Tăng tiện ích để giảm giao dịch tiền mặt

Người dùng có thể đăng ký mở tài khoản từ xa, thanh toán một chạm trên di động.

Người dùng có thể đăng ký mở tài khoản từ xa, thanh toán một chạm trên di động.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, tiền mặt được coi là một trong những phương tiện có thể gây lây nhiễm virus cho cộng đồng. Với thực tế ở Việt Nam, thanh toán điện tử bằng các loại thẻ ngân hàng (NH) vẫn chưa thật phổ biến nhưng các loại hình trung gian thanh toán như ví điện tử, tài khoản di động lại dễ phổ dụng.

Thanh toán qua số điện thoại

Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 đã xác định đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nội dung trọng tâm cải cách để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ yêu cầu các bộ - ngành chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý, cho phép người dân, doanh nghiệp (DN) thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Điểm mới đang được nhiều người mong đợi là loại hình thanh toán di động. Nghị quyết 02/NQ-CP đã giao nhiệm vụ cho NH Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng ban hành quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời bảo đảm công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, hoàn thành trong quý IV.

Tăng tiện ích để giảm giao dịch tiền mặt - Ảnh 1.

Xu hướng mua hàng online thanh toán qua thẻ ngày càng phổ biến Ảnh: LINH ANH

Thống đốc NH Nhà nước cũng ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong năm 2020, trong đó yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ thị nêu rõ: "Đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển dịch vụ NH số; tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động NH".

Trong dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, nhà mạng viễn thông cũng sẽ được cung cấp dịch vụ thanh toán riêng và định danh người dùng bằng số điện thoại, trở thành một kênh trung gian thanh toán. Các DN làm dịch vụ thanh toán điện tử, thay vì trước đây cứ rụt rè ngóng phía quản lý nhà nước nay sẽ mạnh dạn triển khai rộng.

Do những đặc thù của mình, các loại hình trung gian thanh toán dễ tiếp cận với rộng rãi người dân hơn. Không kể thủ tục tham gia đơn giản hơn mà các dịch vụ này còn rộng tay để có các hình thức khuyến mãi, ưu đãi đem lại nhiều lợi ích cho các bên khách hàng của mình. Đến giữa tháng 11-2019, có 32 tổ chức không phải là NH đã được NH Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thoải mái và an toàn

Đối với loại hình thanh toán điện tử ngoài NH, 2 yếu tố cốt lõi mà người dùng quan tâm là sự thoải mái và tính an toàn. Kể từ sau Tết nguyên đán đến nay, các con được nghỉ học, chị Mai Vân (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) thường xuyên mua hàng qua mạng, từ các sàn thương mại điện tử đến các kênh bán hàng trực tuyến của DN, group bán hàng qua mạng xã hội ở chung cư… được chị tận dụng tối đa. Từ đồ chơi, đồ dùng gia đình, đồ ăn đều được chị mua sắm trực tuyến, thanh toán qua thẻ NH hoặc ví điện tử.

Nhiều NH không ngừng đầu tư về cơ sở hạ tầng cho việc kết nối, triển khai thêm nhiều kênh thanh toán mới qua QR Code, thẻ không tiếp xúc (contactless), bên cạnh thanh toán trực tuyến qua thẻ nội địa, thẻ tín dụng, Internet Banking, Mobile… Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết hiện NH này đang tiếp tục tăng cường và hoàn thiện việc kết nối thêm phương thức thanh toán không tiền mặt. Khi dịch Covid-19 vẫn phức tạp, khách hàng có thể đăng ký mở tài khoản từ xa, phương thức xác thực điện tử (eKYC) sẽ được áp dụng, mở rộng thanh toán qua QR code, thanh toán một chạm trên di động… hướng tới sự tiện lợi cho người dùng. "Khoảng 2 năm nay, khi các NH cho ra mắt thẻ contactless (cả thẻ nội địa và thẻ tín dụng) đồng thời nhiều máy POS được đầu tư sau này cũng được tích hợp tính năng đọc dòng thẻ này, giúp chủ thẻ không cần chạm mà vẫn thanh toán được, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, nhất là khi có dịch bệnh" - ông Nguyễn Minh Tâm phân tích.

Sacombank đã tiên phong triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc (contactless) và thanh toán QR theo đúng chuẩn quốc tế với mục tiêu tối ưu hóa tiện ích, gia tăng tính bảo mật và rút ngắn thời gian thanh toán cho chủ thẻ. Chủ thẻ contactless chỉ cần chạm thẻ không tiếp xúc lên máy POS có công nghệ này trong vài giây để hoàn thành giao dịch và không cần ký xác nhận các hóa đơn từ 1 triệu đồng trở xuống. Khoảng 60% máy POS của Sacombank cũng đã áp dụng công nghệ chạm này. Hiện Sacombank cũng đã phát hành dòng thẻ nội địa được trang bị chip EMV cho phép giao dịch thanh toán contactless (100% thẻ chip được phát hành là contactless), quét mã QR trên di động thay vì dùng trực tiếp thẻ nhựa…

Không chỉ các NH thương mại mà nhiều đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ như các hãng gọi xe công nghệ, taxi, sàn thương mại điện tử, DN lớn… cũng khuyến khích khách hàng liên kết trực tiếp tài khoản NH với tài khoản thẻ thành viên của DN để gia tăng tiện ích trong thanh toán. Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đang hỗ trợ các NH thương mại thực hiện chuyển đổi thẻ nội địa (thẻ công nghệ từ) sang thẻ chip VCCS theo đúng lộ trình, liên thông với những ngành khác như giao thông, BHYT, BHXH giúp người dân sử dụng thẻ trong các thanh toán nhu cầu thiết yếu. 

Miễn, giảm phí cho giao dịch trực tuyến

Theo thông tin tổng hợp mới nhất từ Napas, đã có khoảng 32 NH thương mại công bố miễn, giảm phí giao dịch chuyển tiền liên NH giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống. Mỗi NH thương mại sẽ có mức điều chỉnh khác nhau, trong đó nhiều NH miễn phí cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền nhanh liên NH 24/7 có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống như MSB, BaoViet Bank, VIB. Từ cuối tháng 2, NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã áp dụng chính sách giảm 70% phí chuyển tiền ngoài hệ thống trên các kênh online (bao gồm BIDV Online, BIDV SmartBanking, Bankplus, ATM) cho các giao dịch có giá trị dưới 500.000 đồng. Mức phí được giảm từ 7.000 đồng xuống còn 2.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế GTGT). Để khuyến khích khách hàng chuyển đổi từ giao dịch tại quầy sang giao dịch trên các kênh NH điện tử, BIDV còn có chính sách tặng 100% phí giao dịch trên BIDV SmartBanking, BIDV Online cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ. L.Anh

Anh Phúc - Thái Phương/  Theo NLĐ

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tang-tien-ich-de-giam-giao-dich-tien-mat-a25231.html