Nỗi niềm doanh nhân địa ốc Sài Gòn

Hai năm trở lại, nhiều doanh nhân, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM gần như không có “Tết” 13/10…

Hai năm trở lại, nhiều doanh nhân, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM gần như không có “Tết” 13/10…

Trước nay, doanh nghiệp địa ốc thường được nhìn với con mắt không mấy thiện cảm, mặc định họ chỉ biết làm giàu nhờ chênh lệch địa tô. Song phải công bằng rằng khối doanh nghiệp bất động sản đã và đang đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước, cả về kinh tế lẫn cơ sở hạ tầng.

Người giàu cũng khóc

Tháng trước, một người bạn dẫn tôi ghé chơi một công ty ở Quận 3. Doanh nghiệp này khá nổi tiếng, có niêm yết trên chứng khoán. Trước khi tới, tôi hình dung sẽ chuẩn bị bước vào một không gian sang trọng tương xứng như những gì truyền thông từng mô tả về doanh nghiệp đó. Được đón đến trong chiếc Lexus đời cũ, tôi nhìn qua phía sau có nhét mấy cuốn Kinh Phật. Thực tình lúc đó tôi không để ý lắm. Tới nơi, người lái xe dẫn chúng tôi đi theo một lối hành lang nhỏ. Những mường tượng ban đầu đều sai lệch hết. Chẳng có không gian, kiến trúc sang trọng nào cả. Phía trong đã lâu rồi không tu sửa, tường, trần ám màu, bám bụi.

Lên tầng ba, người tiếp chúng tôi là nữ doanh nhân đứng tuổi. Trụ sở cũ kỹ, có phần thiếu ngăn nắp phần nào mang tới những so sánh về tình cảnh hiện nay của doanh nghiệp này. Và bà chủ của nó cũng trải lòng hết những nỗi khó khăn, phiền muộn dường như bị lèn chặt bấy lâu.

“Con lùi cho cô thêm 1 tiếng. Cô bay muộn cũng được”, bà chủ nói với người thư ký khi cô gái còn ít tuổi nhắc sắp đến giờ ra sân bay. Dường như khá lâu bà không gặp người đồng cảm trong khi quá nhiều nỗi niềm chất chứa. “Dạo này chị thức khuya nên mắt mũi hay lòe nhòe”, bà chủ vừa nói vừa rút khăn giấy thấm nước mắt, rồi vo tròn trong lòng bàn tay. Chúng tôi nhìn nhau, không nói gì.

Bà khởi nghiệp ở miền Trung, buôn bán đủ thứ, từ tiêu, điều, cao su, cà phê. Tích lũy được, bà xuống Sài Gòn lập nghiệp với nghề bất động sản. Thời gian đầu thị trường còn tốt, đất đai dồi dào, bà trúng lớn và doanh nghiệp của bà cũng dần trở thành thương hiệu “hot” trong làng địa ốc Sài Thành, kể cả trong thời gian bất động sản suy thoái (2010-2013).

Nhưng thị trường bất động sản TP.HCM trong hơn hai năm nay gần như đóng băng toàn bộ, bắt nguồn từ việc xử lý sai phạm đất đai liên quan tới thế hệ lãnh đạo trước của Thành phố. Doanh nghiệp của bà đen đủi hơn cả khi dính vào một vụ việc được người ta gán cho đất công, để rồi không những phải trả đất, mà còn bị truyền thông “quây” cho tơi tả.

“Cái chỗ đất đó là tài sản kinh doanh của họ (doanh nghiệp nhà nước), họ dùng tiền mua rồi bán lại cho chị thì sao có thể gọi là đất công được”, bà chủ năm nay chuẩn bị qua tuổi lục tuần chua chát, mà ẩn sau nó, dường như đến tận bây giờ vẫn không thể tin và không thể biết là doanh nghiệp của bà đã sai phạm gì trong thương vụ đó.

Vụ việc đã qua gần năm rưỡi, song hệ lụy để lại là rất lớn. “Nó như cái án, cứ đeo đẳng chị. Giờ hồ sơ dự án chị làm đầy đủ đến mấy cũng bị xếp xó. Cái mặt chị các lãnh đạo, dù trước đó có thân thiết nay người ta cũng lánh hết. Rồi dự án ở Quận 7 vì lý do gì mà không cho huy động vốn. Các dự án đều đình trệ thì chị lấy đâu tiền trả lương hàng nghìn nhân viên”, bà trải lòng, cho biết từ đầu năm đến nay đã bán mấy căn nhà để có tiền duy trì hoạt động.

“Có những người theo chị nhiều năm. Nay xin đi, không phải vì chị không trả lương, mà họ không còn việc để làm. “Bọn con xin nghỉ làm không lương, khi nào ổn hơn, có việc bọn con lại về với cô”, bà chủ kể lại lời cấp dưới, đầy xót xa: “Nhiều khi chị muốn bỏ hết, vứt hết, chỉ giữ lại một vài khách sạn có nguồn thu đủ sống, ngày ngày tụng kinh lễ chùa tìm kiếm sự thanh tịnh. Giờ thực sự chị nản lắm rồi, không ít lần nghĩ chết quách cho xong hết!”.

