Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có không ít trường hợp các dự án chậm triển khai mà nguyên nhân do nhà đầu tư các dự án này thiếu năng lực thực hiện. Đáng nói hơn, nhiều nhà đầu tư, dù không đủ năng lực tài chính nhưng vẫn đề xuất được thực hiện nhiều dự án. Sau đó, những nhà đầu tư này lại tìm cách chuyển nhượng cho một đối tác khác hoặc… ‘treo’ dự án vì không có khả năng triển khai.
Đặc biệt, đối với các dự án thương mại, dịch vụ là những dự án mà nhà đầu tư phải tự bỏ tiền để thực hiện giải phóng mặt bằng, do không đủ năng lực tài chính nên sau khi được phê duyệt dự án đầu tư thì các dự án này thường rơi vào cảnh chậm trễ triển khai. Không ít nhà đầu tư, do không đủ khả năng tài chính thực hiện lại… quay ngược, gây áp lực cho địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trên thực tế, số lượng các nhà đầu tư chỉ đủ tiền để lập hồ sơ dự án nhưng vẫn đề xuất thực hiện rất nhiều dự án không phải là hiếm. Tình trạng nhà đầu tư thiếu năng lực, “xin nhiều, làm ít” gây ra không ít hệ lụy đối với đời sống người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Các dự án “treo” và chậm triển khai, rõ ràng đã làm ảnh hưởng đến đời sống và gây ra bức xúc đối với người dân trong vùng dự án. Đối với các địa phương, nhất là những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, các dự án “treo”, chậm triển khai có nguy cơ kéo lùi nhịp phát triển.
Thực tế đó đòi hỏi đã đến lúc các cấp chính quyền cần có những thông điệp mạnh mẽ đối với những nhà đầu tư xin nhiều… làm ít. Chấm dứt được tình trạng này, không chỉ giảm bớt những búc xúc của người dân, duy trì nhịp phát triển cho địa phương mà còn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự tham gia làm dự án.
Trong việc cấp phép các dự án mà nhà đầu tư phải thực hiện giải phóng mặt bằng, cần có cơ chế ưu tiên đối với các nhà đầu tư tự thực hiện thỏa thuận giải phóng mặt bằng với người dân. Bởi, chỉ khi có đủ khả năng tài chính, nhà đầu tư mới có thể tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng với người dân. Tất nhiên, những dự án mà nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân là những dự án có khả năng thực thi cao.
Về phía các địa phương, khi xem xét các hồ sơ đăng ký đầu tư dự án cũng nên có thông điệp rõ ràng về thời gian chuyển tiền để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đối với những chủ đầu tư không có năng lực ngành chức năng cần kiên quyết từ chối ngay từ ban đầu để tránh những hệ lụy về sau.
Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát lại các chủ đầu tư đăng ký nhiều dự án nhưng ì ạch, chậm trễ thực hiện để có biện pháp xử lý thích hợp. Với những dự án đã quá hạn thực hiện, cần mạnh tay thu hồi, hủy bỏ. Đồng thời, tính toán nâng mức tiền ký quỹ dựa trên mức tiền sử dụng đất để đảm bảo tính khả thi của các dự án.
Chỉ khi chấm dứt được tình trạng nhà đầu tư xin nhiều nhưng làm ít, được giao “cả con bò những không làm ra nổi miếng bít tết” thì mới có thể đẩy nhanh được tốc độ thực hiện các dự án, từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.