Tình đất và tình mẹ, xa hơn là tình người, là những điều chân thành và giản dị luôn toát lên từ con người có ngoại hình nhỏ bé - Thái Hương - người luôn mang trong mình những giấc mơ lớn và khát khao cháy bỏng: Truyền cảm hứng từ những việc tử tế hằng ngày mà không cần đến chùa để tu tập.
Cuộc trò chuyện của tôi cũng bắt đầu với một con người đặc biệt, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nghệ Tĩnh, người đàn ông đã nếm đủ thăng trầm của cuộc đời, nói ra những quan sát và cách nhìn của mình, về một người phụ nữ đặc biệt - Thái Hương, người sáng lập Tập đoàn TH - một doanh nhân dân tộc của Việt Nam.
- Người ta vẫn nghi ngờ và nói với tôi rằng, chị Thái Hương có những lúc liều lĩnh, thậm chí có phần “điên rồ”, nhất là khi bỏ ra 2,7 tỷ USD đầu tư vào Nga, trong khi Nga đang bị bao vây, cấm vận…
TS. Lê Xuân Nghĩa: Có thể thấy, đầu tư vào Nga, mà lại là sản xuất sữa, hay rộng hơn, người Việt Nam đầu tư vào châu Âu, chẳng khác nào động thái “chở củi về rừng”. Đó là hành động chiến lược rất táo bạo, dù “chở củi về rừng”, song khả năng thành công là rất lớn. Có thể khẳng định như vậy bởi những cơ sở nhất định:
Thứ nhất, Nga có đất đai bình nguyên rộng lớn, thuận lợi cho việc chăn nuôi quy mô mênh mông. Nhưng đây lại là quốc gia thiếu nguồn lực tài chính để có thể đầu tư sản xuất lớn. Cho nên, khả năng cạnh tranh về thị trường sữa của Nga so với những quốc gia châu Âu khác, là rất thấp.
Thứ hai, trong chăn nuôi, giống là nhân tố vô cùng quan trọng và mang tính quyết định, và chị Thái Hương đang chiếm ưu thế. Nếu như có nguồn lực tài chính, công nghệ và giống tốt thì khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác ở châu Âu là rất tốt.
Thứ ba, trong bối cảnh hiện tại, cuộc chiến thương mại, đầu tư giữa Nga và các nước châu Âu, Mỹ còn kéo dài. Bởi có những yếu tố chính trị, địa chính trị mang tính chi phối. Khả năng Nga nhập khẩu lại sữa từ châu Âu trong những năm tới đây khá khó khăn. Nga có chiến lược tự túc lương thực, thực phẩm được tiến hành trong vài ba năm vừa qua (giai đoạn bị cấm vận) và khá thành công.
Vì thế, tuy nói là “chở gỗ về rừng”, nhưng khả năng thành công lại rất lớn.
Có thể thấy, đầu tư của Tập đoàn TH vào Nga là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Cũng là khoản đầu tư rủi ro thấp nhất, nhất là so với đầu tư dầu khí. Bởi sữa có nhu cầu khá ổn định, không bị phụ thuộc nhiều vào điều kiện khai thác, chính trị, địa chính trị…
Có thể coi chị Thái Hương là một nhà đầu tư tiên phong ra nước ngoài của Việt Nam. Trở thành một trong những biểu tượng có tính đột phá về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nga. Từ trước đến nay, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Nga thường là một chiều. Việt Nam cũng có một vài chương trình đầu tư vào Nga như dầu khí những chưa đâu vào đâu.
Do đó, việc TH tiên phong đầu tư vào Nga có triển vọng thành công lâu dài.
- Sự khác biệt, tạo nên thành công. Và sự khác biệt trong cách đầu tư của TH tại Nga là gì, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Năng suất sữa trung bình của bò sữa nuôi tại trang trại TH ở huyện Volokolamsk hiện đạt mức 37 lít/con/ngày, tương đương hơn 11 tấn sữa/chu kỳ, cao hơn rất nhiều so với năng suất của toàn ngành tại Nga (hiện chỉ đạt 6 tấn sữa/chu kỳ).
