Trong danh sách hơn 500 doanh nghiệp nợ thuế vừa được Cục thuế TP.HCM công khai, nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng ở tốp đầu và điểm chung là đều sa lầy ở các dự án nhà ở.
Cục thuế TP.HCM vừa công khai thông tin 535 doanh nghiệp nợ thuế kỳ 1/2020 với tổng số tiền nợ là 3.186 tỷ đồng. Trong tốp đầu nợ thuế có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS và hầu hết đây là những chủ đầu tư bị sa lầy tại các dự án khu dân cư, nhà ở.
Một trong những doanh nghiệp BĐS “đội sổ” nợ thuế là Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy (Công ty Tân An Huy). Đây là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Tân An Huy rộng 20,8ha ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM và đang nợ thuế 173 tỷ đồng.
Theo phản ánh của khách hàng, dự án Khu dân cư Tân An Huy hình thành từ hơn chục năm trước nhưng đến năm 2017, mặc dù đã thanh toán tiền hợp đồng và thậm chí nộp thuế, nhiều người vẫn không được bàn giao đất để xây nhà, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc chuyển nhượng dự án lòng vòng của Công ty Tân An Huy khiến Thành phố nguy cơ thất thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Đến tháng 4/2019, Thành phố chỉ đạo truy thu tiền nợ thuế và tiền chậm nộp giai đoạn 2012 – 2015 của Công ty Tân An Huy là 150 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 5 tỷ đồng tiền chậm nộp tiền sử dụng đất phát sinh giai đoạn 2006 – 2009.
Có tiền nợ thuế hơn 114 tỷ đồng là Công ty TNHH DV-TM-SX-XD Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông), chủ đầu tư dự án Khu căn hộ cao cấp Park vista ở huyện Nhà Bè.
Dự án Park Vista được khởi công từ giữa năm 2016 và dự kiến đến quý 1/2019 bàn giao nhà, tuy nhiên nhiều khách hàng phản ánh dự án bị ngừng thi công từ năm 2018 đến nay. Đại diện chủ đầu tư cho rằng dự án “đứng hình” vì hai đối tác là Công ty Anpha Land và nhà thầu xây dựng An Đức không đáp ứng khả năng tài lẫn tiến độ thi công. Ngoài ra, dự án cũng đang bị thanh tra.
Lận đận tại dự án Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1), Công ty CP Sài Gòn One Tower đang nợ thuế 80,5 tỷ đồng. Khởi công từ năm 2007 và mặc dù đã hoàn thiện xong phần thô nhưng dự án Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C bị tạm ngưng từ cuối năm 2011.
Sau đó, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua lại nợ của nhóm khách hàng, trong đó có Công ty CP Sài Gòn One Tower, từ một số tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ cả gốc và lãi đến tháng 8/2017, thời điểm VAMC thu giữ tài sản là dự án cao ốc phức hợp nói trên, là hơn 7.000 tỷ đồng.
Số tiền nợ thuế dưới 10 tỷ đồng có Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình (Tranimexco), doanh nghiệp này đang nợ 7,5 tỷ đồng. Tranimexco là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án được tiến hành từ năm 2002, thế nhưng 10 năm sau vẫn chưa hoàn thành. Do khó khăn trong việc giải toả, Tranimexco xin điều chỉnh dự án theo diện tích đất “sạch” đã đền bù và tháng 8/2014 công ty mới được giao đất thực địa.
Những nguyên nhân khiến dự án kéo dài, theo đại diện Tranimexco, là do thay đổi quy hoạch của tuyến đường vành đai 2 chạy qua dự án; ranh đất dự án bị lấn chiếm; thay đổi về chính sách pháp luật… Đây là dự án nhà ở dành cho cán bộ công nhân viên của công ty, thế nhưng trầy trật hơn 20 năm vẫn chưa thành hình, nhiều người đã nghỉ hưu vẫn chưa được nhận đất để cất nhà.
Nợ thuế “khiêm tốn” chỉ 5,9 tỷ đồng, thế nhưng Công ty CP Tập đoàn Khang Thông gắn liền với dự án Happyland, còn được biết đến là dự án “Khu vui chơi giải trí lớn nhất Đông Nam Á” tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An, thuộc Tập đoàn Khang Thông.
Khởi công từ năm 2011, dự án khu phức hợp giải trí Happyland có quy mô hơn 350ha, được chia làm 2 giai đoạn với kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 2,2 tỷ USD. Sau khi xây dựng được một số hạng mục cơ bản, dự án bị “đứng hình” trong nhiều năm sau đó.
Giai đoạn 2016 – 2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An nhận được nhiều quyết định uỷ thác từ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM về việc thi hành theo bản án của chủ đầu tư dự án Happyland với số tiền 1.800 tỷ đồng nợ nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Tháng 5/2017, đơn vị này thông qua kế hoạch cưỡng chế thi hành án để kê biên tài sản của chủ đầu tư.
Một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS khác cũng nằm trong danh sách nợ thuế như: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hoàng Phúc (nợ 54,6 tỷ đồng); Công ty CP Free Land (nợ 25 tỷ đồng); Công ty CP BĐS LINKGROUP (nợ 5,9 tỷ đồng); Công ty CP Dịch vụ Nhịp cầu Địa ốc (nợ 4,6 tỷ đồng); Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc (nợ 4,3 tỷ đồng); Công ty CP BĐS Exim (nợ 4,1 tỷ đồng); Công ty TNHH Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (nợ 3,1 tỷ đồng)…
Phương Anh Linh - Theo Vietnamnet