Đài BBC dẫn nguồn tin từ truyền thông địa phương Nhật Bản cho biết sự việc. Theo đó kẻ tấn công là một nam thanh niên 26 tuổi, theo xác minh của cảnh sát tên là Hibiki Sato.
Anh này khai với cảnh sát đã tìm ra vị trí của cô gái nhờ vào hình ảnh phản chiếu trong mắt cô trên một tấm hình cô gái chia sẻ lên mạng.
Theo đó, căn cứ vào bức hình selfie cô gái đăng lên, nhìn vào quang cảnh ga tàu phản chiếu trong mắt cô gái, anh ta đã định vị được nó ở đâu.
Từ đó anh ta túc trực tại ga tàu, chờ cho tới khi gặp được thần tượng của mình rồi bám theo về tới tận nhà cô.
Nghi phạm Hibiki Sato bị cảnh sát buộc tội đã rình mò đi theo cô gái về nhà đêm 1-9 và tấn công tình dục cô.
Sau khi bị cảnh sát bắt sau đó, Hibiki Sato khai với cảnh sát anh là người rất hâm mộ cô ca sĩ. Theo truyền thông địa phương Nhật Bản, cô gái bị tấn công là "thần tượng ở Nhật" chỉ mới 21 tuổi.
Hibiki Sato cho biết anh này đã phóng rất to hình ảnh phản chiếu trong mắt cô gái, sau đó dùng công cụ Google Street View để xác định tên nhà ga.
Nghi phạm cũng khai anh đã nghiên cứu rất kỹ các video cô ca sĩ trẻ quay tại căn hộ đang sống. Từ đó, anh này quan sát các chi tiết như nơi đặt rèm cửa và hướng ánh sáng tự nhiên chiếu qua cửa sổ, từ đó xác định chính xác cô ấy đang sống ở tầng nào tòa nhà.
Vụ việc làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ khôn lường có thể xảy đến với mọi người từ các bức ảnh chụp với độ phân giải cao đang được chia sẻ vô tư và thoải mái trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Ông Eliot Higgins, nhà sáng lập trang web báo chí điều tra Bellingcat, nơi đi tiên phong trong các kỹ thuật điều tra online, phân tích: "Những hình ảnh chất lượng cao khiến việc xác định các chi tiết trong ảnh dễ dàng hơn, nó cũng có thể giúp cho cả việc định vị. Với sự hỗ trợ thêm của các dịch vụ khác như Google Street View, khả năng tìm ra một vị trí sẽ còn cao hơn nữa".
"Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất cũng có thể tiết lộ rất nhiều thông tin về nơi bức ảnh đó được chụp, và thông tin về những người có trong bức anh", ông nói.
"Do đó, đừng bao giờ đăng lên mạng những bức ảnh mà bạn không muốn sếp của mình, vợ/chồng cũng như những kẻ thù tồi tệ nhất trông thấy", chuyên gia Eliot Higgins khuyên mọi người.
Giáo sư Shuichiro Hoshi tại ĐH Tokyo Metropolitan, chuyên gia về các rủi ro trên mạng xã hội, cho rằng những tấm hình chụp có độ phân giải cao trên smartphone ngày nay đã làm tăng nguy cơ cho việc vô tình làm rò rỉ những thông tin cá nhân, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng nạn rình mò trên mạng.