Kết quả này tôi đã đoán ra ngay từ đầu và cũng chính là lý do khiến chị Thái Hương quyết định đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất đối với chăn nuôi bò sữa chính là giống và công nghệ. Công nghệ được áp dụng từ khâu trồng cỏ, chất lượng cỏ, giống cỏ, phương thức khai thác sữa, bảo quản, chế biến…
Nói như vậy để thấy rằng, từ giống cho đến công nghệ chăn nuôi bò sữa của Nga đã lạc hậu hơn so với thế giới. Trong khi đó, công nghệ và giống bò sữa của chị Thái Hương đã tiệm cận với trình độ cao nhất của thế giới.
Chị Thái Hương đã tận dụng thế mạnh về vốn (tài chính), giống và công nghệ để tạo ra sự khác biệt và sức cạnh tranh vượt bậc.
Tuy nhiên, tôi không muốn nói đến sự cạnh tranh giữa chị Thái Hương và thị trường sữa của Nga, vì đương nhiên chị Thái Hương đã có lợi thế và chiến thắng.
Nhìn rộng ra và quan trọng hơn, lâu nay, Nga nhập khẩu sữa từ châu Âu, nhảy vào thị trường đó nghĩa là phải cạnh tranh với những nông trường trồng cỏ, nuôi bò và chế biến sữa của châu Âu. Họ cũng là những đối thủ cạnh tranh lớn, có trình độ không kém gì chị Thái Hương, thậm chí có kinh nghiệm trong chế biến sữa và các sản phẩm khác từ sữa, ví dụ như bơ, phô mai…
Đây là cả một cuộc chiến và trước mắt, có thể Tập đoàn TH chưa gặp phải những đối thủ này, vì Nga đang bị cấm vận. Nhưng về lâu về dài, họ chính là đối thủ của chị Thái Hương, chứ không phải những doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa của Nga.
- Thế bao vây cấm vận của phương Tây với Nga có lẽ không phải là sự vững chắc, và đó có thể chính là mấu chốt khiến nhiều người lo ngại, khi TH đầu tư vào Nga?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Thực ra, quan hệ giữa Nga và châu Âu đáng lẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng, nếu như không có Mỹ nhảy vào cuộc.
Thứ nhất, Mỹ với tư cách cầm đầu khối NATO và mở rộng khối ra phía Đông, đặc biệt là sang Ba Lan, một quốc gia hiện rất thù địch với Nga về mặt tư tưởng, chính trị. Thậm chí, còn mở rộng hơn nữa vào các nước vùng Ban-tíc… Điều đó Nga không bao giờ cam chịu, bởi ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của họ.
Ngoài ra, sự đối đầu của Mỹ và Nga ngày càng nặng nề hơn, đó là việc hủy bỏ một số hiệp ước song phương về vũ khí chiến lược, vũ khí hạt nhân. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và Mỹ kỳ vọng Nga không đủ nguồn lực tài chính để tham gia và cuộc chạy đua này. Nếu chạy đua, Nga sẽ bị suy yếu.
Đây là vấn đề chính trị, diễn biến ra sao phụ thuộc rất lớn vào việc ai sẽ là Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới - người sẽ đưa ra quan điểm đối ngoại với Nga như thế nào.
Mỹ có 3 sự lựa chọn về chính sách đối ngoại:
Thứ nhất, họ tự biến mình thành một quốc gia thịnh vượng nhưng độc lập, không dính dáng gì đến quan hệ quốc tế, không cần đồng minh. Lựa chọn này hiếm có Tổng thống Mỹ nào lựa chọn, vì như vậy, nước Mỹ cũng sẽ suy yếu, bởi “cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”.
Lựa chọn thứ hai cực đoan hơn, Mỹ đứng ra lãnh đạo thế giới như trước đây, với chiến lược đơn cực. Có vẻ chiến lược này không có triển vọng thành công, bởi vai trò và sự lớn mạnh ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc.
Do đó, rất có thể Mỹ lựa chọn chiến lược thứ ba về đối ngoại, còn gọi là chiến lược thực dụng. Có nghĩa là một mặt củng cố kinh tế - xã hội trong nước, một mặt tham gia vừa phải các quan hệ quốc tế, dựa trên nền tảng lợi ích nước Mỹ và bảo vệ an ninh lâu dài của nước Mỹ. Họ sẽ can thiệp vào các quan hệ quốc tế một cách rất có lựa chọn. Sẽ không tham gia vào các xung đột có tính dài hạn, lãng phí và không đem lại nhiều lợi ích.
