Doanh nghiệp địa ốc thay đổi kế hoạch vì đại dịch

Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 buộc nhiều doanh nghiệp địa ốc phải thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2020 đã lên trước đó.

Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 buộc nhiều doanh nghiệp địa ốc phải thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2020 đã lên trước đó.

Chủ động ứng phó

Từ thời điểm quý cuối năm 2019, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã định lượng những kế hoạch về việc giới thiệu dự án, mở bán, hay tuyển thêm nhân sự… cho năm mới. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) bùng phát và diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp phải lập lại kế hoạch.

Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land, kế hoạch tổ chức bán hàng tại dự án Vạn Phúc City phải đổi sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Thay vì tổ chức các buổi mở bán tập trung lượng khách hàng lớn, doanh nghiệp sẽ tách thành các đợt nhỏ.

Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, chủ đầu tư dự án Vạn Phúc City, quý I thường là thời điểm các doanh nghiệp địa ốc chuẩn bị cho việc ra hàng dự án mới, nên sẽ tổ chức các buổi bán hàng tập trung. Tuy nhiên, năm nay, trước tình hình dịch bệnh, khách hàng tránh tụ tập đông người, nên hiệu quả của các buổi mở bán sẽ bị ảnh hưởng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cũng không ngần ngại chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên việc gặp gỡ khách hàng và tư vấn bị hạn chế rất nhiều. Do khách hàng ngại gặp mặt sales (nhân viên kinh doanh) nên phải thay đổi cách tiếp cận là tư vấn qua điện thoại, gửi thông tin qua zalo hoặc email…

“Theo đúng kế hoạch, kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là Công ty sẽ triển khai mở bán giai đoạn 2 của dự án Asian Lake View. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết cũng là lúc dịch bùng phát, kế hoạch này phải dời lại đến tháng 5/2020”, ông Hậu nói và cho biết thêm, dịch bệnh lần này khiến doanh nghiệp ngành nào cũng bất ngờ, chứ không chỉ riêng bất động sản.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp địa ốc cần hướng tới đối tượng người mua nhà ở thật

Tương tự, bà Trần Thùy Linh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Đức Linh chia sẻ, thị trường năm 2019 đã chững lại vì nguồn cung khan hiếm. Tưởng chừng sang năm 2020, tình hình thị trường sẽ khởi sắc hơn khi các vướng mắc thủ tục pháp lý dần được tháo gỡ, nhưng với những diễn biến hiện tại thì việc thị trường tiếp tục khó khăn là điều chắc chắn. Một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp môi giới bất động sản hiện nay là tâm lý e ngại đến chỗ đông người, gặp người lạ của khách hàng.

Trước những khó khăn bất khả kháng này, ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings khuyên rằng, doanh nghiệp nên dùng giải pháp công nghệ để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận được thông tin tại nhà. Đặc biệt, nên tập trung vào giá trị sản phẩm phục vụ nhu cầu an cư, bao gồm đầu tư hạ tầng, tiện ích, đảm bảo tiến độ xây dựng, bàn giao nhà cho khách hàng. Bởi trong thời điểm hiện tại, nhu cầu đầu tư bất động sản có thể hạ nhiệt, nhưng nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất cao.

“Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, doanh nghiệp nên chú trọng các thị trường có nhu cầu du lịch tại Việt Nam như Nga, Mỹ… thay thế tạm thời nguồn khách Trung Quốc trong thời gian này để không ảnh hưởng tới doanh thu và cam kết lợi nhuận với khách hàng, nhà đầu tư”, ông Sơn khuyến nghị.

Trong diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng của dịch Covid-19, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã đề nghị xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch.

Cụ thể, HoREA đề nghị UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế... để giúp một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, bền vững.

Môi giới gặp khó

Ảnh minh họa.

Giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi kế hoạch kinh doanh, hay tìm giải pháp ứng phó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đối tượng bị tác động và chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong ngành địa ốc chính là nhân viên môi giới.

Chia sẻ trên diễn đàn môi giới TP.HCM, chị Hoài, một nhân viên môi giới chuyên về phân khúc đất nền tại quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, sau ngày khai xuân, nhân viên vẫn đều đặn đến công ty, nhưng không có tinh thần làm việc, ai nấy cũng bịt khẩu trang kín, mời chào khách hàng đi xem dự án cũng khó khăn. Chưa kể, nhắn tin khách không trả lời, gọi điện thấy số lạ khách cũng không bắt máy.

Tương tự, anh Hoàng, một nhân viên môi giới tự do cũng chia sẻ, không chỉ có một mình anh, mà còn nhiều đồng nghiệp khác cũng đều không có thu nhập kể từ sau Tết Nguyên đán. Đã có không ít bạn bè của anh chuyển qua làm kinh doanh mặt hàng khác, hoặc đăng ký làm tài xế công nghệ.

“Tôi chưa bao giờ thấy nghề môi giới lại khó khăn như hiện nay. Khó khăn này chưa qua, khó khăn khác đã tới. Cả mấy tháng nay không có đồng thu nhập nào và đây cũng là tình trạng chung, chứ không riêng gì mình. Làm tự do nên phải tự kiếm khách và nguồn hàng, ai theo được thì vẫn theo, còn không phải kiếm nghề khác”, anh Hoàng than thở.

Trước bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, môi giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2020. Để trụ lại với nghề, nhân viên môi giới cần phải tự tạo dựng thương hiệu riêng bằng cách nâng cao uy tín trong các hoạt động. Muốn được khách hàng nhớ đến, muốn sống được trong môi trường đào thải cao thì phải tạo dựng được tên tuổi, chứ không thể mua bán chộp giật như trước đây.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty DKRA Việt Nam cho biết, với bối cảnh thị trường ngày càng sàng lọc rõ nét như hiện nay, thì cần chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản. Bởi với những đặc thù của một sản phẩm là giá trị lớn, vòng đời sản phẩm dài, nghề môi giới hiện nay không chỉ chốt giao dịch là xong, mà cần mang lại lợi ích cho khách hàng và cam kết những giá trị bền vững, lâu dài.

"Khi xác định theo đuổi nghề môi giới chuyên nghiệp, mỗi chuyên viên tư vấn phải được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn sâu. Quan trọng hơn hết, bản thân người làm môi giới phải có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp, liên tục học hỏi, nâng cao kỹ năng và đáp ứng các điều kiện hành nghề theo pháp luật quy định. Đã làm môi giới thì hãy là một nhà môi giới chuyên nghiệp! Dù hiện nay có nhiều khó khăn và thách thức cho nghề, nhưng thị trường vẫn còn đó nhiều cơ hội lớn cho những nhà môi giới chuyên nghiệp, uy tín”, ông Lâm nhấn mạnh.

 

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/doanh-nghiep-dia-oc-thay-doi-ke-hoach-vi-dai-dich-a25405.html