Kịch bản nào cho thị trường bất động sản Quý 2/2020?

Thị trường bất động sản quý I/2020 đang chứng kiến hiện tượng “ngủ đông” tại hầu hết các phân khúc.

Thị trường bất động sản quý I/2020 đang chứng kiến hiện tượng “ngủ đông” tại hầu hết các phân khúc.

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nghỉ Tết Canh Tý kéo dài cộng với tình hình dịch bệnh COVID-19 liên tục diễn biến phức tạp cũng như việc tạm ngưng cấp visa đối với toàn bộ người nước ngoài vào Việt Nam… là nguyên nhân khiến thị trường 3 tháng đầu năm rơi vào tình cảnh khó khăn.

Thị trường ảm đạm

Ông Đính dẫn chứng thêm, trong Quý I thị trường bất động sản phải đối mặt với những khó khăn từ chính sách: Các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án bất động sản chưa được tổ chức triển khai thực hiện triệt để tại các địa phương khiến nguồn cung sản phẩm bất động sản ra thị trường tiếp tục khan hiếm.

Thông tư số 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020 đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản... khiến thị trường càng thêm ảm đạm. 

Dù đang phải đối mặt với khó khăn nhưng thị trường bất động sản vẫn có những yếu tố thuận lợi riêng. Đó là Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ một phần các vướng mắc của Luật trong thủ tục dành cho phát triển dự án bất động sản tại các địa phương. Theo đó, việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức có văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc cấp sổ cho Condotel. Ngoài ra, Thông tư số 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (QCVN 04:2019/BXD) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Theo đó, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư sẽ không nhỏ hơn 25m2 đối với dự án nhà ở thương mại.

Đáng chú ý, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Nhà nước đã có một số chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo gia hạn nộp thuế, miễn tiền thuế chậm nộp đối với doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh.

Nguồn cung tiếp tục khan hiếm

Trong quý 2/2020, đại diện Hội Môi giới dự báo thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều. Phần lớn giao dịch sẽ chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu thực của người dân vẫn ở mức cao.

Nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn không nhiều, kịch bản hiếm hàng mới tiếp tục kéo dài. Giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều.

Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm (cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh). Thực tế này sẽ gây nên áp lực vốn cho các dự án buộc chủ đầu tư phải giảm giá.

Ông Đính cho rằng thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP.HCM. Với diễn biến hiện tại, giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.

Ở mỗi địa phương, rất có thể tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước. Giá bán nhà đất và đất nền phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương.

Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngược lại, khu vực nào đang tồn nhiều hàng và tốc độ phát triển kinh tế, đô thị không tương xứng thì giá bán có thể giảm.

Về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Đính cho rằng quý 2/2020 có thể vẫn diễn ra trạng thái “ngủ đông” đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bởi đây vẫn là giai đoạn chưa kết thúc các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

“Nếu đến tháng 5 và tháng 6, Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể sẽ thức tỉnh và có sự khởi động” – ông Đính khẳng định.

 

LINH NHI - Theo diendanbatdongsan.vn

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/8-dung-can-lam-trong-giai-doan-chuan-bi-khoi-nghiep-a28812.html