Ví dụ, khi Iraq kéo quân vào Kuwait, cựu Tổng thống Bush “cha” lựa chọn phương án đánh đuổi Iraq ra khỏi Kuwait và đến đó là chấm dứt. Mặc dù khi đó, có rất nhiều người cho rằng, phải tiêu diệt Saddam Hussein và đánh chiếm toàn bộ Iraq lập chính phủ mới, nhưng Bush “cha” không lựa chọn như vậy và cho rằng không cần thiết, vì có thể gây ra tổn hại rất lớn cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, khi Bush “con” lên nắm quyền sau 2 nhiệm kỳ đã đánh Iraq và tiêu diệt Saddam Hussein và mắc kẹt ở đó 8-9 năm trời, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ, tốn kém khoảng 4.000 tỷ USD, thậm chí cao hơn, với vô số hậu quả khi chiến binh Mỹ từ Iraq về như tâm lý, dịch bệnh…, giờ vẫn chưa giải quyết xong.
Một Tổng thống thực dụng sẽ không chọn phương án như Bush “con”, nhưng cũng không để yên mà chọn phương án như Bush “cha”.
Thời gian đầu, Tổng thống Donald Trump có vẻ thiên về lựa chọn chính sách thứ nhất, nhưng gần đây, có vẻ như đang chọn chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ đối ngoại. Dường như về thương mại và đầu tư, mang tính độc lập nhiều hơn, về an ninh có tính thực dụng nhiều hơn. Cách thức như vậy có thể sẽ được các Tổng thống Mỹ sau này lựa chọn. Như vậy, lệnh cấm vận của Mỹ với Nga có thể còn kéo dài. Bởi Mỹ sẽ tiếp tục dừng cả thương mại, đầu tư vào Nga.
Còn nếu lựa chọn theo phương án, Mỹ muốn có ảnh hưởng lớn hơn, như nhà lãnh đạo thế giới, họ sẽ tôn trọng các hiệp ước đa phương như Xuyên Đại Tây Dương, Xuyên Thái Bình Dương, Bắc Mỹ... Trong trường hợp đó, họ nhìn nhận lợi ích của Nga và Trung Quốc theo một cách khác: Làm thế nào để họ gắn kết với mình, phụ thuộc lẫn nhau, để tạo ra thế ổn định về thương mại, đầu tư lâu dài. Như vậy, lệnh cấm vận của Mỹ với Nga có thể sẽ được bãi bỏ.
Do đó, tình trạng này này phụ thuộc vào chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ theo trường phái nào. Và nếu ông Donald Trump tiếp tục thắng cử, chính sách đối ngoại của Nga sẽ khó thay đổi. Theo tôi dự đoán, lệnh cấm vận của Mỹ với Nga sẽ còn kéo dài, và đó là cơ sở, là thuận lợi cho những nước đi của chị Thái Hương. Tôi tin, chị Thái Hương đã nhìn ra điều đó và đó là phẩm chất của một doanh nhân dân tộc điển hình của Việt Nam: Táo bạo, chớp thời cơ và tỉnh táo trong đầu tư.
- Vậy còn ý nghĩa chính trị trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, sau những bước đi chiến lược của Tập đoàn TH là gì, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Lâu nay, quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Nga là rất tốt. Có những trụ cột quan trọng về mặt chiến lược với Việt Nam, nhằm tạo ra tương quan quốc tế cân bằng giữa Việt Nam – Mỹ, Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Nga. Quan hệ chiến lược Việt Nam – Nga đã tạo ra thế cân bằng.
Về văn hóa, Việt Nam có đội ngũ những tri thức học ở Nga về rất đông. Văn hóa Nga cũng ảnh hưởng khá mạnh đến văn hóa Việt Nam, từ văn học, nghệ thuật, thơ ca, hội họa…
Những ảnh hưởng đó đang mai một dần, do những thế hệ học ở Nga đang ngày một già đi, những thế hệ sau ít quan tâm hơn đến văn hóa Nga. Phần lớn những thế hệ sau sang Nga chủ yếu là đi xuất khẩu lao động, buôn gian, bán lậu (buôn bán phi chính thức), gây nên những hình ảnh rất xấu của người Việt Nam trong mắt những thế hệ Nga mới.