Đừng để một bộ phận quan trọng của nền kinh tế suy kiệt

Tình cảnh của doanh nghiệp kể trên cũng là cái khó chung của cả khối doanh nghiệp địa ốc hiện nay ở TP.HCM. Trừ một số tập đoàn gắn với ngân hàng vẫn duy trì được dòng tiền ổn định, thì phần còn lại ít nhiều đều gặp khó. Loạt lãnh đạo cấp cao, đến mức độ Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND bị kỷ luật hoặc thậm chí vướng vòng lao lý khiến thị trường gần như đóng băng toàn bộ. Lãnh đạo các cấp rơi vào tâm lý không dám quyết, không dám ký, đùn đẩy ban này qua ngành khác. Nhưng doanh nghiệp đâu có đợi được vậy. Họ cần dự án để có dòng tiền, có doanh thu, đảm bảo hoạt động và trả lương cho công nhân viên. Nhưng hồ sơ, dù đã đầy đủ pháp lý song gõ cửa nào cũng khó, không bị trả về thì cũng bị ngâm không hẹn ngày trả lời.

Hệ quả tiêu cực thể hiện rõ qua các con số. Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết thu ngân sách từ đất trong năm 2018 đã giảm 18,9%, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng so với năm 2017, nguồn thu tiền sử dụng đất còn giảm nhanh hơn với biên độ 25,3% (tương đương 4.500 tỷ đồng). Điều này dẫn tới tỷ trọng số thu từ đất trong tổng thu ngân sách của Thành phố năm 2018 đã sụt giảm đến 2,43% (từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018).

Tình hình tiếp tục diễn biến xấu hơn trong năm 2019. Cục Thuế TP.HCM mới đây cho biết nhiều khoản thu ngân sách từ các lĩnh vực liên quan đến bất động sản trong nửa đầu năm 2019 đều giảm mạnh, khiến số thu ngân sách từ nội địa của đơn vị này đạt thấp. Cụ thể, thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm 20,02% so với cùng kỳ năm 2018; lệ phí trước bạ nhà đất giảm 28,36%; số thu từ tiền sử dụng đất giảm 60,39%. Đáng lo ngại hơn là nợ thuế từ các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng tăng cao trong 6 tháng đầu năm và chiếm 51,72% tổng nợ khả thu tăng thêm.

Tác độ tiêu cực của thực trạng đóng băng thị trường địa ốc TP.HCM không chỉ dừng lại ở hụt thu ngân sách, mà nhìn xa hơn là làm yếu một động lực quan trọng của Thành phố (chiếm 1/10 thu ngân sách), làm bất ổn tình hình an ninh xã hội (nhiều nhân viên mất việc, giảm thu nhập) và khiến một bộ phận doanh nghiệp chủ lực suy kiệt và chịu nguy cơ thâu tóm của dòng vốn nước ngoài.

Phải nhấn mạnh rằng bất động sản là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro. Để phát triển quá nóng sẽ gây sức ép lên nền kinh tế. Nhằm ngăn ngừa viễn cảnh này, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý cấp trung ương đã có nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để. Tuy nhiên ở TP.HCM lại là câu chuyện khác, như đã đề cập ở trên. Thực tế nguồn cầu ở đầu tàu tăng trưởng của cả nước vẫn là rất lớn. Dư địa phát triển cho các doanh nghiệp địa ốc theo đó vẫn là sáng sủa.

Nhận biết được nguy cơ lớn khi thị trường bất động sản tê liệt, lãnh đạo TP.HCM hồi tháng 4/2019 đã tổ chức hội nghị gặp gỡ với các doanh nghiệp lớn trong ngành. Trong cuộc gặp đó, Phó Chủ tịch Thành phố Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận có thực trạng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, không dám quyết, không dám ký, thậm chí không dám làm việc.

Ông Tuyến xin lỗi và nhận khuyết điểm về những chậm trễ của chính quyền TP.HCM, làm ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như khó khăn cho công việc kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc thời gian qua. Vị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị và cho biết rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp vì trong những thành tựu đạt được của TP.HCM có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp bất động sản.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu làm thủ tục cần có quy trình, trách nhiệm của ai, ở đâu cần phải tiếp tục hoàn thiện. Quy trình nào cũng phải có thời hạn giải quyết, sở, ngành và cả Văn phòng UBND TP phải có quy định về thời hạn nhất định hoàn thành ký, trả lời hồ sơ cho doanh nghiệp.

Nửa năm sau sự kiện, chủ trương của lãnh đạo Thành phố đã rõ. Song tình cảnh chung của doanh nghiệp địa ốc nhìn chung vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Một sự cải cách mang tính đột phá, từ cấp chuyên viên cho đến lãnh đạo, từ cấp phường cho tới Thành phố để mang tới một hệ thống hành chính công minh bạch, hết lòng vì lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp là những gì đang được kỳ vọng, không phải những lẵng hoa hay những lời có cánh trong ngày Doanh nhân 13/10.

Xuân Tiên

Theo VietTimes

Link gốc: https://viettimes.vn/noi-niem-doanh-nhan-dia-oc-sai-gon-369464.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/noi-niem-doanh-nhan-dia-oc-sai-gon-a2727.html