa có tổ chức thanh toán bù trừ chính thức, có thể áp dụng những cơ chế quản lý rủi ro thanh toán tiên tiến, cũng như các hỗ trợ như giao dịch thấu chi và yêu cầu phải đảm bảo đầy đủ tiền trước khi giao dịch. Điểm hạn chế của cơ chế này là quay vòng vốn không tốt, gia tăng chi phí cơ hội hoặc chi phí tài chính cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Với đặc điểm giao dịch không hủy ngang (locked-in trade) trên thị trường cổ phiếu Việt Nam, chứng khoán, tiền của lệnh giao dịch sau khi được khớp đã là phần tài sản đảm bảo quan trọng cho giao dịch. Vì vậy, yêu cầu phải ký quỹ 100% bằng tiền, ngay tại thời điểm đặt lệnh giao dịch, là trở ngại lớn đối với hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư và tính thanh khoản của thị trường. Thực tế cho thấy, một nhà đầu tư có 10 tỷ giá trị cổ phiếu thuộc rổ VN30 trong tài khoản, thị trường giảm điểm và họ muốn mua bắt đáy nhưng lại hết tiền đặt lệnh nên không thể giao dịch. Trong khi đó, 10 tỷ là khối lượng tài sản lớn, lại trở nên vô nghĩa trong trường hợp này. Như vậy, vô hình trung, giá trị của tài sản tài chính bị phủ nhận.
Hiện TTCK Việt Nam đã sử dụng tài sản đảm bảo cho TTCK phái sinh. Do đó, đây không phải là công cụ mới hoàn toàn đối với TTCK Việt Nam và cũng nên được cân nhắc xem xét áp dụng trên thị trường cổ phiếu. Tương tự như giao dịch cho vay ký quỹ (margin), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ công bố danh sách chứng khoán đủ điều kiện làm tài sản đảm bảo và các tỷ lệ chiết khấu tương ứng. Trên cơ sở đó, công ty chứng khoán căn cứ vào tài sản của nhà đầu tư đang có trong danh mục và tỷ lệ chiết khấu để xác nhận khả năng thanh toán tại ngày thanh toán T+2; từ đó xác định mức yêu cầu ký quỹ đảm bảo tại thời điểm đặt lệnh. Trong trường hợp tại ngày thanh toán T+2, nhà đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ của mình thì tài sản đảm bảo sẽ được xử lý để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. Bên cạnh các mục tiêu, giải pháp mang tính dài hạn cho thị trường, nên sớm xem xét, đánh giá giải pháp tài sản đảm bảo như là một biện pháp kỹ thuật cơ bản giải quyết gánh nặng ký quỹ bảo đảm trong giao dịch cổ phiếu. (MINH HUY)