Rất nhiều hành vi có thể nhìn thấy hằng ngày. Ví dụ mà tôi từng được chứng kiến, công an Nga cứ thấy người Việt Nam là phải hỏi giấy tờ, thậm chí ở sân bay, khi xếp hàng làm thủ tục an ninh, có 4 cổng an ninh, khi đến lượt đoàn của Việt Nam xuống rất đông thì Nga đóng cửa 3 cổng, chỉ cho Việt Nam 1 cổng. Người Việt Nam phải đứng xếp hàng rất dài mới làm xong thủ tục an ninh, với ánh nhìn không mấy thân thiện.
Điều đó cho thấy rằng, các thế hệ Việt Nam trẻ và Nga trẻ có góc nhìn không có nhiều thiện cảm với nhau, không có tính nhân văn so với thế hệ trước. Nhưng thế hệ trẻ lại là thế hệ quyết định quan hệ đối ngoại giữa hai nước.
Chính vì thế, hành động của chị Thái Hương đã tạo ra một hình ảnh mới, một hình ảnh đáng tự hào của người Việt Nam ở Nga. Nếu dự án này thành công, phần nào đó tác động đến quan hệ thương mại đầu tư đã đành, nhưng quan trọng hơn, là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị được kết nối từ những truyền thống cũ.
- Đó còn là sự đồng hành giúp nhân dân Nga giải quyết các vấn đề về lương thực, sự sẻ chia, tri ân của Tập đoàn với đất nước đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi cũng nghĩ như vậy. Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi, trong đó có chị Thái Hương đã chứng kiến tình cảnh đất nước phải đương đầu với những cuộc chiến tranh liên miên, thiếu thốn trăm đường. Lúc ấy, nước Nga (Liên Xô cũ) đã có những sự giúp đỡ vô cùng lớn lao cho nhân dân Việt Nam. Trong tâm thức của chị Thái Hương, đó như một ân huệ, và những bước đi của chị, như một sự sẻ chia và tri ân. Song, điều đặc biệt trong con người chị Thái Hương, đó là sự nhanh nhạy, óc phán đoán và chớp thời cơ.
Thực ra, đây là thời điểm tốt nhất trong kinh doanh, bởi lệnh cấm vận đã khiến các nhà lãnh đạo Nga khích lệ sản xuất trong nước, ban hành hàng loạt chính sách hấp dẫn cho nông nghiệp.
Nga đã có chiến lược tự túc lương thực, thực phẩm. Với những tiềm năng về tài nguyên, về con người của Nga, hoàn toàn tin tưởng họ có thể làm được điều đó.
Điều quan trọng ở đây, chị Thái Hương không chỉ ngây thơ bỏ ra 2,7 tỷ USD làm quan hệ đồng hành với người Nga, để giải quyết vấn đề cấm vận sữa.
Đây là dịch vụ thương mại, đầu tư thực sự và có lợi. Vừa tận dụng ưu việt về giống và công nghệ, vừa tận dụng được tài nguyên thiên nhiên, vừa tận dụng được thị trường của Nga - thị trường tiêu dùng sữa rất nhiều, đang bị cấm vận - cấm vận khả năng kéo dài. Đó là bài toán có ý nghĩa thương mại, đầu tư lớn hơn nhiều.
Tất nhiên, dự án thương mại, đầu tư nào cũng có những dấu ấn chính trị. Nhưng đó là một phái sinh của thương mại, đầu tư.
- Lãnh đạo Tập đoàn TH kỳ vọng sản phẩm của TH tại Nga sẽ được người tiêu dùng tin yêu và đón nhận là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia của nước Nga. Ông nghĩ sao về kỳ vọng này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ, đó là chiến lược đầu tư mang đặc điểm toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa thì thương hiệu bản địa không còn quan trọng mà thương hiệu quốc tế mới quan trọng. Khi nói đến Samsung, trước đây người ta sẽ nghĩ đến Hàn Quốc, nhưng Samsung giờ đây không muốn gắn đến bản địa của Hàn Quốc mà là Samsung quốc tế. Một Samsung không “biên giới”.
Chị Thái Hương cũng nên xây dựng thương hiệu như thế. Không chỉ là thương hiệu của Việt Nam, không chỉ là thương hiệu của Nga, mà là thương hiệu quốc tế.
Một TH không “biên giới”. Đó là đăc điểm quản trị và phát triển thương hiệu toàn cầu hóa, khác với trước đây, cái gì cũng là bản địa.
Người ta giờ đây muốn xóa nhòa bản địa thành cái chung của thế giới.
