Thời gian vừa qua Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Công thương đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp cung cầu, bình ổn giá thịt heo. Đáng chú ý, 15 doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi đã cam kết đưa giá thịt lợn từ hơn 80.000 đồng/kg lợn hơi về giá 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường giá thịt lợn vẫn ở mức cao và không có dấu hiệu giảm rõ rệt như kỳ vọng. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng phải phàn nàn giá thịt chỉ rẻ... trên ti vi. Lý
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có những lý giải bên lề Hội nghị trực tuyến chiều 7/4.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị trực tuyến ngày 7/4. Ảnh: Báo Nhân Dân
Theo ông Cường, nguyên nhân quan trọng đầu tiên khiến giá thịt lợn tại các chợ và siêu thị tăng cao như hiện nay là do dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 gây thiếu hụt nguồn cung.
Nông nghiệp Việt Nam đã bị thiệt hại mất 20% về số lượng và 9,3% về khối lượng thịtheo. Bộ NN&PTN đã chủ trương kết hợp cùng địa phương tập trung cho tái đàn, tuy nhiên nhận định đến quý III và đầu quý IV Việt Nam mới đạt được số lượng đàn lợn bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.
Để đáp ứng nguồn cung thiếu hụt trong nước, vừa qua chúng ta đã nhập khẩu thịt lợn từ Nga. Tuy nhiên việc nhập khẩu chưa đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 27/3, cả nước mới chỉ nhập khẩu hơn 39.000 tấn trong khi chỉ tiêu là 100.000 tấn. Tới đây sẽ phải tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt lợn trong chừng mực ngắn hạn nhất định còn thiếu để bảo đảm cho thị trường.
Giá thịt lợn tại các chợ và siêu thị vẫn còn rất đắt đỏ. Ảnh: Internet
Về 15 doanh nghiệp đồng hành cùng với Bộ NN&PTNT cam kết từ ngày 1/4 đưa giá lợn xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi, tuy đây đều là các doanh nghiệp lớn nhưng lượng lợn chưa đủ để chi phối thị trường. 15 doanh nghiệp trên chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Như vậy, trên 65% thị phần còn lại thuộc về các đơn vị không cam kết giảm giá.
Bên cạnh đó, dù giá lợn hơi có giảm nhưng để miếng thịt đến với tay người tiêu dùng còn phải qua rất nhiều khâu trung gian, nhất là từ khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ. Với mỗi khâu như thế, người tiêu dùng phải trả thêm khoảng 8-10%. Chính vì vậy, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng có cách biệt khá xa so với giá lợn xuất chuồng, người tiêu dùng chưa được hưởng mức giá xuống thấp như kỳ vọng.
Hiện Bộ NN&PTNT vẫn đang nỗ lực vào cuộc, quyết liệt trong việc giảm giá thịt lợn, không để mặt hàng thiết yếu tiếp tục có mức giá quá đắt đỏ như hiện nay. Đặc biệt, Bộ sẽ tập trung vào biện pháp gốc rễ, đó là tích cực tăng đàn, tái đàn nhanh nhất có thể.
Kiều Đỗ - Theo Sức Khỏe Cộng Đồng