Ngày 20/3/2020, trao đổi với Đất Việt về những đề xuất của Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoRea) mới gửi tới Chính phủ, đề nghị các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp BĐS vượt qua đại dịch Covid, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nếu như các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thuộc đối tượng được hỗ trợ theo thông tư của Ngân hàng Nhà nước, sau nữa là phân nhóm, phân loại của Bộ Tài chính thì chuyện được hưởng những chính sách hỗ trợ để vượt qua dịch Covid-19 là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp BĐS nào cũng được hỗ trợ như nhau như trong đề xuất của HoRea mà cần có sự đánh giá, rà soát cụ thể đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Bản thân trong nhóm ngành nghề BĐS cũng phải phân nhóm ra 3 - 4 loại khác nhau.
Vị chuyên gia nêu ví dụ, BĐS công nghiệp tạm thời bị chậm một chút do các nhà đầu tư trì hoãn việc rót vốn trong thời kỳ khó khăn. Như vậy, loại BĐS này cũng chưa quá khó khăn mà chỉ bị chậm lại một chút nên chưa cần hỗ trợ vội.
Còn đối với loại BĐS bán lẻ, cho thuê... thì rõ ràng gặp khó khăn hơn bởi các hoạt động dịch vụ bị vắng, không ai thuê mặt bằng, khi người dân cảm thấy khó khăn về kinh tế cũng không dám bỏ ra số tiền lớn để mua nhà trong thời điểm này.
Cần phân loại để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp BĐS vượt qua đại dịch Covid-19.
TS Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên, đối với các doanh nghiệp BĐS thay vì ngồi chờ được Nhà nước hỗ trợ thì hãy tự nỗ lực cứu lấy mình, phải hiểu được mức tác động của dịch Covid-19 tới bản thân doanh nghiệp mình, lĩnh vực mình đang theo đuổi như thế nào.Mặc dù vậy, ông Lực cũng thừa nhận, BĐS cũng không phải là ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 nên các cơ quan chức năng cần phải đánh giá và lựa chọn để tránh làm loãng công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong đợt này. Bởi nguồn lực thì cũng chỉ có hạn chế nhất định, cần tập trung, ưu tiên những ngành nghệ bị hạn chế trực tiếp trước, sau đó mới là những lĩnh vực ảnh hưởng gián tiếp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh sao cho phù hợp với thời điểm khó khăn như hiện tại, tiết giảm chi phí, tăng cường công nghệ thông tin... Chính trong lúc khó khăn thì đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp quyết tâm thực hiện điều này, để đến khi vượt qua được lại vươn lên mạnh mẽ hơn. Dịch bệnh vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội để cho các doanh nghiệp tự làm mới mình.
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong đại dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nên nếu có những phương án hỗ trợ của Nhà nước đưa ra cho doanh nghiệp thời điểm này sẽ rất tốt, giúp các doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khó khăn và doanh nghiệp BĐS cũng không loại trừ trong số đó.
"Những hỗ trợ về mặt thuế, tín dụng ngân hàng, BHXH... là những điều cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp. Nhưng chúng ta đang rơi và sự éo le khi túi tiền của Nhà nước có hạn còn thiệt hại bởi dịch Covid-19 gây ra là vô hạn, không biết bao nhiêu tiền cho đủ.
Nên chúng ta cần cân nhắc, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề nào bị ảnh hưởng lớn nhất để hỗ trợ trước, đảm bảo công bằng cho các ngành nghề, doanh nghiệp. Nếu nghĩ rằng doanh nghiệp BĐS bị tác động gián tiếp mà không hỗ trợ thì như thế cũng không phù hợp, thiếu công bằng cho họ" - luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm.
Ngọc Khánh - Theo Báo Đất Việt
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/ho-tro-bds-vuot-qua-dai-dich-covid-19-tranh-cao-bang-a26043.html