- Nói như vậy, nghĩa là không có mối lo, thách thức nào với TH?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Xét về mặt chiến lược, đó là sự lựa chọn và quyết định đúng đắn của chị Thái Hương, khi không có đối thủ. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân lớn của Nga chạy ra nước ngoài, do biến động chính trị từ những năm 90 của thế kỷ trước. Còn lại, phần lớn doanh nghiệp tư nhân nhỏ, khó tìm ra những doanh nghiệp có nguồn lực tài chính lớn, tạo ra quy mô kinh doanh khổng lồ.
Nga là quốc gia thông minh, về lâu dài, công nghệ sẽ rất phát triển. Nếu họ đi sâu vào nông nghiệp có thể tạo ra công nghệ đột phá. Nga hiện đang làm chủ công nghệ về phân hữu cơ nano, cấp đông tiên tiến bậc nhất thế giới. Nhưng không triển khai được nhiều vào thực tiễn vì thiếu nguồn lực tài chính.
Trong trung và dài hạn, chị Thái Hương sẽ chiếm ưu thế.
Thực ra, chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam không phải là thế mạnh. Nước ta không có những bình nguyên mênh mông, đất đai không màu mỡ bằng Nga, quy mô đất rộng lớn cũng không có. Nhu cầu tiêu dùng về sữa của Nga lớn, dân số đông hơn Việt Nam. Tiêu dùng sữa như một thói quen của người Nga.
Cho nên, chọn Nga để đầu tư là sự lựa chọn chiến lược độc đáo, thông minh.
Ngày 02/02/2020 – Tập đoàn TH tổ chức Lễ đón đầu tiên trong năm 2020 dành cho đàn bò sữa cao sản thuần chủng Holstein Friesian (HF) nhập khẩu từ Mỹ với quy mô lớn 4.500 con về trang trại Tân Đáo.
- Vậy yếu tố cần lưu ý nhất của TH là gì, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đầu tư vào Nga, là cách thức phát triển nhanh nhất cho TH. Một sản phẩm chỉ loay hoay trên thị trường nội địa, trong thế giới toàn cầu hóa thì sớm muộn cũng sẽ chết.
Cho nên, ở Hàn Quốc, Park Chung-hee đưa ra một tiêu chí: Xuất khẩu là kỷ luật. Bởi nếu chúng ta thuyết phục nhau trên sách vở rằng sản phẩm tốt, công nghệ cao nhưng không xuất khẩu được được ra thế giới là sự thất bại. Xuất khẩu là minh chứng để chứng minh công nghệ tốt, sản phẩm tốt. Từ xuất khẩu sẽ tạo ra sự thay đổi về công nghệ, những thay đổi nhu cầu quốc tế với sản phẩm của mình. Làm được điều đó là cốt lõi nhất của một doanh nghiệp để tạo lập thương hiệu có tính quốc tế.
Xuất khẩu nghĩa là thế giới khẳng định, chứng nhận sản phẩm của mình, đồng thời cũng lấy được thông tin, nhu cầu của thế giới để tiếp tục điều chỉnh, cải tiến…
Nếu không xuất khẩu được thì không nói lên được điều gì!
- TH có phải là hình mẫu cho ngành nông nghiệp, tạo ra những cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Hiện tại, nông nghiệp là một trong những thế mạnh ít ỏi của Việt Nam. Nhưng với điều kiện, đó phải là nông nghiệp sạch, đạt chuẩn mực quốc tế về an toàn thực phẩm và môi trường.
Vấn đề được đặt ra là: Làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam trở thành thế mạnh thực sự, đó là phải sạch và xuất khẩu được. Nghĩa là phải được thế giới chấp nhận, có những thương hiệu toàn cầu. Chị Thái Hương đang đi theo hướng đó. Cuộc chiến gian nan, lâu dài, nhưng là cuộc chiến sống còn duy nhất với ngành nông nghiệp.
TH đang đi con đường mà không ai dám đi, hoặc có đi cũng gặp phải nhiều trở ngại. TH hiện không có đối thủ, đó không phải là sự khẳng định ngạo mạn, mà thực tế, sự vào cuộc của TH đã thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến sữa phải cạnh tranh và nâng cao chất lượng.
Lịch sử rất công bằng, thời gian sẽ trả lời tất cả. Khi chị Thái Hương đã làm sữa bằng trái tim, bằng sự nhân văn của mình thì thành quả nhận lại cũng rất ngọt ngào.
