Căn hộ 25m2 dưới đôi mắt người dân

Nhiều năm trước đây khi mới ra trường đi làm, dù có lương và còn thêm phụ cấp chưa kịp cắt của bố mẹ, tôi vẫn quyết định thuê một căn hộ đầu đó chừng 5-6m2 để ở, tiện đi làm cho gần.

Nhiều năm trước đây khi mới ra trường đi làm, dù có lương và còn thêm phụ cấp chưa kịp cắt của bố mẹ, tôi vẫn quyết định thuê một căn hộ đầu đó chừng 5-6m2 để ở, tiện đi làm cho gần.

Căn hộ đó chỉ kê vừa chiếc giường một, chiếc quạt con cóc bỏ luôn trên giường để dành chỗ cho cái vali kiêm tủ đồ. Một căn phòng phải nói là khá tồi tàn, thiếu tiện nghi trầm trọng khiến nhiều khi tôi thức dậy chỉ muốn đi làm ngay.

Sau này có thuê nhiều loại khác để ở, khi thì căn hộ nhỏ ở chung cư cũ thời bao cấp ở Trung Tự, lúc lại căn nhà cấp 4 nguyên căn ở Giáp Tứ. Sau đó ở chung nhà với gia đình anh trai, sau đó nữa mua được căn nhà 3 tầng ở Yên Sở.

Qua nhiều năm tháng, ở các thể loại khác nhau như vậy, cách sống và hành xử của tôi vẫn không có gì thay đổi. Lòng tôi rộng hẹp không thay đổi theo diện tích sử dụng, lối ăn ở không nằm ở vị trí đặt căn nhà. Bây giờ ở trong phòng rộng, nhiều khi tự nghiệm lại, tôi thấy có khi mình cũng không cần nhiều đến thế. Rộng chật không quá quan trọng, có chăng chỉ mang lại sự tiện nghi hơn do có chỗ để bày biện, lắp đặt thêm đồ đạc.

Vậy nên khi Bộ Xây dựng bật đèn xanh cho căn hộ nhỏ với quy chuẩn diện tích căn hộ tối thiểu 25m2, tôi thấy với phương diện người dân cần nhà, đó là một quyết định có lợi. Chuyện trò với bạn bè, với các đàn em mới lập gia đình chưa lâu, họ đều thấy phấn khích với điều đó.

Tâm lý chung là họ đều cảm thấy có thêm cơ hội. Có thể họ sẽ tìm cách mua, cũng có thể họ sẽ chẳng mua căn hộ 25m2 đâu, nhưng chí ít, nó cho họ thêm một cơ hội, một lựa chọn dự phòng. Bởi căn hộ 25m2 sẽ góp phần đa dạng hóa cơ cấu căn hộ của thị trường nhà ở. Phân khúc này vốn ít được đầu tư nên nguồn cung còn khá hạn chế.

Những ý kiến phản đối, đa phần tôi đọc được trên báo chí hơn là gặp gỡ trực tiếp. Ở đó, đang có nhiều ý kiến lo ngại cho phép xây căn hộ 25m2 về lâu dài sẽ hình thành khu nhà chung cư cũ như thời bao cấp, thậm chí trở thành những "khu nhà ổ chuột" mới tại các đô thị.

Cụ thể, có vị KTS lo ngại khi một gia đình với 4-5 người mua căn hộ 25m2 sống chen chúc, thì chúng ta sẽ quay lại những năm 70 thời kỳ trước đổi mới, là những căn hộ của tòa nhà 5 tầng, là những chung cư cũ mà ngày hôm nay chúng ta đang bức xúc chưa biết giải quyết thế nào bởi đang xuống cấp trầm trọng.

Không sai, hiện nay các thành phố đang phải giải quyết những chung cư thời bao cấp như vậy để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đó là khi nó đã thực hiện xong sứ mệnh lịch sử. Nó đã làm tổ ấm, dù không long lanh mĩ miều, cho biết bao gia đình công chức, người lao động ở Thủ đô và TP.HCM.

Nếu không có những căn hộ nhỏ đó ở Trung Tự, Nghĩa Tân, liệu Hà Nội giải quyết chỗ an cư cho bao thế hệ người lao động lành nghề từ các nơi về sống và làm việc cho thủ đô ra sao? Sứ mệnh lịch sử phục vụ chốn an cư của những căn hộ nhỏ ấy đã đạt được, nay thay đổi nó là hợp lý chứ không cần phủ nhận nó.

