Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm điểm ngay sau kỳ nghỉ Tết do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, dù sau đó, thị trường có giao dịch cân bằng trở lại trong khoảng ba tuần đầu tháng 2. Nhưng việc dịch bệnh lan rộng trên nhiều nước cùng với đó là chứng khoán Mỹ cũng như giá dầu lao dốc tác động rất xấu đến tâm lý nhà đầu tư.
Đỉnh điểm trong phiên 9/3, VN-Index có phiên giảm điểm lịch sử khi để mất 6,28% và là phiên giảm mạnh nhất trong vòng hơn 18 năm qua. Còn nếu tính từ trước Tết đến hết phiên giao dịch ngày 13/3, VN-Index đã để mất 23,2% và giảm xuống còn 761,78 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 4,6% nhờ lực đẩy chủ yếu đến từ SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, các “ông lớn” trong ngành như VIC của Tập đoàn Vingroup, VHM của CTCP Vinhomes, VRE của CTCP Vincom Retail… đều lao dốc mạnh. Trong đó, VIC giảm đến 19,5% từ 114.900 đồng/cp xuống còn 92.500 đồng/cp. VHM giảm 19,5%, VRE giảm 26%. Về hoạt động của 3 doanh nghiệp họ “Vin” trong thời gian qua không có nhiều điểm tiêu cực. Cả 3 doanh nghiệp này đều ghi nhận lợi nhuận năm 2019 tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.
Những cái tên giảm mạnh nhất trong nhóm bất động sản thời gian kể trên là TEG của TECGROUP, LMH của Landmark Holding hay AAV của Việt Tiên Sơn Địa ốc. Trong đó, cổ phiếu LMH đã giảm 48,6% sau kỳ nghỉ Tết. Đà giảm của LMH không thực sự do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trước kỳ nghỉ lễ, LMH đã có chuỗi 20 phiên giảm sàn liên tiếp và tính thêm các phiên sau kỳ nghỉ Tết thì chuỗi giảm sàn là 25 phiên. Đà giảm của LMH được cho là đến từ kết quả kinh doanh “bết bát” trong năm 2019. Quý IV/2019, Landmark Holding lỗ hơn 4,2 tỷ đồng, giảm 39% so với mức lỗ gần 6,9 tỷ đồng của cùng kỳ. Tuy nhiên, cả năm, Landmark Holding chỉ đạt vỏn vẹn 64 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với số lãi gần 20 tỷ đồng của năm 2018.
Còn về TEG, cổ phiếu này giảm 47%. Đà giảm của TEG được cho là đến từ việc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này riêng quý IV và cả năm 2019 là tiêu cực. Quý IV/2019, TEG báo lỗ gần 2,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi đến 22 tỷ đồng. TEG cho biết, giai đoạn đầu năm 2019 công ty tập trung tìm kiếm các dự án mới và thực hiện đầu tư ban đầu ở quý II và III nên chưa có doanh thu. Lũy kế cả năm, TEG chỉ đạt 6,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 81% so với 2018.
Vẫn còn những điểm sáng
Bất chấp diễn biến xấu của thị trường chung, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn có một số mã đi ngược lại thậm chí còn tăng rất mạnh. Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai là cái tên gây ấn tượng nhất. Kể từ sau Tết đến phiên 13/3, QCG đã tăng gần 120% từ 3.800 đồng/cp lên thành 8.340 đồng/cp.
Tuy nhiên, đà tăng của QCG chỉ thực sự xuất hiện từ phiên 25/2 và đỉnh điểm là cổ phiếu này đã có 12 phiên tăng trần liên tiếp từ 27/2 đến 13/3. Động lực tăng của QCG được cho là đến từ những kỳ vọng công ty này có thể tháo gỡ được vướng mắc cho các dự án bất động sản đang bế tắc sau cuộc gặp UBND TP.HCM và các doanh nghiệp bất động sản của Thành phố vào cuối tháng 2 vừa qua.
Cổ phiếu tiếp theo cũng đi ngược thị trường còn có AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone. Trong thời gian sau Tết đến hết phiên 13/3, AMD đã tăng 118,5% từ mức chỉ 1.950 đồng/cp lên 4.260 đồng/cp. Vừa qua, HĐQT của AMD đã thông qua chủ chương sáp nhập vào CTCP đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã CK: GAB).
Một cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng giá trên 50% là V11 của Vinaconex no11.
Bất động sản nhà ở trong năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn
Có thể thấy những diễn biến khó lường của dịch bệnh cũng như tình hình xấu của chứng khoán thế giới và giá dầu đã tác động xấu đến thị trường chứng khoán trong nước nói chung và nhóm cổ phiếu bất động sản nói riêng.
Tuy nhiên, một số các doanh nghiệp có câu chuyện riêng lại giữ được cho mình sự cân bằng và đi ngược lại xu hướng thị trường chung như QCG hay AMD. Dù vậy, thị trường bất động sản nhà ở được cho là sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.
Theo đánh giá của Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), thị trường bất động sản nhà ở đang trong giai đoạn khó khăn sau thời gian dài tăng trưởng trong những năm qua; tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn tạm thời không giống như những năm 2011 - 2012 do nhu cầu ở thực (đặc biệt ở phân khúc trung và bình dân) vẫn còn rất lớn. Các yếu tố vĩ mô như thu nhập bình quân đầu người, lạm phát, lãi suất cho vay... đều được Nhà nước kiểm soát và duy trì ở mức ổn định.
Ngoài ra, hiện nay cũng có một xu hướng là người nước ngoài đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam, mà chủ yếu là người Trung Quốc và Hàn Quốc, sẽ mang đến dòng tiền vào thị trường trong tương lai. Tuy nhiên, ở mặt khác, giá nhà tăng cao do nguồn cung hạn chế và sự tham gia của người nước ngoài cũng sẽ gây khó khăn cho người mua nhà có nhu cầu ở thực trong nước. Ngoài ra, việc khan hiếm quỹ đất cũng tạo chênh lệch cung cầu khi các công ty bất động sản chỉ tập trung phân khúc trung và cao cấp. Tình trạng này được dự đoán sẽ còn kéo dài đến giữa 2021 tuy vẫn sẽ có những dự án tiềm năng đơn lẻ.
Điểm sáng của thị trường bất động sản trong năm 2020 được cho là đến từ phân khúc khu công nghiệp. MASVN đánh giá ngành bất động sản khu công nghiệp đã có nhiều yếu tố thuận lợi trong thời gian qua, và điều đó được thể hiện qua việc hầu hết các mã chứng khoán ngành này đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2019.
MASVN tiếp tục đánh giá tích cực đối với ngành này do tình hình kinh tế vĩ mô tuy dự đoán có khó khăn hơn nhưng vẫn còn ổn định, GDP năm 2020 dự đoán đạt 6,8% còn lạm phát chỉ dưới 4%. Bên cạnh đó là việc tác động bên ngoài có lợi do chiến tranh thương mại nhiều khả năng vẫn còn kéo dài cùng với hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực trong năm sau. Một điểm nữa là cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư với các dự án như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, sân bay Long Thành…