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, chị Thái Hương - một người phụ nữ Việt Nam rất nhỏ bé nhưng có sự nỗ lực rất to lớn mà chúng ta không thể tưởng tượng được. “Đến một vùng đất mà chúng tôi đi từ thủ đô Moscow tới đây, nhìn thấy đất đại mênh mông nhưng người phụ nữ nhỏ bé này đã biến nơi đây thành những nông trường và những nông trại bò sữa, nuôi bò lấy sữa ứng dụng công nghệ cao…”.
Người ta thường nói, con gái xứ Nghệ dịu dàng. Còn với ông, ông cảm nhận ra sao về người phụ nữ này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Những gì tôi biết được về chị Thái Hương, đó là một con người lãng mạn, rất yêu văn học, nghệ thuật, luôn toát lên vẻ đẹp nhân văn, nhân ái.
Nếu đủ tinh tế và yêu thương, bạn sẽ được nghe những lời tự truyện về tuổi thơ của chị trong veo nơi mảnh đất Đô Lương, nơi một đứa trẻ nhận thức về truyền thống, văn hoá, người mẹ một cách hồn nhiên dù giữa mưa bom đạn lạc, hay giữa thời bình. Bài học đến chỉ từ cách bà mẹ vấn tóc, dạy lời ăn tiếng nói hay cách để một người phụ nữ bao bọc gia đình mình, vươn lên và tự tin bước tới.
Song, chị Thái Hương lãng mạn nhưng không hề dịu dàng, nhất là trong công việc. Đó là người phụ nữ rất kiên định và cương nghị, bảo vệ quan điểm đến cung
Quan sát và phân tích kỹ có thể thấy, chị Thái Hương dần bộc lộ và trở thành người phụ nữ có tầm nhìn lớn. Chưa có người phụ nữ Việt Nam nào có tầm nhìn về thương mại, đầu tư lớn như chị.
Chị đã mang sang đất nước của Pavel Korchagin - nhân vật trong “Thép đã tôi thế đấy” và vị tổng thống tài năng Putin một dự án trang trại bò sữa có vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD, lớn gấp đôi vốn đầu tư của trang trại TH đạt kỷ lục châu Á ở Việt Nam.
Với vùng trang trại dự kiến rộng đến 140.000ha, tổng đàn bò khoảng 350.000 con, một nhà máy chế biến sữa có tổng công suất 5.900 tấn sữa mỗi ngày, tương đương 1,8 triệu tấn sữa mỗi năm, dự án có thể tạo lập một kỷ lục mới tầm cỡ thế giới.
Chị làm tất cả những điều đó bởi có sự gắn kết hài hòa giữa thương mại, đầu tư và giải quyết các vấn đề nhân sinh một cách nhuần nhuyễn.
Ý tưởng đầu tư sang Nga, dựa trên lợi thế về thương mại, đầu tư, thị trường, công nghệ, giống để tạo nên lợi nhuận ổn định lâu dài. Nhưng đồng thời, cũng là một ý tưởng khá lãng mạn và chất chứa bao tình cảm.
Chính vì thế, chúng ta nhìn ra được một triển vọng lâu dài cho ngành nghề kinh doanh. Đồng thời, cũng mang ý nghĩa kết nối văn hóa Việt Nam - Nga.
Chị Thái Hương rất yêu văn học nghệ thuật Nga, trong máu của chị có những yếu tố văn hóa Nga. Điều đó, thế hệ của chúng tôi, và của chị, là chuyện không khó nhận biết.
- Chị Thái Hương thích hát về đồng đất, nông nghiệp, ngủ ít, thiền 3 tiếng / ngày, nhưng luôn khiến cấp dưới nể phục… Ông lý giải ra sao về sự hình thành và lưu chuyển những năng lượng đặc biệt trong người phụ nữ này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Chị Thái Hương nghiên cứu khá sâu về đạo Phật và thực hành, tu tập theo đạo Phật với pháp danh Diệu Huệ. Đạo Phật có một triết lý nổi tiếng, vĩ đại nhất của loài người: Loài người được sinh ra bởi những thứ không phải là loài người.
Tức là, ta được sinh ra bởi vũ trụ, thậm chí từ những vi khuẩn ở trong đất cũng góp phần sinh ra loài người, đó là tính chất thống nhất, vô nhị, không có gì là khác biệt.