Nếu thực sự muốn kiểm nghiệm, có thể tới để gặp và xem những người sống ở đó giờ ra sao. Những trí thức cao tuổi hay thợ bậc cao ngày nào phục vụ thủ đô nay vẫn ở lại đâu đó trong những căn hộ nhỏ đó ở Trung Tự, Nghĩa Tân (Hà Nội). Tương tự, là những cư dân sống ở khu chung cư Nguyễn Thái Bình (Q1, TP.HCM). Họ và những người tiếp xúc họ đều không có lo nghĩ như vị KTS trên.

Căn hộ 25m2 ngày nay, chẳng phải sẽ cũng mang trên mình sứ mệnh lịch sử của nhiều năm trước đó, là tạo chỗ an cư cho nhiều trí thức, lao động lành nghề từ khắp nơi đổ về dựng xây thành phố bên cạnh lo toan cho cuộc sống riêng mình.

Có một điều lo lắng thầm kín khác mà nhiều người đưa ra khi phản đối căn hộ 25m2. Đó là họ lo những người 25m2 sống ngay bên hông nhà mình sẽ làm giảm chất lượng sống của cả khu chung cư!

Bởi lẽ, theo Bộ Xây dựng, mỗi dự án nhà ở thương mại được phép xây dựng không quá 25% số căn hộ diện tích dưới 45m2 đối với tổng diện tích căn hộ toàn dự án. Có nghĩa đã xuất hiện nỗi lo ổ chuột ngay cạnh nhà mình. Nếu là ổ chuột ở đâu đó xa hơn, nỗi lo có lẽ chưa đến mức cao trào như vậy.

Lo lắng đó có phần quá mức. Thông thường cách hành xử của con người có thể thay đổi rất nhanh theo các quy định, luật lệ áp dụng tại đó. Người Việt Nam có thể vứt rác hay nhả bã kẹo đâu đó ngoài đường ở Việt Nam, nhưng ngay khi đặt chân xuống Singapore, họ bỗng dưng hành xử y như mọi người đang sống ở đó: không nhả bã kẹo hay xả rác lung tung. Bởi họ biết, sẽ bị phạt rất nặng và không du di, xin xỏ gì được. Lơ mơ còn bị giam thì phiền.

Ngược lại, người Hàn Quốc nổi tiếng văn minh, nghiêm khắc với bản thân và cộng đồng, song khi sang Việt Nam, họ lại cũng có những xuề xoà, dễ dãi với chính bản thân mình, khiến người bản địa đôi khi còn khó chịu. Tương tự, nhiều khách Tây đi xe vi phạm giao thông ở Việt Nam, đầu không thèm đội mũ bảo hiểm, ở phương Tây họ không làm vậy.

Trong khi đó, người không nhà đang có những nỗi lo hoàn toàn khác với những nỗi lo trên của chuyên gia hay những thành phần tự cho mình là tinh hoa kể trên. Đó là, doanh nghiệp chắc gì đã ‘mặn’ với việc làm căn hộ 25m2 cho mà mua?! Bởi khi làm dự án, chủ đầu tư sẽ căn cứ vào loại sản phẩm nào dễ bán, sinh lời nhiều hơn. Nói về biên lợi nhuận, căn hộ nhỏ, bình dân, giá rẻ, nhà ở xã hội luôn ở mức thấp nhất. Căn hộ ở phân khúc càng cao cấp, biên lợi nhuận càng cao. Đó là lý do nhà bình dân luôn thiếu cung tại Sài Gòn, trong khi nhà cao cấp đang dư thừa lại vẫn nhiều doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại tiếp tục xây mới.

Một nỗi lo khác của họ, là liệu mình có nhanh chân đăng ký mua nhà được với những người khác có điều kiện hơn? Nhiều dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp gần đây đã được những người đi ô tô tới mua thì nhà 25m2 liệu có tới phần người dân không nhà?

Đôi mắt người dân bao lần nhìn về đây…

 

 

Theo cafeland.vn

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/can-ho-25m2-duoi-doi-mat-nguoi-dan-a24723.html