Trước những bất ổn của nền kinh tế thế giới, trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến làn sóng “tháo chạy” của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ quay lại mua ròng trong quý 4 tới.
Báo cáo của các công ty chứng khoán mới đây cho thấy, trong tháng Tám vừa qua, khối ngoại bán ròng với giá trị lớn nhất kể từ đầu năm nay trên cả sàn Thành phố Hồ Chí Minh và sàn Hà Nội.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trên sàn trong tháng Tám vừa qua với hơn 1.600 tỷ đồng.
Cùng lúc đó, dòng tiền ETFs (Quỹ hoán đổi danh mục) cũng ghi nhận bị rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, đặc biệt tới từ VFMVN30.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong tháng Tám vừa qua, khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE giá trị lên đến 1.706 tỷ đồng, với 173 cổ phiếu bị bán ròng và 150 cổ phiếu được mua ròng.
Khối ngoại bán mạnh các mã VJC (1.021 tỷ đồng), HPG (521 tỷ đồng), VRE (247 tỷ đồng), VCB (162 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, nhóm này tập trung bán ACB (89 tỷ đồng), VCS (68 tỷ đồng)…, với giá trị rút ròng là 221 tỷ đồng
Tháng Tám vừa qua cũng là thời điểm các quỹ ETF rút ròng nhiều nhất. Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, giá trị rút ròng của các quỹ lên tới hơn 50 triệu USD trong tháng Tám vừa qua.
Cụ thể, quỹ Vaneck Vectors rút ròng 11 triệu USD; FTSE rút 14,5 triệu USD; KIM rút 3,5 triệu USD và VFMVN30 rút ròng lên đến 24 triệu USD. Trong khi đó, lượng tiền vào qua quỹ mới Premia là không đáng kể, chỉ 0,8 triệu USD.
Dù vậy, khác với tháng Năm năm nay khi VN-Index mất tới 2% giá trị, thanh khoản thị trường tháng Tádm vừa qua có sự cải thiện và lực cầu trong nước đã giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ nhà đầu tư ngoại. Nổi bật trong nhóm được mua ròng là VIC (1.056 tỷ đồng) và CMG (212 tỷ đồng)…
Theo các chuyên gia, hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong tháng Tám năm nay không chỉ xuất hiện ở thị trường Việt Nam mà cả các thị trường châu Á khác; trong đó, thị trường Việt Nam có lượng bán ròng ít nhất.
Ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm gia tăng những bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu. Đây là một lý do dẫn đến sự biến động mạnh ở các thị trường chứng khoán Mỹ, đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ trở nên bằng phẳng và giá kim loại quý (vàng, bạc) tăng lên.
Điều này cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm những kênh trú ẩn an toàn; đồng thời phản ánh bởi sự tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi trọng yếu. Họ thậm chí đang bán mạnh chứng khoán Việt Nam điều này cũng cho thấy sự e ngại của họ trước những rủi ro.
Tuy nhiên, không giống các thị trường mới nổi khác, dòng tiền của các quỹ ETF tại Việt Nam vẫn có giá trị dương, khoảng 249 triệu USD (tính trong 8 tháng năm nay) so với cùng kỳ năm ngoái.
Thêm vào đó, trong 6 tháng đầu năm nay, dòng tiền của các quỹ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam rất lớn. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn tích cực vào thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Bối cảnh vĩ mô tích cực và khả năng duy trì đồng Việt Nam đồng ổn định dường như là điểm cộng để Việt Nam thu hút dòng tiền dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Matthew Smith, mặc dù các vấn đề chiến tranh thương mại chưa chắc sẽ sớm được giải quyết, tuy nhiên dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam có thể sẽ được cải thiện vào cuối năm nay. Nhất là khi các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang của Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế trì trệ.
“Hiện nhiều quỹ đang nắm giữ lượng tiền mặt rất lớn, có thể trong quý 4 tới họ cần mang đi đầu tư để cân đối danh mục đầu tư. Do vậy, nhiều khả năng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại thị trường Việt Nam vào quý 4 tới và là đối tượng mua ròng chứ không phải bán ròng,” vị chuyên gia này nhận định.
Mặt khác, việc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) mới công bố bộ quy tắc xây dựng 3 chỉ số mới là Vietnam Diamond Index, Vietnam Leading Financial Index và Vietnam Select Sector Index được nhận định sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường rất lớn trong thời gian tới. Đặc biệt, Vietnam Diamond Index là một trong những phương án giúp thu hút vốn từ khối ngoại, nhất là với những cổ phiếu đã hết room ngoại.
Theo VDSC, bộ chỉ số Vietnam Diamond Index hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài, vì các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu thành phần có thể giải tỏa phần nào nhu cầu sở hữu cổ phiếu tốt nhưng đã chạm giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Sự ra đời của các quỹ ETF mô phỏng các rổ chỉ số mới này có thể giúp thị trường thu hút dòng tiền mới từ nước ngoài. Điều này có thể cần thêm vài tháng để thực hiện.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu khó có thể quay lại mức cao như giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018. Bởi lẽ, chính sách thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng như các lĩnh vực kinh doanh có nhu cần vốn dài hạn khiến kênh trái phiếu doanh nghiệp, với mức lãi suất dao động 11-14,5%, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn so với cổ phiếu.
Cộng thêm những rủi ro ngoại tác động theo vòng xoáy thương chiến Mỹ-Trung khiến vàng trở thành kênh trú ẩn đối với những nhà đầu tư thận trọng.
Chiến lược giao dịch lúc này được các chuyên gia khuyến nghị nên tập trung vào nhóm kín room, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài và khối ngoại bán ròng. Do vậy, cơ hội đầu tư là các cổ phiếu đơn lẻ, thu hút được dòng tiền trong những tuần vừa qua như bán lẻ, logistics, sản xuất và phân phối điện.../.