Như vậy, tìm mọi cách để bảo vệ những thứ đã tạo ra mình, đó là con đường duy nhất để loài người trở nên hạnh phúc. Nói một cách hiện đại, bảo vệ môi trường sống để bảo vệ loài người. Phải duy trì toàn bộ những gì tạo ra loài người một cách bình thường nhất.
Đó là sự thâm sâu trong tư duy của chị Thái Hương. Chị là một người thực hành tu tập thực sự và đưa triết lý nhà Phật vào triết lý kinh doanh. Một con người thấu hiểu được triết lý bát nhã trong kinh doanh. Đó chính là căn nguyên tạo ra những năng lượng đặc biệt cho chị Thái Hương.
- Chị Thái Hương là người phụ nữ có ngoại hình nhỏ bé, nhưng có tầm nhìn không hề nhỏ bé, nhất là khi vẽ cho TH con đường mà không ai đi...
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đó là trí tuệ lớn, bản lĩnh lớn. Quan trọng là ý chí quyết định phương hướng và quy mô kinh doanh. Ví dụ, Jack Ma - người đàn ông nhỏ bé - đã làm nên những kỳ tích về công nghệ. Chị Thái Hương cũng là người như thế.
Trong người phụ nữ có ngoại hình nhỏ bé đó, luôn có một độ Tĩnh - đó là chữ Tĩnh trong Phật pháp. Và tôi cảm nhận rằng, chị cũng là người thấu hiểu luật nhân quả, cho nên, luôn hướng thiện từ những hành vi nhỏ nhất, để góp phần nhân lên những điều tốt đẹp.
Kinh doanh với chị như một bản nhạc. Có nốt trầm, nốt bổng, nốt thăng, nốt giáng, nhưng đó là con đường hạnh phúc. Vì sức khỏe cộng đồng, và theo con đường vi diệu của Phật pháp.
Chính sự tử tế trong kinh doanh và nghiêm túc trong cuộc sống đã khiến chị Thái Hương và TH có thể đi xa. Đi xa không có nghĩa là vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, mà là đi xa trong chính lòng người.
Để làm được điều đó, cần có sự Tĩnh trong lòng để nhìn nhận rõ từng vấn đề. Khi nhìn rõ vấn đề, không gì là không có cách giải quyết. Đó là chữ Tĩnh trong Phật pháp vô biên.
Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến một chữ Duyên. Nhân Duyên làm sữa bắt đầu từ trái tim và nỗi đau của người mẹ. Nhân Duyên đó khiến một người phụ nữ làm tài chính đã dần trở nên dịu dàng hơn. Chữ Duyên cũng khiến người phụ nữ “zero” về sữa trở thành "người đàn bà sữa".
Chị Thái Hương cũng là một người mẹ, một người vợ, một người phụ nữ, thế nên, chị ấy luôn hiểu, nhiều khi bệnh tật sinh ra từ miệng, từ môi trường… Sự lành mạnh luôn song hành với sự tử tế.
Đó là một người phụ nữ đẹp - đẹp về sức khỏe, đẹp về nhân cách và đẹp về tâm hồn.
- Đó là một hành trình khám phá chính bản thân mình, và chỉ khi hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình, người ta có thể “là chính mình” và sống thật với mình hơn?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đức Đạt Lai Lạt Ma, người có một quan niệm đơn giản nhưng rất thiết thực về cách làm sao để tìm thấy sự tự tin cho mình. Khi được hỏi: Làm sao Ngài có thể tự tin thuyết giảng trước đám đông hàng ngàn người, hoặc không ngại ngần khi bắt chuyện với một người hoàn toàn xa lạ? Ngài trả lời: “Hãy thành thật với chính mình”.
Chị Thái Hương là người tự tạo cho mình được nhiều giá trị, làm cho cái tôi của mình đẹp hơn. Chỉ khi hiểu được giá trị thật về cái tôi của mình, người ta có thể là chính mình và sống thật với mình hơn. Khi đó, mọi quan niệm xung quanh không thể chi phối về cái tôi của bản thân mình. Chỉ khi đó, con người ta mới không tự ti, không tự ái và là chính mình để dám mơ ước, dám thay đổi, và cống hiến.
- Và đang có một cuộc cách mạng khác, góp phần “biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới” và “mang một Việt Nam đẳng cấp ra thế giới”. Ông nghĩ sao về giấc mơ và khao khát này của chị Thái Hương?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Đó là triết lý hoàn toàn đúng, các nhà marketing nổi tiếng thế giới đều quan niệm như vậy. Họ cho rằng, thế mạnh duy nhất của Việt Nam chính là trở thành bếp ăn của thế giới. Tôi cho rằng, du lịch gắn với ẩm thực cũng là cách biến Việt Nam trở thành thế giới.
Tôi biết, chị Thái Hương trăn trở và quyết định mở hướng đánh chiến lược, như một "kỳ tích thứ hai": Vươn sức mạnh của TH ra ngoài lãnh thổ và nhảy vào nhiều lĩnh vực mới của thực phẩm sạch. Bởi muốn đất nước phát triển thịnh vượng, việc “mang thế giới đến Việt Nam” là chưa đủ. Chúng ta còn cần “mang Việt Nam ra thế giới”.
Muốn vậy, cơ thể mình cần cái gì, thì doanh nghiệp cần làm cái đó, từ sữa, rau quả sạch, nước mắm, dầu, lạc, gạo, các loại đồ uống thảo dược… để biến Việt Nam trở thành bếp ăn đúng nghĩa của thế giới.
Chị chọn con đường trở thành một “người nội trợ tử tế” để “mang Việt Nam ra thế giới”: Sản xuất ra nhiều dòng thực phẩm tươi sạch đẳng cấp và khác biệt, vừa phục vụ sức khỏe người Việt, vừa xuất khẩu sang những nước đòi hỏi chất lượng thực phẩm cao nhất.
Đó là những bước đi đầy mạnh mẽ và kiên trì để thúc giục người Việt biết trân quý lại mẹ thiên nhiên - người sẽ cho ta tất thảy. Cuộc cách mạng về sữa hạt và nước uống thảo dược hoàn toàn từ thiên nhiên mà TH đang làm, chính là những bước khởi đầu cho xu thế tất yếu ấy.
Và đạo Phật chính là sự cảm nhận thú vị về thiên nhiên, mỗi một món ăn phải chánh niệm, phải nghĩ đến nguồn gốc, xuất xứ và giá trị của nó. Bước một bước chân trên đất, cũng phải nghĩ đến đất là mẹ. Mỗi một bước chân trên đất này chứa đứng tâm niệm về mẹ, về tất cả những gì đã tạo ra chúng ta và đang nuôi sống chúng ta.
Chị Thái Hương thấm nhuần triết lý đạo Phật, và trong từng phát biểu đã thể hiện điều đó. Chị muốn phổ cập toàn cầu giá trị món ăn Việt.
Ăn nghĩa là dưỡng sinh chứ không đơn thuần là dinh dưỡng. Dưỡng sinh có tính mình sống, để cho chúng sinh cũng sống.
Mình hạnh phúc cũng là để cho chúng sinh hạnh phúc. Chỉ khi chúng sinh hạnh phúc thì mình mới hạnh phúc.
Và với chị Thái Hương, việc làm ra các sản phẩm tốt nhất cho cộng đồng - đó là nguồn hạnh phúc của chính bản thân người phụ nữ này.
Tại sao sản phẩm sữa của TH lại phải mang 2 chữ “TH”, bởi chị Thái Hương xác định, làm sữa là để mọi người hạnh phúc và phải xây dựng được thương hiệu đích thực, mang tầm quốc tế. TH là từ được hình thành từ chữ “True” và chữ “Happiness”. True Happiness, có nghĩa là “Hạnh phúc đích thực”. Trước khi chọn thương hiệu đó, tôi được biết, chính chị Thái Hương đã chia sẻ và tự tay mình viết rằng: “Hãy làm cho trẻ em ly sữa bằng cả trái tim và tấm lòng của người mẹ”.
Hạnh phúc không ở đâu xa, mà ở ngay những việc hằng ngày. Ta tạo ra những dòng sữa tươi sạch, những thực phẩm lành mạnh, những đồ uống tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng, đó là niềm hạnh phúc.
- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị trong ngày đặc biệt này, ngày quốc tế Phụ nữ, và xin được chúc cho những người Phụ nữ - những nữ doanh nhân dân tộc của Việt Nam, luôn bản lĩnh và thành công trên thương trường và hạnh phúc trong đời thường!
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/cai-toi-cang-it-thi-cang-di-xa-a24151.html